Sau Tết Nguyên đán, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao, trong đó có không ít F0 là trẻ em dưới 12 tuổi, chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Lo lắng, song những người làm cha làm mẹ cần bình tĩnh và tuân theo hướng dẫn của cơ quan y tế để việc cách ly, điều trị, chăm sóc F0 trẻ em tại nhà mang lại hiệu quả.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho trẻ em (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN |
Trẻ em mắc COVID-19
Một buổi trưa, vừa đi làm về thì chị N.L (ở phường 7, TP Tuy Hòa) nhận được thông báo từ cô giáo chủ nhiệm lớp con mình, trên Zalo: Hai em T và N là F0. Những em ngồi gần và những em có tiếp xúc với hai em T và N nghỉ học ngày mai. Các em đến trạm y tế phường để test nhanh, kiểm tra sức khỏe.
Nhóm phụ huynh trên Zalo lập tức xôn xao. Một số người xin phép cô giáo chủ nhiệm cho con mình nghỉ học ngày mai, dù con không ngồi gần, cũng không tiếp xúc với 2 F0. Hôm sau, lớp vắng hơn 10 học sinh.
Chị N.L vẫn cho con đi học. Chị nói: Qua tìm hiểu, tôi được biết trẻ em mắc COVID-19 đa phần có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Vì vậy, dù con chưa được tiêm vắc xin vì chưa đủ 12 tuổi, tôi vẫn cho con đi học. Ngày nào chở cháu đi học, tôi cũng căn dặn cháu luôn đeo khẩu trang, không đưa tay sờ vào khẩu trang, giữ khoảng cách và thường xuyên sát khuẩn.
Chị N.T.M.L (ở phường 3, TP Tuy Hòa) cũng dặn dò con kỹ lưỡng mỗi khi chở đi học, rốt cuộc thằng bé vẫn dương tính với SARS-CoV-2. Nguồn lây không phải ở lớp, ở trường mà là… ở xóm, khi một đứa trẻ từ xóm khác đến chơi cùng. Sau khi đứa trẻ đó được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, con chị L có triệu chứng sốt, đau đầu và ho. Vợ chồng chị vội đưa con đến trạm y tế phường khai báo và test nhanh. Kết quả là thằng bé dương tính; những người khác trong gia đình (đã được tiêm từ 2 đến 3 mũi vắc xin) đều âm tính.
Sau Tết Nguyên đán, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao, trong đó có không ít F0 là trẻ em dưới 12 tuổi, chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tối 13/2, theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên, trong 243 ca nhiễm SARS-CoV-2 có 33 ca dưới 12 tuổi. Những ngày trước đó, Phú Yên cũng đã ghi nhận hàng chục ca nhiễm SARS-CoV-2 là trẻ em dưới 12 tuổi. Riêng từ 19 giờ ngày 8/2 đến 19 giờ ngày 9/2, trong số 384 ca nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện trên địa bàn tỉnh có đến 81 ca dưới 12 tuổi.
Theo “Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em” do Bộ Y tế ban hành, trẻ bị nhiễm SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày, trung bình là 4-5 ngày. Bệnh khởi phát với một hay nhiều triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ; nhiều trường hợp trẻ không có triệu chứng. Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau 1-2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh, trong đó khoảng 0,7% cần điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng và hội chứng viêm đa hệ thống. Các yếu tố tiên lượng nặng là trẻ béo phì, trẻ chậm phát triển, bại não, bệnh phổi mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tim bẩm sinh... Tỉ lệ tử vong ở trẻ mắc COVID-19 rất thấp (< 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền.
Từ ngày thứ 7-10 ngày, nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.
Cha mẹ làm điều dưỡng cho con
Cũng như những đứa trẻ F0 khác, con chị L được cách ly, điều trị, chăm sóc tại nhà. Chị L kể: Tôi cho cháu uống thuốc do trạm y tế phát, đo thân nhiệt và SpO2 theo hướng dẫn. Ngoài ra, tôi nấu nước sả, gừng cho cháu xông và hướng dẫn cháu hít thở. Vợ chồng tôi không tự mua thuốc điều trị vì sợ gây nguy hiểm cho cháu.
Khi con nhiễm SARS-CoV-2, cha mẹ đương nhiên lo lắng. Điều cần làm là khai báo y tế và tuân theo hướng dẫn của cơ quan y tế để việc điều trị, chăm sóc tại nhà mang lại hiệu quả, đồng thời không làm lây lan virus cho những người chung quanh, đặc biệt là nhóm người nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 như người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi, phụ nữ mang thai.
Nhằm cung cấp các hướng dẫn và quy định về quản lý, hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 và người bệnh COVID-19 mức độ nhẹ tại nhà, ngày 31/1/2022, Bộ Y tế ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà”. Người mắc COVID-19 cần theo dõi sức khỏe hàng ngày, gồm các chỉ số: nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể); các triệu chứng: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy; ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài và các triệu chứng khác như: đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ…
Với những gia đình có trẻ em nhiễm SARS-CoV-2, BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên lưu ý: “Trong quá trình chăm sóc trẻ đang cách ly điều trị tại nhà, các bậc cha mẹ cần phải khai báo y tế để được tư vấn, hướng dẫn đầy đủ, chi tiết các nội dung cần thực hiện; không được tự mua thuốc điều trị. Đảm bảo cho trẻ có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước; vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng; tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày đối với trẻ lớn. Hàng ngày theo dõi nhiệt độ cơ thể, nhịp thở; báo ngay cho cán bộ y tế khi có các biểu hiện bất thường như: sốt, ho, cảm giác khó thở, đau ngực, tiêu chảy, trẻ bú/ăn kém; trẻ mệt, không chịu chơi; SpO2 dưới 96%…”.
Mặt khác, cha mẹ có con mắc COVID-19 cần có biện pháp để trẻ thực hiện cách ly nghiêm túc, không trốn ra ngoài, làm lây lan dịch bệnh.
Hầu hết trẻ nhiễm SARS-CoV-2 chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi; hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau 1-2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5-8 của bệnh, trong đó khoảng 0,7% cần điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng. Các yếu tố tiên lượng nặng là trẻ béo phì, trẻ chậm phát triển, bại não, bệnh phổi mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tim bẩm sinh... |
YÊN LAN