Những ngày tháng 4 nắng vàng rực rỡ, trong niềm hân hoan hướng về kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5), chúng tôi về lại vùng căn cứ địa của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ. Ba xã cao nguyên Vân Hòa, gồm: Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định (bắc huyện Sơn Hòa) ngày trước là vùng căn cứ cách mạng bởi rừng núi hiểm trở; ngày nay, một bức tranh về cuộc sống mới đang hiện hữu và là một trong những địa chỉ thu hút khách du lịch gần xa.
Nắng tháng 4 ở vùng cao nguyên Vân Hòa không hanh hao, rát bỏng mà dịu ngọt, thậm chí nghe trong gió trưa sự mát lạnh dịu nhẹ của một vùng khí hậu ôn đới.
Về lại căn cứ xưa
Cao nguyên Vân Hòa, nơi trước đây Tỉnh ủy chọn làm căn cứ để phục vụ cuộc chiến tranh lâu dài, bởi địa hình, địa vật vô cùng hiểm trở, địch khó phát hiện, ta dễ cơ động, rút lui vào núi khi cần thiết. Năm 1962, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định chuyển cơ quan về đây xây dựng thành vùng căn cứ kháng chiến. Sau đó, các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, quân sự, công an, bệnh xá, kinh tài, mậu dịch, giao liên… của tỉnh đều dời về đây cho đến khi tỉnh nhà được hoàn toàn giải phóng (4/1975).
Chúng tôi ghé thăm nhà ông Trần Truyền, lão thành cách mạng, nhân chứng sống ở xã Sơn Định, mà người dân ở đây quen gọi là ông Bảy Kim. Ông Bảy Kim năm nay gần 90, nhưng vẫn còn minh mẫn, đặc biệt là khi nhắc đến thời chiến tranh ở vùng căn cứ này. Ông Bảy Kim kể, quê ông ở Xuân Phước (huyện Đồng Xuân). Năm 1959, ông thoát ly lên núi làm cách mạng. Lúc đầu, ông được phân công giữ kho lương thực ở vùng căn cứ này, sau biên chế vào bộ đội trinh sát, rồi đặc công ở Đại đội 202. Ông Bảy Kim từng được tham gia giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ khi bị quản thúc ở Củng Sơn và cũng có lần được công tác với ông Chín Cao (Nguyễn Duy Luân), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Từng gốc cây, hốc đá ở vùng căn cứ này, ông Bảy Kim và đồng đội thuộc như bản đồ trong bàn tay.
Theo hồ sơ, di tích vùng căn cứ kháng chiến này là nơi đứng chân nhiều cơ quan của tỉnh, như: Cơ quan Tỉnh ủy, cơ quan Ủy ban Nhân dân cách mạng và cơ quan Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, còn có Hội trường Mùa Xuân, Nhà Giao tế, Trường Ðảng, cơ quan Tỉnh đội, xưởng Quân giới 200, cơ quan Ban an ninh, bệnh xá Trúc Bạch và Trường Y tế. Mỗi cơ quan có nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo và nhiều bộ phận như văn phòng, y tế, cơ yếu, điện đài, bộ phận sản xuất, nhà canh gác, sân bóng chuyền, vùng sản xuất…
Nhà thờ Bác Hồ được Tỉnh ủy Phú Yên xây dựng vào đầu tháng 9/1969 tại dốc Đá, xã Sơn Định, khi nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Đây cũng là nơi tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ vào ngày 9/9/1969 và là nơi để nhân dân Phú Yên tưởng nhớ Bác trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Năm 2003, di tích được phục hồi, tôn tạo trong khuôn viên rộng hơn 5.000m2, ngay bên ĐT643. Năm 2008, cả quần thể di tích Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó, điểm nhấn là Nhà thờ Bác Hồ được đầu tư tôn tạo và được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ cho các thế hệ cựu binh, tuổi trẻ hành hương về nguồn, ôn lại lịch sử, giáo dục truyền thống và báo công dâng Bác trong những dịp lễ trọng.
