Phú Yên vừa tham gia ký kết hợp tác phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nhằm hình thành các sản phẩm du lịch liên hoàn, phong phú, đa dạng, thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Đây là xu thế tất yếu để phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Hòn Nưa, địa điểm dã ngoại biển tuyệt vời, với biển xanh, cát trắng, nắng vàng - Ảnh: T.QUỚI |
MỘT VÙNG TÀI NGUYÊN RỘNG LỚN
Mới đây, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo “Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ”. Hội thảo thu hút sự tham gia của 14 tỉnh vùng Bắc - Nam Trung Bộ và lãnh đạo các tỉnh này đã ký biên bản hợp tác, liên kết phát triển du lịch vùng.
Nhiều tham luận mang đến hội thảo và ý kiến phát biểu thảo luận đều khẳng định, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, có bề dày truyền thống và nhiều di tích, danh thắng được thế giới công nhận. Một lợi thế khác là có hệ thống bờ biển chạy dài với nhiều bãi tắm, đảo nhỏ, vũng vịnh đẹp hấp dẫn du khách quốc tế khi chọn đến Việt Nam. Về góc độ quản lý, quy hoạch, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ là hai trong bảy vùng du lịch được Bộ VH-TT-DL định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là điều kiện mang tính nền tảng để các tỉnh liên kết, đầu tư hạ tầng, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chung của vùng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy kết quả phát triển du lịch trong vùng còn yếu, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Nguyên nhân là do sản phẩm du lịch vùng còn đơn điệu, thiếu sự đa dạng; đối với các tỉnh ven biển thì sản phẩm du lịch biển gần như giống nhau, thiếu tính độc đáo. Chất lượng dịch vụ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Cơ sở hạ tầng du lịch tuy từng bước được đầu tư, nhưng còn thiếu đồng bộ, chắp vá, kể cả những địa bàn trọng điểm. Giao thông vẫn chưa đáp ứng được sự di chuyển của khách du lịch…
Để khắc phục những hạn chế này, giải pháp được các đại biểu tham dự hội thảo đưa ra là các địa phương cần có sự liên kết, tạo lập không gian du lịch chung, sản phẩm du lịch liên hoàn, đa dạng phong phú, tránh cạnh tranh triệt tiêu… Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc liên kết trên lĩnh vực này chưa được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả liên kết còn thấp.
Các công ty lữ hành và du khách khu vực Tây Nguyên rất thích thú với sản phẩm du lịch biển ở Phú Yên - Ảnh: T.QUỚI |
TỨ GIÁC PHÚ YÊN - BÌNH ĐỊNH - GIA LAI - ĐẮK LẮK
Trong mối liên kết vùng rộng lớn, theo các chuyên gia du lịch, giữa các tỉnh cần xác lập những mối liên kết nhỏ, tạo sự chắc chắn và đặc trưng. Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khu vực các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thì cụm 4 tỉnh Phú Yên - Bình Định - Gia Lai - Đắk Lắk là “tứ giác” có nhiều tiềm năng và lợi thế nhất. “Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch đã khảo sát thực tế và nhận thấy đây là khu vực có nhiều lợi thế, có thể liên kết thành sản phẩm du lịch phong phú, đặc trưng, bên cạnh điều kiện vị trí địa lý và giao thông thuận tiện. Trong đó, Phú Yên được xem là tâm điểm, là điểm đến mới thu hút sự quan tâm của du khách”, ông Vũ Thế Bình nói.
Với vị trí chiến lược là cửa ngõ mới ra hướng đông để phát triển vùng Tây Nguyên, hiện tại, hệ thống giao thông nối giữa Phú Yên đến các tỉnh trong “tứ giác” trên đã cơ bản hoàn thiện với các tuyến: quốc lộ 1, 25, 29, trục ven biển phía đông, dọc miền Tây. Tương lai, tuyến đường sắt Phú Yên - Tây Nguyên qua Campuchia - Lào - Thái Lan cũng sẽđược nghiên cứu xây dựng. Thêm vào đó, hiện 4 tỉnh này đều có sân bay đủ tiêu chuẩn các máy bay loại lớn. Khách đoàn từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội chỉ cần đến một trong bốn sân bay Tuy Hòa (Phú Yên), Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định), sau đó có thể di chuyển bằng cung đường bộ khép kín đến 4 tỉnh.
Điều kiện liên kết sản phẩm du lịch ở 4 tỉnh Phú Yên - Bình Định - Gia Lai - Đắk Lắk cũng rất lý tưởng, khi kết hợp giữa hai nền văn hóa và địa lý khác nhau, bổ sung, tạo sự đa dạng, độc đáo rất cần thiết với sản phẩm du lịch “biển - rừng”. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết: “Chúng tôi rất tâm đắc về điều này. Thời gian qua, du lịch giữa các tỉnh cũng đã đặt vấn đề liên kết và đạt những kết quả nhất định. Trong điều kiện hiện nay, việc liên kết càng cần thiết để tạo những dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, đủ sức thuyết phục du khách”.
Để hiện thực ý tưởng liên kết cụm “tứ giác” này, từ giữa năm 2015, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức đoàn famtrip đến các tỉnh để khảo sát. Trước Tết Bính Thân 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã chủ trì hội nghị, trong đó có sự tham gia của lãnh đạo các sở VH-TT-DL, hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch của 4 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk để bàn các biện pháp phát triển sản phẩm du lịch của địa phương và liên kết hình thành chuỗi sản phẩm chung.
Theo ông Vũ Thế Bình, vào tháng 4 tới, dịp Hội chợ Du lịch quốc tế tại Hà Nội, du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ được công bố là điểm đến của Việt Nam năm 2016.
ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, TRƯỞNG BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Liên kết phải có động lực, dựa trên lợi thế cạnh tranh
Các tỉnh trong khu vực cần nhận thức đúng tiềm năng, lợi thế tĩnh, lợi thế động, thực trạng du lịch của cả vùng từ môi trường, sản phẩm, hạ tầng… Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng cao, phải nương tựa vào giao thông, làng nghề, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…, các ngành này phải hỗ trợ nhau cùng phát triển. Liên kết phải có động lực, dựa trên lợi thế cạnh tranh có phân bổ nguồn lực và lợi ích thu được cho các địa phương trong vùng; phải liên kết với các vùng khác và liên kết quốc tế, nhất là trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Phải có cơ chế điều phối liên kết, phân công vai trò cụ thể; Nhà nước, Trung ương và các tỉnh, thành phố làm gì; doanh nghiệp làm gì; cộng đồng, người dân tham gia gì…
(BDL) |
TRẦN QUỚI