Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên vừa tổ chức trại sáng tác tại huyện Tuy An với chủ đề Về miền di sản. Chúng tôi - 50 anh chị em văn nghệ sĩ có dịp trở lại miền di sản này với nhiều niềm vui mới.
Vùng đất đẹp
Chúng tôi đến Tuy An, một huyện có địa hình với nét đặc thù riêng - thấp dần từ tây sang đông, núi đồi thấp, đồng bằng hẹp xen lẫn với sông và đầm. Bờ biển dài 42km từ cửa sông Đồng Nai ra đến cửa biển Bình Bá, khi thì bờ cát trắng trải dài, lúc lại cong như vầng trăng khuyết.
Sông Cái phía thượng nguồn có tên là Kỳ Lộ, hạ du lại có tên là Ngân Sơn; núi Bà, núi Ông theo sông về với biển. Nhà thơ Nguyễn Mỹ - người con của Tuy An từng viết: Núi Ông khom lưng/ Núi Bà đội nón.
Tuy An có quốc lộ 1 chạy qua, do địa hình đồi núi nên có nhiều đèo dốc như: Đèo Quán Cau, dốc Bà Ền, đèo Tam Giang… và có đường sắt Bắc - Nam với ga Chí Thạnh và ga Hòa Đa. Đây là cửa ngõ của đô thị, tương lai còn có đường bộ và đường sắt cao tốc đi qua.
Hiện tại Tuy An có trên 50 di sản, trong đó có 8 di sản xếp hạng cấp quốc gia, có một di sản quốc gia đặc biệt, đây là những tài sản vô giá cho miền đất đẹp này. Nhiều người ví di sản ở đây như những cô gái đẹp còn ngủ say, đang được đánh thức.
Những nơi chúng tôi đặt chân đến, đâu đâu cũng có điểm ấn tượng, khó quên. Đó là di tích Địa đạo Gò Thì Thùng và gành Đá Đĩa trên cạn ở xã An Xuân, Vực Hòm ở xã An Lĩnh, Thiền viện ở xã An Thọ…
Theo quy hoạch đến năm 2025, huyện Tuy An phát triển lên thị xã, đô thị loại IV thuộc tỉnh Phú Yên. Với tiềm năng về tự nhiên, mối quan hệ vùng, điều kiện kinh tế, xã hội…, Tuy An là đô thị biển - di sản - dịch vụ phức hợp.
Tác giả (bìa phải) bên Vực Hòm - một cảnh đẹp hoang sơ ở xã An Lĩnh, huyện Tuy An. Ảnh: CTV |
Những câu chuyện huyền thoại
Thiên nhiên mang lại cho Tuy An một gành Đá Đĩa mà rất hiếm nơi có được. Tới đây, mỗi khoảnh khắc cho ta những cảm giác khác lạ. Sáng sớm, những khối đá ánh lên màu vàng óng, khi về chiều lại rực lên màu đen huyền bí: Hòn anh, hòn chị ôm nhau mãi/ Hòn vợ, hòn chồng gỡ chẳng ra.
Những người dân địa phương kể: Một nàng tiên tên Loan cưỡi chim Ô Thước xuống trần gian, đi ngao du khi về chiều đến vùng đất Tuy An thấy cảnh đẹp, chim và nàng đậu xuống núi Từ Bi rồi cả hai hóa thành đầm nước. Người dân khéo ghép gọi là đầm Ô Loan. Từ trên quốc lộ 1 nhìn xuống, khi bình minh lên cao, đầm nhuộm sắc vàng óng ả như con chim Loan khổng lồ trong tư thế sẵn sàng tung cánh; khi hoàng hôn buông xuống, ánh sáng nhập nhoạng, chim lại xoải cánh tìm chốn yên bình trên mặt hồ lăn tăn sóng nước. Đầm Ô Loan bao đời nay là niềm cảm hứng của các thi sĩ. Nhà thơ Nguyễn Mỹ viết: Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp/ Sò huyết sinh trong đáy giếng mờ xanh.