Ông Bảy Kim, nhân chứng sống trong kháng chiến - cùng vợ, tìm lại những kỷ vật trong quá khứ hào hùng. Ảnh: BÍCH NGÂN |
Vùng 3 xã hôm nay
Trong kháng chiến, ba xã Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định là vùng căn cứ cách mạng, người dân nơi đây tham gia kháng chiến kiên cường. Sau ngày giải phóng, nhân dân vùng ba xã tiếp tục ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống, từng bước đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng nông thôn mới (NTM).
Hai bên ĐT643 là màu xanh mát mắt bởi bạt ngàn những đồi keo lá tràm, những rẫy mía, rẫy sắn chạy dài ngút mắt trên đồi, dưới thung. Sơn Xuân và Sơn Định đã nỗ lực về đích NTM từ năm 2019. Sơn Long được xem là địa bàn trung tâm của cao nguyên Vân Hòa với nhiều lợi thế, được huyện Sơn Hòa, tỉnh chọn để quy hoạch thành khu đô thị mới Vân Hòa đến năm 2035.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các chương trình mục tiêu cho vùng miền núi đã giúp cho bộ mặt nông thôn vùng ba xã hoàn toàn thay áo mới. Hạ tầng cơ sở thiết yếu được đầu tư xây dựng, điện, đường, trường, trạm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống. Các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cũng được quan tâm, y tế, giáo dục được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đặc biệt, trong nhân dân rất sôi nổi phong trào thi đua sản xuất, làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tỉ lệ hộ khá, giàu tăng lên hàng năm. Nhà cửa khang trang, đời sống được nâng cao nhờ có thu nhập khá từ lao động sản xuất, kinh doanh.
Ông Võ Tấn Quang ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, nông dân sản xuất giỏi được chọn xây dựng vườn mẫu trong mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, trải lòng: “Cuộc sống người dân vùng miền núi đang thay đổi từng ngày. Những năm gần đây, địa phương có nhiều chương trình hỗ trợ người nông dân sản xuất, được động viên khích lệ, ai ai cũng nỗ lực làm ăn, xây dựng cuộc sống NTM”.
Chủ tịch UBND xã Sơn Định Nguyễn Minh Hoài cho hay, thế mạnh của nông dân ở đây là làm nông nghiệp với các loại cây trồng chính là sắn, mía, hồ tiêu; trồng rừng với cây chủ lực là keo, cao su; ngoài ra bà con còn trồng lúa và các loại hoa màu ngắn ngày. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cả xã đạt 35 triệu đồng/năm; hiện toàn xã chỉ còn 17 hộ nghèo (hầu hết không có điều kiện thoát nghèo). “Địa phương đang tiếp tục nỗ lực thực hiện 15 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, phấn đấu đến năm 2024 đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Sơn Định cũng đang quy hoạch khu dân cư dọc hai bên đường từ Trạm dừng chân đến Nhà thờ Bác Hồ, sẽ tạo nên bức tranh nông thôn trù phú hơn”, Chủ tịch Nguyễn Minh Hoài nói.
Vùng du lịch đặc trưng cao nguyên Vân Hòa
Nói đến Phú Yên, ngoài tiềm năng thế mạnh về biển đảo thì vùng cao nguyên Vân Hòa được xem là một vùng du lịch với sản phẩm đặc trưng của miền núi. Nơi đây có độ cao trung bình khoảng 400m so với mặt nước biển; có địa hình đồi núi liên hoàn, nhiều núi, hồ, suối, thác, khí hậu mát mẻ quanh năm là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với tham quan di tích, tìm hiểu lịch sử văn hóa...
Đặc trưng nhất của vùng đất cao nguyên này là về khí hậu. Đang giữa mùa nắng nóng cao điểm của miền Trung, nhưng chỉ cần bước qua địa giới cao nguyên Vân Hòa, cách TP Tuy Hòa chưa đầy 40 cây số, khí hậu đã “chuyển trạng thái” mát mẻ, dễ chịu như không khí Đà Lạt.
