Thứ Hai, 23/12/2024 03:05 SA
Ứng phó với COVID-19
Thứ Hai, 07/03/2022 10:20 SA

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp 5K + vắc xin + thuốc điều trị và ý thức là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.

 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: YÊN LAN

 

Tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu

 

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục lập đỉnh mới khi mới đây, trong vòng 24 giờ, Việt Nam ghi nhận hơn 131.800 ca nhiễm mới tại 63 tỉnh thành, tăng hơn 6.200 ca so với ngày hôm trước.

 

Tại Phú Yên, trong khoảng thời gian trên, gần 800 ca nhiễm được ghi nhận, đưa tổng số ca nhiễm được phát hiện từ ngày 23/6/2021 đến nay lên hơn 25.000 ca.

 

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, số ca mắc COVID-19 tăng cao trong thời gian gần đây chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron. Biến chủng này đã xuất hiện tại gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây lan nhanh hơn nhưng ít làm cho bệnh diễn tiến nặng.

 

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tỉ lệ tử vong/số ca mắc trong 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%). So với tháng trước, số ca nhiễm trong nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%; số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%; số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỉ lệ tử vong có thể thấp hơn vì không thống kê hết số ca mắc COVID-19 trong thực tế. Trong số những bệnh nhân diễn tiến nặng, tử vong gần đây thì 97,98% là chưa tiêm vắc xin.

 

Do đó, tiêm vắc xin phòng COVID-19 tiếp tục được coi là ưu tiên hàng đầu, song song với biện pháp bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly, chăm sóc, điều trị, quản lý F0 tại nhà, chỉ nhập viện khi có dấu hiệu diễn tiến nặng. Theo Bộ trưởng Y tế, trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp 5K + vắc xin + thuốc điều trị và ý thức là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.

 

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện 3 thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir. Các thuốc này được chỉ định điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

 

Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà

 

Theo thông tin tại phiên họp mới đây của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống COVID-19, khoảng 2,3% trẻ bị nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 0,08% có triệu chứng phổ biến là sốt cao và hết sau 2-3 ngày; chưa có trường hợp tử vong.

 

Tại Phú Yên, trong hơn 5.700 ca nhiễm được ghi nhận trong 7 ngày qua có 1.160 trẻ dưới 12 tuổi; không có ca nào chuyển nặng.

 

Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19”, áp dụng tại tuyến y tế cơ sở và các gia đình. Trẻ em (từ 16 tuổi trở xuống) mắc COVID-19 được chăm sóc tại nhà khi không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ(không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi); không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định và có người chăm sóc.

 

Để chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà, cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết: nhiệt kế, máy đo SpO2 cá nhân (nếu có), khẩu trang y tế, phương tiện vệ sinh tay và những vật dụng cá nhân cần thiết, thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy. Về thuốc điều trị tại nhà, cần chuẩn bị thuốc hạ sốt - paracetamol; thuốc cân bằng điện giải - Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác; thuốc giảm ho - ưu tiên các thuốc từ thảo mộc, đủ dùng từ 5-7 ngày; dung dịch nhỏ mũi - natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày. Nếu trẻ có bệnh nền thì chuẩn bị thuốc điều trị bệnh nền, đủ sử dụng trong một, hai tuần.

 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với trẻ dưới 5 tuổi mắc COVID-19, cần theo dõi tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 - nếu có máy đo, theo dõi khả năng trẻ bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, quan sát màu sắc da, niêm mạc và theo dõi rối loạn tiêu hóa. Khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu: Trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật; sốt cao liên tục >39oC, khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt và chườm/lau người bằng nước ấm, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ; trẻ thở nhanh hơn so với tuổi; trẻ thở bất thường: khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn…; có dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, tiểu ít…; tím tái; SpO2 < 96%; nôn mọi thứ; trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được; trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng…, người chăm sóc cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám chữa bệnh.

 

Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên mắc COVID-19, người chăm sóc theo dõi tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 - nếu có máy đo, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, theo dõi màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, đau ngực, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác, thính giác. Khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu: Cảm giác khó thở, ho thành cơn không dứt, không ăn/uống được, sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ, nôn mọi thứ, đau tức ngực, tiêu chảy, trẻ mệt, không chịu chơi, SpO2 < 96%, thở nhanh (nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi ≥ 20 lần/phút), thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn…, người chăm sóc cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám chữa bệnh.

 

Khi thân nhiệt của trẻ ≥ 38,5oC, dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần để hạ sốt, cách tối thiểu 4-6 giờ nếu cần nhắc lại; tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày. Khi trẻ bị mất nước do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi, khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol, pha và dùng theo đúng hướng dẫn. Nếu trẻ không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Không sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp để bù nước.

 

Đối với trẻ mắc COVID-19, cần tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh. Nếu trẻ ho, có thể dùng các thuốc giảm ho, ưu tiên các thuốc từ thảo mộc. Nếu trẻ ngạt mũi, sổ mũi thì xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%; trẻ bị tiêu chảy thì sử dụng men vi sinh, men tiêu hóa. Nếu trẻ đang sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn thuốc điều trị ngoại trú thì tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.

 

Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến cáo không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế và không xông cho trẻ em.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek