Hiện đại hóa nền hành chính nhà nước là khâu quan trọng của tiến trình cải cách hành chính của Chính phủ, góp phần vào việc đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp.
Để hiện đại hóa nền hành chính, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm tạo hành lang pháp lý, đồng thời quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới.
Nhiều kết quả đáng khích lệ
Theo UBND tỉnh, việc hiện đại hóa nền hành chính đã thay đổi nhận thức của lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương và toàn thể cán bộ, công chức về phương thức làm việc, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ cải cách, tạo môi trường làm việc điện tử hiện đại, tiết kiệm chi phí, thời gian, góp phần tích cực trong cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công việc.
Theo đó, đến nay, 100% sở, ban ngành và UBND các cấp huyện, xã đã có mạng LAN và internet; 100% sở, ban ngành và địa phương sử dụng chữ ký số; triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tỉ lệ hồ sơ giải quyết qua hệ thống: năm 2016 là 30,5%; năm 2017 là 40%; năm 2018 là 83,4%; từ năm 2019 đến nay là 100%.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: “Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và trong phòng, chống COVID-19 được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và trong việc gửi, nhận văn bản điện tử và quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ”.
Một trong những hoạt động nâng cao tính chất hiện đại hóa nền hành chính là UBND tỉnh đã ban hành Danh mục DVCTT mức độ 3, mức độ 4 và giao chỉ tiêu thực hiện. UBND tỉnh cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Phú Yên triển khai thanh toán trực tuyến và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích để giảm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Cổng DVCTT của tỉnh đã hoàn thành kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, đầu năm 2021, UBND tỉnh đã khai trương Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh đang hoạt động tại địa chỉ http://baocao.phuyen.gov.vn cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định và đã kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
“Chúng tôi rất hài lòng khi sử dụng DVCTT. Tỉnh đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử; công khai cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4. Chỉ cần ở nhà, chúng tôi có thể tham gia các dịch vụ mình cần thực hiện”, ông Bùi Huy Lưu ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An cho biết.
Còn hạn chế, tồn tại
Cũng theo UBND tỉnh, qua hơn 10 năm hiện đại hóa nền hành chính, việc ứng dụng CNTT được triển khai một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến chính quyền cơ sở, từng bước xây dựng chính quyền điện tử và nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT của lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ, công chức. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế.
Đó là, việc công bố TTHC hàng năm quá thường xuyên gây khó khăn cho việc triển khai, cập nhật, bổ sung các ứng dụng; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được chia sẻ, sử dụng cho các mục tiêu quản lý nhà nước chung của tỉnh; hướng dẫn về lưu trữ điện tử, sử dụng chữ ký số, thể thức trình bày ký số, chứng thực điện tử chưa ban hành kịp thời.
Việc áp dụng CNTT vào công việc chưa được các cơ quan triển khai triệt để, chỉ nhằm giải quyết theo quy trình nghiệp vụ chứ chưa áp dụng CNTT để thay đổi, cải tiến quy trình hiện tại. Hệ thống Cổng DVCTT của tỉnh đã hoạt động, nhưng chưa liên thông được với phần mềm của ngành dọc như: Thuế, hải quan, giao thông, bảo hiểm, tư pháp. Một số đơn vị chưa thật sự quan tâm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015…
Ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết: Việc ứng dụng CNTT để hiện đại hóa nền hành chính hơn 10 năm qua được tỉnh quan tâm cải tiến. 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai phần mềm một cửa điện tử; xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp sự cố và kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh…
Tuy nhiên, cán bộ kiểm soát TTHC tại các đơn vị, địa phương chưa giám sát việc xử lý hồ sơ của đơn vị mình dẫn đến việc trễ hạn hồ sơ lớn trên hệ thống; việc thanh toán trực tuyến đối với DVCTT mức độ 4 của các đơn vị chưa thực hiện được vì vướng phát sinh phí giao dịch.
“Qua rà soát, số lượng thư điện tử công vụ không phát sinh giao dịch gửi, nhận trong thời gian 6 tháng rất nhiều; các tài khoản không sử dụng do cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu, từ trần, nghỉ việc, chuyển công tác ra ngoài tỉnh…, các đơn vị không đề nghị thu hồi nên chiếm nhiều tài nguyên của hệ thống”, ông Lê Tỷ Khánh cho hay.
Thời gian đến, tỉnh nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Trục liên thông văn bản của tỉnh làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh, kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Triển khai, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Phú Yên, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; triển khai hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện Cổng DVCTT tỉnh hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hoàn thiện, xây dựng các cơ sở dữ liệu nền và ứng dụng chuyên ngành để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và tái sử dụng khi người dân nộp hồ sơ một cửa, tiến đến không yêu cầu người dân nộp các giấy tờ đã có trong cơ sở dữ liệu. Tiếp tục triển khai hoàn thiện Chính quyền điện tử…
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh |
PHONG NHÃ