Thứ Tư, 24/04/2024 20:39 CH
Thích ứng linh hoạt, không chủ quan khi đã có “2 mũi”
Thứ Hai, 29/11/2021 09:47 SA

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: YÊN LAN

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nói rằng khi tỉ lệ bao phủ vắc xin cao, việc chấp nhận có F0 trong cộng đồng và vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế là điều sớm muộn rồi cũng phải làm.

 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, số ca nhiễm SASR-CoV-2 đang tăng tại nhiều địa phương. Bản tin tối 27/11 của Bộ Y tế cho biết có hơn 13.000 ca nhiễm mới, trong đó TP Hồ Chí Minh có 1.773 ca, Hà Nội 310 ca. Ngày trước đó (26/11), cả nước ghi nhận 13.109 ca nhiễm mới, TP Hồ Chí Minh có 1.809 ca, Hà Nội 253 ca.

 

Tại Phú Yên, số ca nhiễm cũng đã tăng và tăng đột biến trong những ngày gần đây. Tối 26/11, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết có 98 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ, trong đó 43 ca được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng. Hôm sau, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 129 ca nhiễm, trong đó 56 ca được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng. Trong vòng 14 ngày (tính đến 27/11), Phú Yên phát hiện 594 ca nhiễm, trong đó có 152 ca nhiễm trong cộng đồng; 192 ca nhiễm là F1, trong khu cách ly, khu phong tỏa; 250 ca nhiễm từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch trở về địa phương.

 

Khi mầm bệnh đã có, đang tiềm ẩn trong cộng đồng, khi các tỉnh, thành phố “mở cửa”, thích ứng linh hoạt, khôi phục sản xuất kinh doanh, nới lỏng giao thông thì số ca nhiễm tăng cũng là điều dễ hiểu. Ca nhiễm tăng nhưng số ca nặng, nguy kịch và số ca tử vong đều giảm rất đáng kể. Tại Phú Yên, trong hơn 500 ca F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế chỉ có 4 ca viêm phổi nặng. Còn nhớ đầu đợt dịch thứ tư, chỉ sau một tuần kể từ ngày phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng, trong 104 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế có một bệnh nhân diễn tiến nặng, phải thở máy và lọc máu nhân tạo. Sau một tháng kể từ ngày bùng phát dịch, trong 886 ca mắc COVID-19 có 5 ca nặng, nguy kịch, 20 ca viêm phổi nặng, 50 ca viêm phổi trung bình, nhẹ.

 

Nguyên nhân chính của sự khác biệt này là vắc xin.

 

Thời điểm đó, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 còn thấp. Đến đầu tháng 10 năm nay, toàn tỉnh có hơn 340.000 người được tiêm vắc xin, chiếm 55,17% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó số người tiêm 2 mũi chỉ chiếm 13,14%. Với sự nỗ lực của ngành Y tế, đến chiều 26/11, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin cho hơn 589.600 người, chiếm 86,84% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có gần 377.800 người tiêm đủ 2 mũi, chiếm 55,64% dân số từ 18 tuổi trở lên.

 

Song khi đã được tiêm 2 mũi vắc xin cũng không thể chủ quan. Theo TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, dữ liệu cho thấy trước khi biến chủng Delta xuất hiện, vắc xin đã giảm khoảng 60% nguy cơ lây nhiễm. Với chủng Delta, con số này còn 40%. Vắc xin giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong, tuy nhiên khả năng nhiễm bệnh và lây lan cho những người khác vẫn còn đó. Vì vậy, WHO đã cảnh báo người dân về tâm lý an toàn sai lầm với các mũi tiêm.

 

PGS.TS Trần Đắc Phu nói rằng khi tỉ lệ bao phủ vắc xin cao, việc chấp nhận có F0 trong cộng đồng và vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế là điều sớm muộn rồi cũng phải làm. “Trong giai đoạn này không thể theo đuổi mục tiêu “Zero COVID-19”. Hiện thế giới chỉ còn Trung Quốc kiểm soát dịch theo mục tiêu này nhưng nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, điều trị F0 tốt là can thiệp sớm nhất, chứ không phải đưa họ đến bệnh viện sớm nhất.

 

Sở Y tế Phú Yên đã ban hành kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, sau đó có hướng dẫn tạm thời quản lý người mắc COVID-19 tại nhà và tổ chức tập huấn về công tác này. Mục tiêu là các ca F0 được tư vấn, chăm sóc, theo dõi, điều trị cho đến khi đủ điều kiện hoàn thành cách ly điều trị tại nhà theo quy định. Đảm bảo an toàn cho trường hợp F0 trong quá trình cách ly điều trị tại nhà, hạn chế tối đa số trường hợp chuyển nặng, tử vong do COVID-19; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong suốt quá trình cách ly điều trị F0 tại nhà, không để xảy ra lây nhiễm cho người cùng sống trong gia đình và cho cộng đồng. 

 

Để thích nghi với việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, người dân cần có kiến thức nhất định, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Trước hết, bà con phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là phải khai báo y tế đầy đủ, kịp thời khi mình hoặc người thân đi từ vùng dịch trở về hoặc có tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Và khi có các biểu hiện nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… thì phải khai báo y tế để được tư vấn, xét nghiệm. Thứ hai, bà con cần trang bị những kiến thức cơ bản, để nếu chẳng may là F0 thì biết cần phải làm gì, ví dụ như thường xuyên tập thể dục để nâng thể trạng, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng; khi có các triệu chứng như thế nào thì biết rằng bệnh diễn tiến nặng, báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí.

 

Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek