Sau hơn 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang từng bước phục hồi. Việc hợp tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài ngày càng mở rộng, đa dạng về thành phần, độ tuổi…
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), để thực hiện mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023, nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai. Tại Phú Yên, bằng nhiều kênh khác nhau, các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) đang nỗ lực hỗ trợ, kết nối NLĐ có nhu cầu tham gia XKLĐ tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Mở rộng thị trường
Với việc thị trường lao động mở cửa trở lại, Trung tâm DVVL Phú Yên đã tích cực tổ chức những hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tăng cường các chương trình XKLĐ và đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp các thông tin về việc làm, thị trường lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, CHLB Đức, Ba Lan, Singapore...
Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Thương (xã Hòa An, huyện Phú Hòa), thông qua kết nối của Trung tâm DVVL Phú Yên, chị đã tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật tại Công ty TNHH Nhân Lực Khởi Nghiệp (Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) để có đủ điều kiện sang Nhật làm việc trong thời gian tới. Cùng với việc học tiếng Nhật, chủ yếu là đàm thoại, các học viên còn được đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng ngành nghề theo năng lực và sở thích khi đăng ký tham gia XKLĐ. Mức phí từ 60-80 triệu đồng/người, bao trọn gói từ học nghiệp vụ, ngôn ngữ, ăn ở… tại công ty ở TP Hồ Chí Minh. Đối với những học viên có hoàn cảnh khó khăn, không vay được vốn từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, công ty hỗ trợ bằng cách cho học viên mượn vốn tham gia xuất khẩu. Mỗi người chỉ cần đóng 20-30 triệu đồng, sau đó trả dần khi tham gia lao động ở nước ngoài. “Việc dành hàng chục triệu đồng để học tiếng nước ngoài, học nghề tìm kiếm việc làm đối với NLĐ ở nông thôn như tôi không phải nhỏ. Qua Nhật làm việc, tôi mong muốn có thu nhập tương xứng để bù đắp chi phí, trang trải cuộc sống gia đình”, chị Mỹ Thương chia sẻ.
Cô Lê Thị Hà, giáo viên dạy tiếng Nhật của Công ty TNHH Nhân Lực Khởi Nghiệp, cho biết: Phương pháp dạy trực quan giúp học viên đàm thoại, nghe và nói nhiều để khi qua nước bạn, tiếp xúc với người nước ngoài, họ nghe hiểu và nói được. Hiện có 30 NLĐ Phú Yên tham gia học ngôn ngữ, đào tạo kỹ năng mềm và học chuyên ngành cơ khí, điều dưỡng… trước khi đi Nhật.
Theo ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), trong năm 2022, thông qua nhiều kênh khác nhau, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 25.000 lao động. Trong đó, lao động làm việc trong tỉnh 16.650 người; lao động làm việc ngoài tỉnh 7.850 người; XKLĐ 500 người.
Đa dạng ngành nghề
Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc tiếp nhận lao động Việt Nam tại 3 thị trường lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) hiện đã trở lại bình thường. Trong năm 2023, bên cạnh các thị trường truyền thống, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như: Đức, Nga, Úc và một số thị trường châu Âu. Hiện các doanh nghiệp đang phối hợp với đối tác nước ngoài để triển khai các hợp đồng cung ứng lao động đã ký kết và đăng ký.
Theo ông Nguyễn Tài Soa, số người đi lao động nước ngoài ngày càng tăng với các độ tuổi và ngành nghề ngày càng đa dạng. Trong đó, độ tuổi NLĐ tham gia xuất khẩu đã được nâng lên so với trước như ngành Xây dựng, tuyển lao động lên đến hơn 30 tuổi, còn ngành Nông nghiệp tuyển lao động gần 40 tuổi. Những nỗ lực duy trì các thị trường lao động đã góp phần rất lớn vào việc giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.
Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, việc hợp tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài ngày càng mở rộng, đa dạng về thành phần, độ tuổi. Kết nối doanh nghiệp XKLĐ với cơ sở đào tạo nghề trong công tác tuyển chọn, đào tạo kỹ năng, tay nghề được cho là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu. Qua đó giúp lao động Việt Nam vừa nâng cao thu nhập vừa luyện thêm các kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động khi các lao động xuất khẩu trở về tham gia vào chuỗi sản xuất trong nước.
“Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành đồng bộ các giải pháp tạo nguồn lao động trình độ cao, giám sát chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của các doanh nghiệp, chú trọng kết nối doanh nghiệp XKLĐ với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động, gắn tuyển sinh với định hướng đi học tập, làm việc ở nước ngoài bằng hợp đồng hợp tác đào tạo”, ông Nguyễn Tài Soa cho biết.
HOÀNG LÊ - ĐẶNG DỰ