Đó là thông điệp Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đưa ra nhân Ngày Du lịch thế giới năm nay (27/9), trong bối cảnh thế giới đã và đang vật lộn với đại dịch COVID-19 và ngành Du lịch khắp nơi bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Tổng Thư ký Zurab Pololikashvili, trong 40 năm qua, Ngày Du lịch thế giới đã nêu bật sức mạnh của ngành Du lịch đối với hầu hết khía cạnh trong xã hội. Giờ đây, thông điệp này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Sự kết hợp hướng tới hoàn hảo
Du lịch đã được chứng minh là chiếc phao cứu sinh cho rất nhiều cộng đồng nông thôn, tuy nhiên sức mạnh thực sự của du lịch vẫn cần được khai thác triệt để hơn. Ngành Du lịch không chỉ là nguồn cung cấp việc làm hàng đầu, đặc biệt đối với phụ nữ và thanh niên, mà còn mang đến cơ hội gắn kết lãnh thổ và hòa nhập kinh tế - xã hội cho những vùng dễ bị tổn thương nhất.
Du lịch giúp các cộng đồng nông thôn gìn giữ di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của họ, hỗ trợ các dự án bảo tồn, bao gồm dự án bảo vệ các loài có nguy cơ bịtuyệt chủng, các phong tục hoặc bản sắc đã mai một.
Cách đây 6 năm, Ngày Du lịch thế giới 27/9/2014, UNWTO cũng đưa ra một thông điệp tương tự, đó là: Du lịch và sự phát triển của cộng đồng. Cộng đồng ở đây có thể hiểu là cộng đồng cư dân nói chung chứ không hẳn là cộng đồng nông thôn. Nhưng rõ ràng, hàm ý của nó, thậm chí khi phát ra thông điệp người ta có thể hiểu nó là cộng đồng nông thôn.
“Mỗi chúng ta khi đi du lịch, việc sử dụng phương tiện vận tải hay mua các sản phẩm tại địa phương sẽ đóng góp cho một chuỗi các giá trị như tạo công ăn việc làm, cung cấp kế sinh nhai, trao quyền cho cộng đồng địa phương và cuối cùng là mang đến những cơ hội mới cho một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Taleb Rifai, Tổng thư ký UNWTO thời điểm đó nói.
Từ thời điểm nói trên, du lịch cộng đồng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bắt đầu phát triển mạnh bởi sự đồng thuận cao và xu hướng mới trong du lịch, ít nhất cũng có tác động từ thông điệp của UNWTO.
Thông điệp Ngày Du lịch thế giới năm nay là: Du lịch và phát triển nông thôn. Ngắn gọn, rõ ràng và khẳng định một sự kết hợp hướng tới hoàn hảo khi cả hai có mối quan hệ tương hỗ nhau. Du lịch sẽ thúc đẩy phát triển nông thôn, bảo vệ và phát huy những giá trị vật chất và truyền thống của cộng đồng nông thôn. Ngược lại, có thể hiểu nông thôn là nguồn tài nguyên phong phú, độc đáo cho ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ.
Đêm cồng chiêng ở buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) khiến du khách thích thú khi hòa mình trải nghiệm. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Liên kết phát huy chuỗi giá trị nông nghiệp và du lịch
Đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới chững lại, thậm chí nhiều hoạt động phải dừng hẳn. Trong đó, du lịch là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất với hàng triệu người mất việc làm, tăng trưởng âm, nhiều doanh nghiệp du lịch phá sản hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.
Trước tình hình này, thông điệp của UNWTO đưa ra đồng nghĩa với việc phát triển nông thôn trở thành trọng tâm của các chính sách du lịch thông qua giáo dục, đầu tư, đổi mới sáng tạo và công nghệ có thể chuyển đổi sinh kế của hàng triệu người, bảo vệ môi trường và văn hóa cộng đồng nông thôn.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili khẳng định: Khai thác du lịch như một động lực để phát triển nông thôn sẽ giúp cộng đồng toàn cầu đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vìsựphát triển bền vững - một kế hoạch đầy tham vọng của chúng ta cho nhân loại và hành tinh. Tiềm năng to lớn của ngành Du lịch, bao gồm thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng nông thôn, nếu được phát huy toàn diện sẽ cam kết không bỏ ai lại phía sau.
Vấn đề ở đây là giải quyết tốt mối liên kết giữa du lịch - nông thôn để phát huy chuỗi giá trị nông nghiệp ở góc độ du lịch. Phát triển du lịch tại khu vực nông thôn là một giải pháp tốt đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân.
Những làng nghề truyền thống sẽ được hồi sinh, những sản vật địa phương rồi sẽ được nâng tầm giá trị, tích tụ đất đai và lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp… Tất cả những điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi mối liên kết giữa du lịch và nông thôn được giải quyết một cách căn cơ, bền vững.
Thực tế đã hình thành và đang phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Nhiều làng quê trở thành điểm đến của khách du lịch. Du khách có thể tham gia các hoạt động thường ngày của người nông dân, như: trồng lúa, trồng rau, tát cá, đi xe bò, cưỡi trâu, chèo xuồng ba lá, thuyền thúng; chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh bằng thảo dược; giải trí, trải nghiệm nghệ thuật, lễ hội truyền thống; thưởng thức ẩm thực tại địa phương… Tất cả những điều đó ở nông thôn nào cũng có sẵn và chỉ ngành Du lịch mới có thể biến nó thành tài sản, bán được tiền, hái ra tiền!
Tiềm năng to lớn của ngành Du lịch, bao gồm thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng nông thôn, nếu được phát huy toàn diện sẽ cam kết không bỏ ai lại phía sau.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili |
TRẦN QUỚI