Buổi sáng, bầu trời Hải Phòng nhiều sương. Đứng trên bến Bính nhìn ra xa, những con tàu chở hàng mờ ảo trên mặt biển như những hòn đảo đang di động. Bến Bính là nơi những con tàu du lịch cao tốc đón khách đi Cát Bà. Tuy chưa phải là mùa du lịch cao điểm nhưng đã có nhiều đoàn du khách Tây Âu xếp hàng chờ lên tàu; khi tôi bước vào phòng vé thì chỉ còn một vé cuối cùng.
Đúng 9 giờ, con tàu trùng trình rời bến rồi từ từ tăng tốc xé nước rẽ sóng lao đi, bọt nước tung lên phủ kín các khung cửa kính hai bên thành tàu. Nhìn về phía trước, những hòn đảo lớn nhỏ xa mờ nhô mình lên khỏi mặt biển cứ hiện rõ dần. Con tàu lúc băng băng trên mặt nước mênh mông, lúc luồn lách qua các thủy lộ hẹp bên dưới hàng trăm hòn đảo cao sừng sững, bị khuyết chân do ngàn năm sóng vỗ. Đúng 10 giờ, tàu giảm tốc độ và cập bến trung tâm đảo Cát Bà.
Vùng biển đảo của truyền thuyết và những chiến công
Theo tài liệu, quần đảo Cát Bà có tới 367 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Cát Bà là đảo đá vôi lớn nhất trong hệ thống quần đảo phía nam vịnh Hạ Long và vùng ven bờ tây biển Đông, với diện tích 144km2. Khởi đầu, đảo Cát Bà có tên gọi là Các Bà. Truyền thuyết kể rằng ngày xưa khi Thánh Gióng ra quân đánh giặc Ân, hầu hết đàn ông ở vùng biển này đều lên đường theo ngài đi đánh giặc. Để phục vụ hậu cần, các bà đã tập trung về đây lo cơm gạo mắm muối cung cấp cho các ông lên đường đi đánh giặc, nên hòn đảo được người xưa gọi là đảo Các Bà.
Ngoài truyền thuyết nói trên, địa danh Cát Bà còn có nhiều giả thuyết khác nhau. Anh Đỗ Huy Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Cát Bà, cho biết theo các cụ cao niên thì Cát Bà bắt nguồn từ một sự tích. Ngày xửa ngày xưa, không rõ là vào thời kỳ nào, có hai nữ thần chết trẻ không biết từ đâu trôi dạt vào bờ đảo và lập tức được mối xông thành mộ. Ngay đêm ấy, hai thần nữ hiển linh báo mộng cho các vị chức sắc và dân chúng trên đảo biết về sự linh ứng của mình. Dân chúng bèn đóng góp tiền của lập miếu thờ hai thần nữ ngay bên hai nấm mộ thiêng này, gọi là miếu Các Bà. Các nữ thần đã nhiều lần hiển linh âm phù hộ ngư dân trên đảo thoát khỏi các dịch bệnh, tai nạn trên biển và đánh đuổi cướp biển, giặc ngoại xâm. Để tri ân và biểu dương uy linh của các nữ thần, nhân dân bèn lấy tên Các Bà đặt tên cho quần đảo. Lâu dần, người đời đọc tên Các Bà chệch sang thành Cát Bà.
Theo sự phân chia hành chính hiện nay, quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải (TP Hải Phòng); vịnh Hạ Long thuộc TP Hạ Long, vịnh Bái Tử Long thuộc TP Cẩm Phả và bến Vân Đồn thuộc huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Nhưng nếu đi dọc theo bờ biển từ Cẩm Phả đến Hải Phòng, ta sẽ nhận ra rằng thiên nhiên đã tạo nên một quần đảo lớn thống nhất, liên hoàn chạy dọc suốt phía đông bắc của Tổ quốc với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ vươn xa ra biển Đông vài chục hải lý, tạo nên một vùng biển đảo kỳ vĩ. Hàng ngàn hòn đảo lô nhô trùng điệp tạo nên những thủy lộ phức tạp, hiểm yếu như một bát quái trận đồ làm rào giậu canh giữ đất nước. Truyền thuyết kể rằng: Khi ta mới lập nước, giặc dữ xuôi thuyền vào xâm lấn nước ta, rồng mẹ dẫn các con xuống giúp dân đánh giặc. Mẹ con rồng đã phun ra hàng trăm viên ngọc tạo thành những đảo đá lô nhô, thuyền giặc xô vào bị vỡ tan tành. Sau đó, nơi rồng con ở lại tạo thành vịnh Bái Tử Long, còn nơi rồng mẹ ở lại thành vịnh Hạ Long.
