Thời gian qua, hoạt động nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) đã được lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, địa phương quan tâm, kịp thời chỉ đạo khắc phục được một số tồn tại, hạn chế của các năm trước. Song so với yêu cầu đặt ra, kết quả vẫn còn chậm.
Năm 2022, Chỉ số CCHC của Phú Yên xếp trong nhóm C, vị thứ 63/63 (giảm 2 bậc so với năm 2021). Đây là kết quả mà cả hệ thống chính trị của tỉnh phải nhìn nhận lại để có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với công tác CCHC nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Nỗ lực cải thiện Chỉ số CCHC
Theo kết quả công bố Chỉ số CCHC năm 2022, Phú Yên đã triển khai thực hiện cơ bản đầy đủ và đảm bảo các tiêu chí theo quy định về các nội dung như: báo cáo công tác CCHC định kỳ, tuyên truyền CCHC, kiểm tra CCHC, công tác theo dõi thi hành pháp luật, công tác cải cách tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức…
Cụ thể, tỉnh đạt điểm tối đa trong việc thực hiện chế độ báo cáo CCHC định kỳ, kiểm tra công tác CCHC và tuyên truyền CCHC, thực hiện tốt việc đối thoại của lãnh đạo với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cơ bản thực hiện đúng theo quy định về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cơ bản triển khai tốt các nội dung về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước. Cải cách công vụ thực hiện đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Tỉnh không có sai phạm quy định về việc sử dụng kinh phí nguồn từ ngân sách nhà nước; tổ chức thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, tỉnh phê duyệt kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0, đạt tỉ lệ 100% ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh. Năm 2022, tổng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước, số vốn đăng ký của doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tỉ lệ đóng góp vào thu ngân sách tỉnh của khu vực doanh nghiệp đều tăng hơn so với năm 2021...
“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: Đẩy mạnh CCHC, nâng cao các chỉ số liên quan đến CCHC; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành chương trình hành động, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện công tác CCHC trên toàn tỉnh. Đây là những biểu hiện cho việc nỗ lực cải thiện chỉ số CCHC thời gian qua của Phú Yên”, ông Nguyễn Minh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) đánh giá.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Sông Hinh. Ảnh: PHẠM THÙY |
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Kết quả đánh giá xếp hạng Chỉ số CCHC trong 5 năm (2018-2022) cho thấy Chỉ số CCHC của tỉnh đều chưa cải thiện. Từ đó, tỉnh đã nhìn nhận 4 vấn đề tồn tại hạn chế, yếu kém. Thứ nhất, vai trò trách nhiệm cũng như tinh thần quyết tâm cải cách của lãnh đạo các cấp, trách nhiệm người đứng đầu và kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác CCHC còn thấp. Thứ hai, tỉ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn còn quá cao so với yêu cầu, việc xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính không kịp thời, mức độ hài lòng của người đi làm thủ tục hành chính chưa cao. Thứ ba, hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống các phần mềm dùng chung của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng phục vụ công tác CCHC. Thứ tư, nhiều hạn chế trong cải cách tài chính công, như thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước thấp, việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm.
Phú Yên phấn đấu năm 2023, các chỉ số CCHC xếp hạng trong nhóm 40 tỉnh, thành phố, đảm bảo mục tiêu năm 2025 xếp nhóm 30 tỉnh, thành phố xếp thứ hạng cao trong cả nước. Do đó, qua các nhóm vấn đề tồn tại đã phân tích, tỉnh đã đưa ra các nhóm giải pháp tương ứng nhằm nâng cao Chỉ số CCHC trong thời gian tới.
Theo Sở Nội vụ, tỉnh xác định đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; trong đó tập trung thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm. Cụ thể là công tác chỉ đạo điều hành thực hiện CCHC; thực hiện quyết liệt các giải pháp liên quan đến công tác cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Trong đó, các cơ quan, địa phương có các lĩnh vực yếu kém kéo dài 3 năm chưa khắc phục được, khẩn trương rà soát trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, có hình thức xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền hình thức xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo cụ thể trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục các hạn chế, yếu kém; ưu tiên đầu tư, tạo đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC.
“Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định công tác CCHC có vai trò rất quan trọng, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc trong thực hiện công tác CCHC, với tinh thần chủ động, sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, cải thiện các chỉ số liên quan đến công tác CCHC để tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước; thực hiện CCHC toàn diện ở tất cả các cơ quan khối Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hiệu quả công tác CCHC và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chỉ đạo, điều hành CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cơ quan, đơn vị có kết quả CCHC còn yếu khẩn trương chỉ đạo các giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính ; đẩy mạnh thực hiện nhóm giải pháp giải quyết thủ tục hành chính thông qua ứng dụng công nghệ thông tin”, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
PHẠM THÙY