Xây dựng, phát triển chính quyền số nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp được các cấp, ngành quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.
Nỗ lực vượt bậc
Để thực hiện mục tiêu đưa TP Tuy Hòa lên đô thị loại I vào năm 2025, thời gian qua, thành phố đã rất nỗ lực đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC); triển khai hệ thống camera giám sát trên địa bàn, góp phần hỗ trợ công tác quản lý điều hành đô thị.
Theo Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy, IOC đã giúp công tác điều hành và xử lý công việc được diễn ra minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành công đô thị thông minh, chính quyền điện tử.
Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy thì cho biết: “UBND thị xã đã triển khai và đưa vào hoạt động phần mềm quản lý văn bản mới có tên miền ubndtxsongcau.vnptioffice.vn; đồng thời tạo hơn 500 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức để trao đổi công việc thuận lợi. Sông Cầu cũng thực hiện gửi văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản của tỉnh.
Thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015, các thủ tục hành chính đều có quy trình xử lý công việc công khai, minh bạch, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công, tạo được lòng tin và sự hài lòng của người dân”.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Hưng, chuyển đổi số đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, cũng như đời sống văn hóa - xã hội. Từ một tỉnh có xuất phát điểm còn thấp, Phú Yên bước vào cuộc cách mạng của công nghệ cao, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc.
Năm 2022, điểm số về nhận thức và thể chế trong đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) của Phú Yên đạt mức tốt. Các địa phương đều xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng và quan tâm tập trung đầu tư lớn. Qua đó góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính.
Xây dựng, phát triển chính quyền số, đến nay, tỉnh đã thực hiện mạnh mẽ chủ trương văn phòng không giấy tại địa phương. Trục liên thông văn bản tỉnh được xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đã kết nối thông suốt với Trục liên thông văn bản quốc gia và liên thông 4 cấp. Tỉnh cũng đã triển khai đề án Đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia theo đúng lộ trình, tiến độ được Thủ tướng phê duyệt.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đáp ứng việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập nhằm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp...
Công chức một cửa xã An Ninh Đông, huyện Tuy An nhập dữ liệu để giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh: PHONG NHÃ |
Khuyến khích, khơi nguồn sáng tạo
Chuyển đổi số là nhiệm vụ mới và khá phức tạp nên nhân lực triển khai các nhiệm vụ này phải vừa học, vừa làm để dần được tiếp cận và thực hiện. Trong khi đó, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh phát sinh hồ sơ chưa nhiều, người dân biết để sử dụng còn hạn chế. Hệ thống thông tin báo cáo chưa đạt yêu cầu so với thực tế đặt ra, cần cải tiến và chỉnh sửa. Việc gửi nhận văn bản giữa các cơ quan đảng và chính quyền chưa thực sự đồng bộ.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Hưng, muốn chuyển đổi số nhanh cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương không tích cực, chủ động thay đổi thói quen cũ, đưa công nghệ số vào thực tiễn công việc thì không thể có những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị, địa phương, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ cho biết để phát triển chính quyền số, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương phát triển nền tảng số phục vụ họp trực tuyến, các giao dịch điện tử giữa người dân với cơ quan nhà nước và các giao dịch điện tử dân sự; mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập khác. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh kết nối với Cổng dữ liệu quốc gia; phát triển, hoàn thiện cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
“Các cơ quan, đơn vị cần hoàn thiện hệ thống văn thư, lưu trữ văn bản, hồ sơ công việc điện tử tại các cơ quan hành chính. Cùng với đó là xây dựng kho quản lý dữ liệu điện tử tỉnh trên cơ sở nâng cấp, phát triển trên hạ tầng hiện có của tỉnh; triển khai số hóa các lĩnh vực tại các cơ quan hành chính nhà nước để xử lý, điều hành theo quy trình điện tử; xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động...”, đồng chí Đào Mỹ nói.
PHẠM THÙY