Với hình thế biển đảo điệp trùng hiểm yếu như thế, chỉ có cư dân Việt sống trong vùng thạo nghề sông nước mới thuộc đường đi lối lại như lòng bàn tay, còn giặc đến thì sẽ như lạc vào mê hồn trận. Do vậy mà các cuộc chiến tranh trong lịch sử, khi giặc vào đây đều bị thất bại, nổi tiếng nhất là trận đánh của vị tướng thủy quân đời nhà Trần ở thế kỷ XIII - Trần Khánh Dư. Ông đã lợi dụng địa hình hiểm trở của biển đảo ở bến Vân Đồn, phục kích đánh tan đội thuyền lương của tướng giặc Nguyên Trương Văn Hổ, đốt cháy, nhấn chìm và chiếm lấy 17 vạn thạch lương, cắt toàn bộ hậu cần của quân Nguyên đang ngóng chờ ở thành Thăng Long, làm cho tướng sĩ của Thoát Hoan hoang mang, dao động, mất tinh thần chiến đấu. Một trận đánh có ý nghĩa làm thay đổi cục diện chiến tranh Nguyên - Việt, góp phần dẫn đến chiến thắng quyết định của Hưng Đạo Đại Vương trên sông Bạch Đằng vào năm 1288.
Những năm chống Pháp, chống Mỹ, chuỗi đảo phía đông bắc đất nước là nơi pháo binh ta bắn cháy tàu chiến, giặc lập nhiều chiến công. Ngày nay nơi đây, những “đôi mắt thần” vẫn ngày đêm dõi ra biển Đông canh giữ vùng biển quê hương, góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Anh Đỗ Huy Toàn đưa tôi lên pháo đài Thần công ở điểm cao 177. Tại đây, toàn bộ di tích của thời chiến tranh hầu như được gìn giữ cẩn thận để mọi người đến tham quan tìm hiểu cuộc sống và chiến đấu của bộ đội trên đảo trong những năm chống Mỹ. Từ lô cốt, giao thông hào, nhà chỉ huy, súng pháo, các hầm đạn, các vật dụng hàng ngày của chiến sĩ ngày ấy... hầu như còn nguyên vẹn. Rất xúc động khi chúng ta bước vào tham quan căn nhà “Hạnh phúc”. Đó là một căn nhà nhỏ, đơn sơ biệt lập với các công trình chiến đấu khác, nép dưới bóng cây và hàng dứa dại trên đảo. Bên trong có một căn phòng nhỏ với một chiếc giường bằng một tấm ván gác lên 2 ngựa, trên trải một chiếc chiếu với hai chiếc gối, một tấm mền được xếp gọn gàng thẳng nếp; bên đầu giường là một cái giá gác súng, một cửa sổ nhìn ra rừng cây. Đó là căn nhà dành cho chiến sĩ đón vợ lên thăm ở lại với chồng. Nhìn căn nhà “Hạnh phúc”, ta chạnh lòng về niềm hạnh phúc hiếm hoi, đơn sơ, nhưng có lẽ cũng lãng mạn lắm của chiến sĩ ta trong những năm tháng cả nước cùng đánh giặc!
Ở pháo đài Thần công có điểm cảnh giới nhìn ra vịnh Bắc Bộ và điểm nhìn về phía đảo Hoàng Sa với tầm nhìn rất xa ra biển Đông. Đứng ở phía tây của pháo đài nhìn những dãy đảo lô nhô bên dưới, trong đó có một hòn đảo với hình dáng giống hệt một chiếc guốc úp ngược bềnh bồng trên mặt biển. Tương truyền rằng ngày xưa có 7 nàng tiên xuống tắm biển và vui thú với cảnh quan hữu tình nơi đây. Đến chiều tối, ai nấy đều bay về tiên cảnh, riêng nàng tiên thứ 7 vì mải vui mà quên mặt trời lặn lúc nào không hay. Khi giật mình vội bay theo tìm các đàn chị, nàng làm rớt lại một chiếc guốc lật úp nằm mãi ở vùng biển Cát Bà đến tận bây giờ…
Biển đảo Cát Bà - Ảnh: HOÀNG NGUYÊN |
Ấn tượng Cát Bà
Những năm trước đây, bên cạnh số đông cư dân người Việt, trên đảo Cát Bà còn có khá nhiều người Hoa. Họ sinh sống chủ yếu ở phố Cát Bà. Sau “Sự kiện người Hoa” năm 1978, hầu hết người Hoa rời đảo ra đi. Để phân bố lại lực lượng trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và bảo vệ đảo, một bộ phận cư dân Đồ Sơn, Tiên Lãng, An Lão được bổ sung cho huyện đảo Cát Hải. Nhân dân xã Cao Minh được chuyển sang định cư ở thị trấn Cát Bà.