Vùng cao nguyên Vân Hòa nổi tiếng với bơ, mít, chuối, bưởi... Gần đây, một loại cây nổi lên thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan đó là vườn cây đỏ. Cây đỏ có trái chi chít quanh thân đến cành nhánh, khi chín tạo nên một màu đỏ rực bắt mắt. Cây đỏ tập trung nhiều nhất ở xã Sơn Xuân. Những năm gần đây, người dân tận dụng lợi thế này cải tạo thành nhà vườn phục vụ khách đến tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi. Theo ông Bốn Cư (vườn đỏ Bốn Cư), trước cây đỏ mọc hoang trong rừng, khi phát rẫy, người ta thấy trái ăn được nên để lại. Vì sự độc đáo của nó cộng với khí hậu mát mẻ trong lành, các món ăn địa phương đậm đà đặc sắc đang được người dân phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Ẩm thực cao nguyên Vân Hòa phong phú, mang nét đặc trưng với món gà kho mắm thơm, gà nấu lá giang, lá dít, là món ăn không thể bỏ qua. Ngay cả siêu đầu bếp Lý Sanh, Chi hội trưởng Bếp chuyên nghiệp Sài Gòn cũng không tiếc lời khen những món ăn ở địa phương này.
Di tích lịch sử văn hóa, các thắng cảnh thiên nhiên cũng là trụ cột cơ bản tạo nên sự đặc trưng cho vùng đất này khi phát triển du lịch. Ngoài di tích Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa Xuân, còn có những điểm tham quan tự nhiên lý thú khác, như: thác Hàn, suối Đá (Sơn Xuân), hồ Suối Phèn, vực Đá Nhà (Sơn Long), suối Ché (Sơn Định)… cũng có tên trong cẩm nang du lịch của du khách thích khám phá, trải nghiệm.
Với tiềm năng như vậy, cùng với sự quảng bá, mời gọi thu hút đầu tư, những năm gần đây đã có nhiều doanh nghiệp, dự án kinh tế, du lịch đến với vùng đất này, như: Nông trại công nghệ cao BB Farm, khu du lịch sinh thái Long Vân Garden (xã Sơn Long), trạm dừng chân Tâm Thành Đạt, khu nuôi bò công nghệ cao TH True milk… Tất cả đã góp phần tạo nên một bức tranh du lịch phong phú và ngày càng sôi động khi đến vùng cao nguyên có khí hậu ôn đới này.
Gần đây nhất, Sở VH-TT-DL đã công bố tuyến du lịch địa phương lên cao nguyên Vân Hòa, gắn với quần thể di tích vùng căn cứ cách mạng năm xưa và những điểm đến, như: vườn cây đỏ Sơn Xuân, Nhà thờ Bác Hồ và các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng khác; khu sinh thái Long Vân, nông trại BB Farm tại xã Sơn Long; kết nối với di tích quốc gia Địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An).
Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, Đảng bộ và nhân dân vùng ba xã hôm nay không ngừng thi đua lao động, sản xuất tạo nên một bức tranh nông thôn mới, đẹp đẽ, sinh động. Với tiềm năng, lợi thế của vùng đất cao nguyên ôn đới, bên cạnh phát triển kinh tế trồng rừng, sắn, mía, kinh tế vườn đồi, chăn nuôi đại gia súc, trong định hướng của huyện, cao nguyên Vân Hòa sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện, tỉnh.
Ông Nguyễn Đình An, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa
Tôi từng tham gia kháng chiến, hòa bình lập lại cùng nhân dân xã Sơn Định hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống. Đến giờ này, tôi thấy vô cùng vui mừng vì sự đổi thay trên quê hương. Lớp con cháu sau này giỏi giang hơn trong học hành, công tác, lao động sản xuất. Đất Sơn Định nói riêng, cao nguyên Vân Hòa nói chung trở thành vùng “đất vàng”, vùng đất đáng sống.
Ông Trần Truyền - Bảy Kim, lão thành cách mạng ở xã Sơn Định |
TRẦN QUỚI - BÍCH NGÂN