Trước sự xuất hiện của chủng virus SARS-CoV-2 mới được coi là siêu lây nhiễm ở Nam Phi với tên gọi B.1.1.529 (biến thể Omicron), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa triệu tập phiên họp khẩn cấp đặc biệt để bàn việc ứng phó với biến thể siêu lây nhiễm này.
Như vậy, sau một thời gian tình hình dịch bệnh có chiều hướng hạ nhiệt, nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, thì nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang tiềm ẩn ở mức cao.
Tại Phú Yên, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội và diễn biến phức tạp, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, nhiều hoạt động đình trệ, ảnh hưởng nặng nệ. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị bằng nhiều giải pháp đồng bộ, Phú Yên là một trong tám tỉnh, thành có tỉ lệ ca nhiễm COVID-19 tại cộng đồng liên tục giảm; xếp nhóm I, các tỉnh/thành đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó” để phòng chống dịch COVID-19, rất nhiều người bị ức chế về tâm lý. Vì vậy khi chính quyền địa phương nới lỏng một số biện pháp, người dân rất vui mừng, phấn khởi, như được “sổ lồng, tung cánh”. Bên cạnh đa số người còn dè chừng thì cũng không ít người chủ quan, thực hiện không nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Phổ biến là việc tập trung đông người ở các đám tang, đám cưới, nhà hàng, quán nhậu… Một số người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có tâm lý chủ quan, không thực hiện biện pháp “5K”…
Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, những ngày qua, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn luôn ở 2, 3 con số. Ngày 26/11 phát hiện 98 ca nhiễm mới; ngày 27/11 phát hiện 129 ca; ngày 28/11 phát hiện 84 ca, trong đó có nhiều ca được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, các trường hợp là F1, trong khu cách ly, phong tỏa. Như vậy, từ khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện hơn 3.800 ca nhiễm SARS-CoV-2.
Có thể nói rằng, chiến lược phòng chống dịch COVID-19 của nước ta nói chung, của Phú Yên và các địa phương trong tỉnh nói riêng đang đi đúng hướng, hiệu quả. Vì vậy việc nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch là phù hợp với thực tế, đưa một số hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, nới lỏng nhưng không được buông lỏng. Dịch mới tạm thời được khống chế, kiểm soát chứ chưa hoàn toàn được dập tắt. Vì vậy, việc nới lỏng giãn cách xã hội, song song với thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cần tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp theo thực tế diễn biến dịch bệnh hiện nay.
Cho dù đã kiểm soát được tình hình, tiêm vắc xin, song các biến thể của virus rất nguy hiểm, dịch vẫn có thể bùng phát bất kỳ khi nào. Để tiếp tục mở rộng “vùng xanh”, xóa nhanh “vùng đỏ”, thu hẹp “vùng cam”, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với các biện pháp phòng chống dịch mà phải tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm phòng bệnh cơ bản, lâu dài; tăng cường giám sát dịch, giám sát việc tuân thủ thông điệp “5K”. Công tác tiêm vắc xin phải đảm bảo đúng kế hoạch và “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”. Hạn chế tụ tập đông người và hạn chế đi ra đường khi không thật sự cần thiết…
Bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng người dân là trên hết, trước hết. Nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch là cần thiết khi dịch COVID-19 cơ bản đã được khống chế, kiểm soát. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định mới phải gắn liền các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, buông lỏng. Chỉ cần một địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở buông lỏng quản lý hay một vài người mất cảnh giác trong phòng chống dịch sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường, khó đoán trước, làm uổng phí công sức, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thời gian qua.
LẠC VIỆT