Phú Yên luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá, nhiệm vụ xuyên suốt nhằm xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh vững mạnh, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định như vậy và cho biết: Đột phá CCHC giúp tỉnh tăng tính dân chủ và pháp quyền, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Để thực hiện CCHC đạt hiệu quả, tỉnh đã xây dựng, triển khai lộ trình cụ thể và tập trung chỉ đạo những nội dung trọng tâm và đã đạt được những bước tiến quan trọng.
Thực hiện thủ tục hành chính ngay tại nhà
Chúng tôi đến nhà chị Trần Thị Hoa Thu (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) vừa lúc chị đang tìm kiếm thông tin về thủ tục đăng ký kinh doanh. Chỉ vài click chuột chị đã thực hiện xong các thủ tục trực tuyến trên mạng và chờ bưu điện chuyển thủ tục về tận nhà.
Khi được hỏi về tiện ích này, chị Thu cho hay: “Ra đường, nhất là nơi đông người vào thời điểm hiện nay rất nguy hiểm khi dịch bệnh nCoV đang diễn ra. Qua tìm hiểu tôi được biết có việc nộp hồ sơ qua mạng và trả kết quả ở nhà nên tham gia và thấy vô cùng đơn giản, không mất quá nhiều chi phí, thời gian”.
Theo Bí thư Huyện ủy Đông Hòa Bùi Thanh Toàn, công tác CCHC thời gian qua luôn được huyện chú trọng, nhất là vấn đề hiện đại hóa bộ phận một cửa, truy cập thông tin kịp thời. Việc trả hồ sơ cho công dân cũng được sắp xếp khoa học tránh việc tập trung đông người.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại, hiện nay nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ nên người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số cũng kịp thời cập nhật thông tin để khi đến tham gia giải quyết thủ tục hành chính không còn bỡ ngỡ. Cán bộ, công chức có trách nhiệm tuyên truyền cho cá nhân, doanh nghiệp hiểu về các dịch vụ từ nộp hồ sơ trực tuyến đến việc trả kết quả tại nhà.
Đồng bộ hiện đại hóa
Trung tâm Phục vụ hành chính công là mô hình đột phá trong CCHC công của tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, tại đây không khí làm việc diễn ra rất khẩn trương; mọi thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng theo đúng quy trình. Người dân chọn lĩnh vực giao dịch trên máy tính, được hướng dẫn đến cửa cụ thể để làm thủ tục giải quyết theo số thứ tự...
Tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức đúng với chuyên môn đào tạo, có thái độ văn minh, lịch sự, tận tình, chu đáo khi giải quyết các thủ tục. Bước ra từ trung tâm này, bà Nguyễn Thị Thơm (TP Tuy Hòa) vui vẻ cho hay: Không trực tiếp đến từng sở, ngành; chỉ đến một nơi mà có thể được giải quyết nhiều thủ tục trong một ngày, không còn rắc rối, phiền hà như trước kia. Đáng vui!
Theo UBND tỉnh, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (http://congdichvucong.phuyen.gov.vn) là hệ thống duy nhất vừa thực hiện vai trò tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, vừa là hệ thống một cửa điện tử để các cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ và công khai kết quả giải quyết, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình nộp hồ sơ, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Hiện nay, 143 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẵn sàng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ. Đồng thời, Cổng dịch vụ công trực tuyến cũng đã tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Trung; tích hợp chức năng thanh toán điện tử với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) để các tổ chức, cá nhân có thể thanh toán lệ phí trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính. Tỉnh cũng đã triển khai chữ ký số và đưa các thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia để công dân có thể kết nối giải quyết các thủ tục mọi lúc, mọi nơi.
Không chỉ có vậy, mô hình “Phòng họp không giấy” đang được HĐND tỉnh triển khai cũng giúp cho công tác chỉ đạo, quản lý điều hành được thực hiện liên tục 24/24 qua môi trường mạng, giảm phát hành văn bản giấy và góp phần tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm…
Phú Yên đang tập trung xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, từng bước triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, tiến đến nền kinh tế số - xã hội số, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt tỉnh đang thực hiện mô hình “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) đối với một số thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Khi đó, quá trình CCHC của tỉnh sẽ hoàn thiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế |
PHẠM THÙY