Trên đảo Cát Bà có các hệ sinh thái tiêu biểu như: rừng mưa ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm rong cỏ biển, hệ sinh thái hang động… Rừng nguyên sinh trên đảo có độ đa dạng sinh học cao, các nhà khoa học đã thống kê được 1.588 loài thực vật.
Hệ động vật trên cạn có 25 loài quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam 2007. Đặc biệt, loài voọc Cát Bà (Trachypithecus policephalus) được ghi vào Sách Đỏ thế giới và Sách Đỏ Việt Nam, là một trong năm loài thú linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là loài linh trưởng chỉ tồn tại duy nhất trên đảo và là biểu tượng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà.
Với sự đa dạng sinh học cao, quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới trong kỳ họp của Hội đồng quốc tế về phối hợp chương trình con người và sinh quyển, tổ chức tại Paris ngày 2/12/2004. Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Sinh vật biển thuộc vùng biển - đảo Cát Hải cũng rất phong phú, đa dạng. Vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới nằm kề bên Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Đảo Cát Bà có trên một vạn dân, chiếm hơn một phần ba dân số huyện Cát Hải với các ngành nghề phong phú, trong đó chủ yếu là nghề cá, nghề dịch vụ cho tàu cá của các tỉnh lân cận và hoạt động du lịch đã đem lại đời sống khá tốt cho người dân trên đảo. Đặc biệt là ngành du lịch - dịch vụ khá phát triển, chiếm 71,7% tổng giá trị sản xuất, riêng du lịch đã có gần 2 triệu khách/năm, trong đó có khoảng 400.000 khách quốc tế. Đặc sản của vùng biển đảo này là nước mắm Cát Hải, một sản phẩm đã thành thương hiệu nổi tiếng của đất nước.
Đến đình Làng Hoàng Châu, ta thấy trên bia của đình làng còn lưu danh tên tuổi những người đặt nền móng hiếu học của quê hương. Người dân Cát Hải, Cát Bà cũng rất tự hào về quê hương của những con người tài hoa, tiêu biểu là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
Năm 2013, dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư trên 25.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn ngân sách đối ứng. Cảng này được đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ bốc xếp đồng bộ, hiện đại, có khả năng tiếp nhận được tàu container trọng tải 100.000 tấn.
Năm 2014, lễ khởi công xây dựng cầu, đường ô tô cao tốc Tân Vũ - Lạch Huyện kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cảng nước sâu Lạch Huyện đã được tổ chức. Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 11.849 tỉ đồng. Theo thiết kế, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện có tổng chiều dài toàn tuyến là 15,63km, phần cầu vượt biển dài 5,44km, đường dẫn cầu dài 10,19km, với quy mô đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Chiều ngang đường rộng 29,5m gồm 4 làn xe chạy. Sau khi hoàn thành, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện sẽ là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và là một trong những cây cầu vượt biển lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Với những dự án phát triển hạ tầng lớn như vậy, người ta hy vọng thời gian không xa Cát Bà sẽ là một điểm đến thu hút khách du lịch và thu hút đầu tư phát triển.
Ngày nay, cùng với Bái Tử Long, Hạ Long, Cát Bà là một điểm du lịch nổi tiếng của vùng Đông Bắc nước ta với các điểm tham quan như pháo đài Thần công, hang quân y, rừng quốc gia Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển, đảo khỉ, bãi tắm tiên, làng chài… Những buổi đi thuyền ngắm cảnh đẹp của biển đảo lúc bình minh lên hoặc xem hoàng hôn xuống trên biển, càng thêm yêu một vùng non nước chúng ta.
HOÀNG NGUYÊN