Đoàn chúng tôi đến Vực Hòm, một thác nước ở thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh. Một thác nước tuyệt đẹp, nép mình bên những cột đá bazan hình dáng như gành Đá Đĩa úp ngược xuống đất. Mùa này, nước từ Suối Cái ở độ cao trên 10m đổ xuống vực ì ầm, tung bọt trắng xóa. Những tia nắng xen vào dòng thác tạo ra màu lung linh hòa với màu xanh của cây cối rừng già. Dưới chân thác là một hồ nước sâu, rộng chừng 500m2 trong xanh, vách đá hùng vĩ bao quanh. Tới đây, với khung cảnh đẹp và hoang sơ, du khách tha hồ check-in, quên cả lối về.
Đoàn được khám phá tại di tích lịch sử Địa đạo Gò Thì Thùng. Trải rộng trước mắt chúng tôi là một màu xanh bạt ngàn của đồi núi chập chùng. Điều thú vị là dưới khu đồi này có một đường hầm dài hơn 2km, phía trên là giao thông hào dài 10km chạy đến các cửa hầm. Công trình được xây dựng vào tháng 4/1964. Chiến tranh đã lùi xa nhưng âm vang vẫn còn mãi. Tháng 6/1966, quân ta từ trong lòng đất bất ngờ, thần tốc đánh giáp lá cà tiêu diệt 378 tên địch, bắn hạ 5 máy bay Tiểu đoàn 173 của Mỹ. Đây là một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ của quân và dân Phú Yên.
Chúng tôi cũng được tham quan di tích lịch sử thành An Thổ vang bóng một thời, là thủ phủ Phú Yên xưa, nơi sinh đồng chí Trần Phú, cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Đoàn cũng thăm mộ và đền thờ chí sĩ Lê Thành Phương, người con của Tuy An gắn với phong trào Chiếu Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX tại Phú Yên.
Tuy An còn là miền đất Phật, nơi có tổ sư Liễu Quán (1667-1742). Ông sinh ra ở xã An Thạch, là thiền sư nổi tiếng ở Việt Nam, thuộc phái Lâm Tế chánh tông đời thứ 35. Hiện có Trường trung cấp Phật học Liễu Quán Phú Yên mang tên ông. Tuy An cũng có nhiều ngôi chùa cổ kính gắn với những câu chuyện huyền thoại, hấp dẫn và giàu lòng nhân ái.
Chùa Thanh Lương có pho tượng Phật bằng gỗ trôi ngoài biển khơi, được ngư dân rước về thờ tại chùa; tượng có khuôn mặt thanh tú, đường nét đẹp. Người dân cho rằng, từ khi có “mẹ” phù hộ mà ngôi chùa này cũng như vùng đất nơi này an bình và phát triển. Còn chùa Từ Quang (Đá Trắng) xưa có giống xoài ngọt tinh khiết, mỗi năm đến mùa xoài chín, người dân trong vùng lại hái xoài gửi ra kinh đô Huế dâng vua, nên gọi là xoài tiến vua.
Chuyện kể rằng có một nhà sư được vua Minh Mạng (1820-1840) triệu về kinh đô Huế để chữa bệnh, hỏi han việc tu hành, ban cho hiệu Tăng Cang và ân thưởng tiền bạc để xây dựng chùa. Ông là thiền sư Giác Ngộ, hiệu Tánh Tông khai sơn chùa Bát Nhã (chùa Tổ) trên đỉnh núi Long Sơn cao 269m ở xã An Hiệp, ngài viên tịch năm 1842. Hôm nay lên đây là cảnh bụt, chùa thiêng, có những ngôi tháp cổ phủ màu sương gió; các bạn với được mây bay, ngắm toàn cảnh đẹp đầm Ô Loan, núi Chóp Chài mờ xa, cao nguyên Vân Hòa lộng gió. Đặc biệt, trên núi cao này còn có giếng đá quanh năm có nước và nước giếng này làm tương có hương vị ngon hơn so với dùng nước các nơi khác.
Ngoài các chùa, Tuy An còn có nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng năm 1892 theo kiến trúc Gothichs, là nhà thờ cổ nhất tại Phú Yên và nhà thờ lâu đời ở Việt Nam. Đặc biệt hơn, ở đây còn lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên - Phép giảng 8 ngày của Linh mục Alexandre, in năm 1651 tại Roma - Ý.
Về Tuy An, các bạn sẽ còn được xem biểu diễn kèn đá và đàn đá, lễ hội đua thuyền đầm Ô Loan và đua ngựa gò Thì Thùng, lễ hội cầu ngư và hò bá trạo tại các làng biển... Tuy An - miền di sản, một nét đẹp văn hóa đô thị tương lai.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG