Đại dịch COVID-19 đã khiến tất cả các ngành kinh tế khốn đốn, trong đó du lịch là ngành bị tác động trực tiếp, nặng nề và khó phục hồi nhất. Trong sự bất khả kháng, những người làm du lịch không thể khác vẫn phải gượng dậy, nỗ lực với các giải pháp quảng bá, kích cầu để phục hồi ngành kinh tế quan trọng này.
Hội chợ VITM - không chỉ là diễn đàn giao thương
Theo thông lệ, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM được tổ chức vào đầu tháng 4 hàng năm. Năm nay, hội chợ du lịch uy tín này đã phải dời lịch đến lần thứ tư. Và cũng chính trong điều kiện thực tế bất khả kháng này, chủ đề hội chợ và các hoạt động tại sự kiện này cũng thay đổi cho phù hợp.
Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên cho biết Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hanoi 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 18-21/11/2020, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Trước đó, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 có chủ đề “Di sản - Nguồn lực của du lịch Việt Nam” dự kiến diễn ra từ ngày 1-4/4, sau đó lùi sang ngày 14-17/5 và tiếp tục được lùi đến 12-15/8 với chủ đề “Du lịch Việt Nam hướng tới tương lai”. Cho đến lần này, để phù hợp với tình hình mới và xu hướng, Hội chợ VITM lấy chủ đề: “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch”.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng ban tổ chức VITM 2020, hội chợ VITM là sự kiện du lịch quốc gia, diễn đàn kết nối giao thương, tạo cơ hội cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy quan hệ kinh doanh, liên kết phát triển sản phẩm du lịch. “Hội chợ năm nay có phần đặc biệt hơn, ngoài tạo cơ hội gặp nhau giữa bên bán và bên mua, hội chợ còn là diễn đàn thiết thực triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19. Trong chương trình, ban tổ chức sẽ thông qua chương trình kích cầu du lịch nội địa; hội thảo xoay quanh chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch”, nhằm phân tích, tìm giải pháp đẩy nhanh số hóa, ứng dụng công nghệ làm thay đổi căn bản trong quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch”, ông Bình cho biết.
Đại dịch COVID-19 đang làm thế giới thay đổi, trong đó có ngành Du lịch; xu hướng, nhu cầu, hoạt động du lịch cũng phải thay đổi thích ứng với tình hình mới. Hội chợ VITM lần này không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, các hãng hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch mà sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp phát triển công nghệ trong du lịch, có chương trình giới thiệu các công nghệ mới phục vụ cho các doanh nghiệp du lịch. Trong bối cảnh vắng khách do dịch COVID-19, ngành Du lịch tiếp tục xây dựng phương án kích cầu du lịch nội địa, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai du lịch inbound (khách quốc tế đến) và outbound (khách trong nước đi nước ngoài) khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong ngưỡng an toàn.
Các doanh nghiệp du lịch trong nước về Phú Yên trong chuyến xúc tiến quảng bá, liên kết kích cầu tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên hồi đầu năm. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Chuyển đổi số song song với an toàn, hấp dẫn
Hai nội dung lớn mà ngành Du lịch Việt Nam đang triển khai song song là thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số và tiếp tục kích cầu du lịch lần hai sau khi dịch COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát.
Doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đều xác định chuyển đổi số là một trong những việc cấp bách cần làm ngay và cũng là xu hướng bền vững đáp ứng nhu cầu của du khách trong bối cảnh hiện tại và tương lai. Mới đây nhất, Tổng cục Du lịch đã cho ra mắt ứng dụng trên điện thoại thông minh “Du lịch Việt Nam an toàn”.
Ông Cao Hồng Nguyên, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL Phú Yên) cho biết, ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” tích hợp đầy đủ các tính năng nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước gồm: Truy cập bản đồ số để tìm hiểu các đơn vị cung cấp dịch vụ đã đăng ký tiêu chuẩn an toàn với cơ quan quản lý nhà nước theo các loại hình: Khách sạn, nhà hàng, căn hộ du lịch, các khu vui chơi, dịch vụ vận tải, bệnh viện, nhà thuốc… “Tất cả các thông tin về du lịch các tỉnh trong cả nước đều được cập nhật. Đây là một ứng dụng hữu ích và phù hợp với xu thế. Đối với Phú Yên, du lịch thông minh là một trong những vấn đề được ngành đề cập và cổng du lịch thông minh của tỉnh, webgis du lịch hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện để phục vụ du khách”, ông Nguyên cho biết.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ cho việc chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để mang đến thông tin, dịch vụ khách hàng từ xa. “Khách du lịch hiện nay có thể đặt mua tour và trải nghiệm một chuyến du lịch hoàn hảo với một chiếc điện thoại thông minh mà không cần phải tương tác trực tiếp với nhân viên công ty lữ hành”, ông Đàm Đại Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Du hành Đại Hữu cho biết.
Song song với chủ đề chuyển đổi số, VITM Hà Nội lần này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục thúc đẩy chiến dịch kích cầu lần hai trong năm với thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
Theo ông Nguyễn Trung Tín, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Phú Yên (Sở VH-TT-DL), tham gia Hội chợ VITM lần này, trung tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh quảng bá chung về du lịch Phú Yên; có gần 10 doanh nghiệp tham gia để giới thiệu trực tiếp sản phẩm tìm kiếm cơ hội giao thương, liên kết trong những tháng cuối năm và chuẩn bị cho năm 2021.
Chương trình kích cầu của Bộ VH-TT-DL tập trung vào các nội dung: Nhấn mạnh thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Kích cầu thị trường khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Trên cơ sở các liên minh kích cầu giai đoạn trước, khuyến khích hình thành các sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE. Xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, đảm bảo chất lượng, uy tín và thương hiệu; đồng thời có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của du khách... |
TRẦN QUỚI