Tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới. Các nhà chuyên môn, nhà khoa học nhận định Việt Nam phải hết sức cảnh giác, không được lơ là, sẵn sàng ứng phó với đợt dịch thứ 5.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức sáng 25/11.
3 trụ cột trong phòng chống dịch
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức sáng 25/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết từ ngày 27/4 làn sóng thứ 4 bắt đầu bùng phát, sau đó lan rộng các địa phương. Đến ngày 30/9, Việt Nam về cơ bản kiểm soát được tình hình dịch của đợt dịch thứ 4.
Đây là dịch bệnh hết sức mới, luôn có sự thay đổi và biến chủng mới, do đó Bộ Y tế có rất nhiều thay đổi trong phác đồ điều trị, đến nay đã xây dựng phiên bản thứ 7 về hướng dẫn điều trị COVID-19 với rất nhiều cập nhật, bổ sung cho phù hợp đồng thời Bộ cũng đưa nhiều thuốc mới vào điều trị.
Hiện nay có 3 trụ cột trong công tác phòng chống dịch cần tập trung là cách ly, xét nghiệm và thu dung điều trị (tại tuyến cơ sở, tầng 2, tầng 3), trong đó quan trọng nhất là sử dụng thuốc kháng virus đường uống để tăng cường mức kiểm soát dịch tại cộng đồng, hạn chế giảm tình trạng bệnh nặng lên tầng trên. Các địa phương phải đẩy nhanh tiêm chủng cho người dân, tiêm nhắc đúng lịch và tiêm ưu tiên cho người trên 50 tuổi.
Thứ trưởng Sơn cho hay về cơ bản, trong cuộc chiến chống dịch lần thứ 4, Việt Nam đã đưa ra 3 điểm quan trọng: xây dựng gói thuốc A (các thuốc thông thường như thuốc hạ nhiệt, ho, bổ nâng đỡ sức khỏe), gói thuốc B (các thuốc kháng viêm-kháng đông) và thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir- gói thuốc C (gần 250.000 liều được phân phát).
Đối với thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, trong thời gian qua thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng.
Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc Molnupiravir bước đầu khả quan, tỉ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 đến 93%, tỉ lệ khác biệt có ý nghĩa so với nhóm chứng. Ngoài ra, chúng ta đã giảm tỉ lệ tử vong 50% so với nhóm không sử dụng. Đây là kết quả hứa hẹn với những bệnh nhân nhiễm ngay từ đầu. Ngoài ra, các thuốc tốt, hứa hẹn trong điều trị bệnh nhân nặng cũng được Bộ Y tế sử dụng như các thuốc kháng thể đơn dòng, đã đem lại thành công.
Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị một số phương án về thuốc khác để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ cho các địa phương… Ngoài ra, Bộ Y tế đã phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỉ lệ tử vong.
Có thể ghi nhận thêm nhiều chuỗi lây nhiễm
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ hiện nay xu hướng không coi trọng con số mắc trên 100.000 dân/tuần, khuyến khích người dân tự phát hiện nếu mắc thì báo cơ quan y tế để được quản lý, khi có triệu chứng thì vào viện. Các cơ sở y tế sẽ tập trung đánh giá tỉ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong nhiều hơn với các địa phương - thay đổi tiêu chí đánh giá dịch bệnh tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại cuộc họp. Ảnh: Vietnam+ |
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch theo cấp tỉnh, huyện, xã… càng chia nhỏ đánh giá theo 4 cấp độ càng nhỏ càng tốt, một khu phố, một cụm dân cư, có biện pháp ngăn chăn kiểm soát nhỏ, gọn nhưng hiệu quả. Đảm bảo y tế đến được với mọi người dân khi nhiễm tại nhà, tại cộng đồng. Để làm được điều này cần nhiều nỗ lực trong cung ứng thuốc, đặc biệt là gói C.
Theo Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đến nay Việt Nam đã có hơn 1,1 triệu ca mắc, với hơn 24.000 ca tử vong. Hiện còn hơn 78.000 bệnh nhân đang điều trị, trong số này có khoảng 4.000 ca nặng phải thở oxy, thở máy, tỉ lệ còn khá cao. Tỉ lệ tử vong trên số ca mắc là 2,1% tương đương so với thế giới. Tử vong chủ yếu tập trung ở đợt 4, trong khi 3 đợt đầu chỉ có 35 ca tử vong trong tổng số gần 3.500 ca mắc (chỉ khoảng 1%).
Theo thống kê, tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%. Trong đó, tử vong chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh (gần 73%), Bình Dương (gần 11%), Đồng Nai (khoảng 3%), Long An (2,4%), Tiền Giang (2%)…
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê cho rằng trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus. Vì vậy, Việt Nam phải hết sức cảnh giác một đợt dịch thứ 5 luôn rình rập.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho hay, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 4800, cả nước đã trở về tình trạng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch.
"Trong giai đoạn đầu thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, tỉ lệ ca mắc COVID-19 ở các địa phương có thể giảm hơn so với làn sóng thứ 4. Tỉ lệ tử vong đã giảm, con số tử vong có lúc giảm dưới 3 con số, có lúc khoảng 57-58 ca/ngày trên toàn quốc. Nhờ việc thử nghiệm các thuốc chống virus đường uống tại nhà, nhờ vắc xin chúng ta đã giảm được ca trở nặng và giảm tử vong. Đến hết tháng này, cơ bản chúng ta đạt tiêu chí về vắc xin cho 70% người trên 18 tuổi, kể cả đối tượng trên 65 tuổi", Thứ trưởng Sơn thông tin.
Theo TTXVN/Vietnam+