Thứ Hai, 11/11/2024 03:46 SA
Chuyên gia y tế Mỹ nhận định khó xóa sổ dịch COVID-19
Thứ Ba, 08/03/2022 17:47 CH

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

* Người nhiễm Omicron có thể lây bệnh cho người khác trong 6 ngày

 

Các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo trong ngắn hạn đại dịch COVID-19 khó có thể bị loại bỏ, do đó người dân cần phải tiếp tục linh hoạt áp dụng đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách nếu số ca nhiễm tăng cao trong khu vực sinh sống của mình.

 

Lời cảnh báo trên được đưa ra dù số ca mắc mới COVID-19, nhập viện và tử vong đang có xu hướng giảm trên khắp nước Mỹ. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết số ca nguy kịch đã giảm từ 1.200 của ngày 24/2 xuống 472 ca vào ngày 3/3.

 

Dữ liệu của CDC cũng cho thấy hơn 90% dân số Mỹ sống tại các khu vực có mức độ lây nhiễm cộng đồng COVID-19 thấp hoặc trung bình. Tuy nhiên, CDC lưu ý rằng đến vào ngày 7/3, còn khoảng 35% công dân Mỹ vẫn chưa được tiêm đầy đủ vắc xin.

 

Báo cáo của CDC cũng nhấn mạnh khoảng 3% dân số Mỹ, tương đương khoảng 9 triệu người, bị suy giảm miễn dịch và dễ mắc bệnh nặng dù sống ở khu vực địa lý nào.

 

Chuyên gia dịch tễ học của bệnh viện NYC Health +, Syra Madad, khuyến cáo dù mức độ lây truyền trong cộng đồng thấp cũng không có nghĩa là nguy cơ bùng phát dịch bệnh bị loại bỏ hoàn toàn.

 

Theo chuyên gia này, ở những khu vực được coi là có mức lây nhiễm cộng đồng cao, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch đã được khuyến cáo. Ở những khu vực có cấp độ lây nhiễm thấp hoặc trung bình, đeo khẩu trang và thực hiện giữ khoảng là những cách giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân.

 

Trong diễn biến khác, tạp chí medRxiv dẫn một nghiên cứu mới đây cho biết bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan bệnh cho những người đã nhiễm các biến thể trước đó và thời gian trung bình lây lan ít nhất là 6 ngày.

 

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 56 bệnh nhân mới mắc COVID-19, trong đó có 37 người nhiễm biến thể Delta và 19 người nhiễm Omicron. Tất cả các tình nguyện viên đều có các triệu chứng nhẹ giống như cúm và không ai phải nhập viện.

 

Tiến sĩ Amy Barczak ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts tại Boston, đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, cho biết: "Trung bình, những người tham gia nghiên cứu không còn virus sau khoảng 6 ngày kể từ khi có xét nghiệm dương tính, tuy nhiên 25% các trường hợp vẫn tiếp tục lây lan virus trong hơn 8 ngày".

 

Theo ông Barczak, dù không biết chính xác cần một lượng virus bao nhiêu để truyền bệnh cho người khác, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy những người bị nhiễm COVID-19 nhẹ có thể lây bệnh cho người khác trong vòng trung bình trong 6 ngày, "đôi khi có trường hợp lâu hơn".

 

Trong một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Journal of Molecular Medicine, các nhà khoa học cho biết một loại thuốc phù mạch Icatibant (Firazyr) của công ty dược phẩm Takeda của Nhật Bản mang lại nhiều hứa hẹn đối với điều trị COVID-19.

 

Nhà nghiên cứu Adam Chaker của Đại học Kỹ thuật Munich khẳng định: “Thuốc Icatibant đã giảm tải lượng virus một cách hiệu quả (hơn 90%) và bảo vệ các tế bào hô hấp của người nhiễm”.

 

Trong khi đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Sky News mới đây, Giáo sư Sarah Gilbert, nhà khoa học bào chế ra vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Oxford (Anh), cho rằng: "Thế giới cần phải sẵn sàng tung ra vắc xin phù hợp chỉ trong vòng 100 ngày, nếu xuất hiện virus gây đại dịch tiếp theo".

 

Theo Giáo sư Gilbert, đã mất khoảng 300 ngày kể từ khi thế giới xác định được bệnh COVID-19, cho đến khi loại vắc xin đầu tiên chống lại căn bệnh này được phê duyệt. Tuy nhiên, để ngăn chặn một đại dịch trong tương lai, thế giới cần phải phản ứng nhanh hơn nhiều.

 

Mục tiêu "100 ngày có được vắc xin" ban đầu được Chính phủ Anh đưa ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào tháng 6/2021 và nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo G7 và Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

 

Theo các nhà lãnh đạo, một phản ứng nhanh chóng như vậy đối với đại dịch COVID-19 sẽ giúp cứu được hàng triệu sinh mạng và hạn chế thiệt hại lên tới hàng nghìn tỉ USD trên khắp thế giới. Giáo sư Gilbert cho rằng các nhà khoa học nên xây dựng một ngân hàng vắc xin chống lại các chủng virus vốn được xem là những mối đe dọa lớn nhất gây đại dịch. Công trình này có thể khởi đầu với ít nhất 10 loại vắc xin có hiệu quả rộng rãi.

 

Bà nêu rõ: “Chúng tôi muốn tạo nguồn 'hạt giống' cho một số loại vắc xin khác nhau. Sau đó, chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để có thể xem xét phản ứng miễn dịch đối với từng loại virus khác nhau để xem liệu nó có khả năng bảo vệ hay không. Chúng tôi muốn phát triển xa nhất có thể và sau đó thiết lập một ngân hàng dự trữ vắc xin, sẵn sàng để sử dụng và khả năng tăng cường sản xuất thực sự nhanh chóng nếu dịch bệnh bùng phát".

 

Theo bà Gilbert, cho đến nay virus corona vẫn là một mối quan ngại đáng kể, vì khả năng lây lan nhanh chóng giữa người với người. Những chủng virus khác, như virus Nipah, tuy gây tỉ lệ tử vong cao nhưng cho đến nay khả năng lây truyền thấp hơn nhiều.

 

Giáo sư đánh giá sẽ có những thách thức đáng kể trong việc sản xuất vắc xin chỉ trong 100 ngày, trong đó bao gồm tính khả dụng của các xét nghiệm chẩn đoán và cách đánh giá hiệu quả của thuốc tiêm nhanh hơn so với các thử nghiệm lâm sàng truyền thống. Ngoài ra, thế giới cũng sẽ cần thêm nhiều địa điểm sản xuất khác, đặc biệt là ở châu Phi, để đẩy nhanh quá trình triển khai.

 

Giáo sư Gilbert cho biết: "Chúng ta đã học được rất nhiều điều từ COVID-19 và bây giờ chúng ta nên đảm bảo rằng mình tận dụng điều đó - xem điều gì hoạt động tốt và điều gì không".

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek