Chủ Nhật, 24/11/2024 20:43 CH
Chung tay bảo vệ môi trường - phát triển du lịch bền vững
Chủ Nhật, 27/09/2015 08:08 SA

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa rất cao. Sự tồn tại và phát triển du lịch có tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có môi trường; sự tồn tại và phát triển của du lịch gắn liền với môi trường, du lịch chỉ phát triển tốt khi môi trường được bảo vệ.

 

Lãnh đạo Sở VH-TT-DL, Hiệp hội Du lịch Phú Yên và UBND huyện Tuy An trồng cây xanh hai bên đường xuống gành Đá Đĩa góp phần bảo vệ môi trường - phát triển du lịch - Ảnh: T.QUỚI

 

TÁC ĐỘNG CỦA DU LỊCH ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG

 

Về mặt tích cực, du lịch phát triển tác động rất lớn đến môi trường tự nhiên như: Tăng hiệu quả sử dụng đất nhờ sử dụng quỹ đất còn bỏ trống hoặc sử dụng không hiệu quả; giảm sức ép do khai thác tài nguyên quá mức, cải thiện các điều kiện về khí hậu, làm tăng mức độ đa dạng sinh học… Du lịch có thể giúp làm sạch môi trường thông qua các chương trình quy hoạch cảnh quan, thiết kế xây dựng. Đối với môi trường xã hội - nhân văn, du lịch phát triển sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu tại chỗ thông qua bán hàng và dịch vụ để thu ngoại tệ từ khách du lịch; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận cộng đồng dân cư địa phương; bảo tồn, khôi phục và nâng cao giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể…

 

Bên cạnh những mặt tích cực, du lịch cũng đem đến những tác động tiêu cực cho môi trường khi tốc độ phát triển du lịch quá nhanh trong điều kiện nhận thức của các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch hạn chế, công cụ quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế, thiếu phương tiện xử lý môi trường, thiếu kinh phí...

 

Đối với môi trường tự nhiên, du lịch làm tăng áp lực về chất thải, nước thải sinh hoạt; tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước, các nguồn nước ngầm. Tuy được coi là ngành “công nghiệp không khói”, nhưng du lịch có thể gây ô nhiễm không khí thông qua phát, xả khí thải động cơ xe máy và tàu thuyền, đặc biệt là ở các đô thị du lịch và trục giao thông chính. Các hệ sinh thái và môi trường biển đảo, các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn có thể bị biến đổi theo chiều hướng xấu đi do phát triển du lịch không hợp lý; nhiều loài sinh vật hoang dã quý hiếm bị săn bắt phục vụ nhu cầu ẩm thực, đồ lưu niệm, buôn bán mẫu vật...

 

Đối với môi trường xã hội - nhân văn, các giá trị văn hóa truyền thống của nhiều cộng đồng dân cư rất dễ bị biến đổi do thường xuyên tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới và xu hướng thị trường hóa các hoạt động văn hóa. Các di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ rất dễ bị xuống cấp khi chịu tác động của quá đông khách du lịch tới thăm. Cảnh quan môi trường dễ bị phá vỡ, người dân phải rời bỏ chỗ ở quen thuộc để tái định cư ngoài ý muốn do xây dựng các công trình, cơ sở vật chất du lịch tự phát, kiến trúc không hài hòa...

 

CHUNG TAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG DU LỊCH

 

Bảo vệ môi trường du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển du lịch mà các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, các đơn vị kinh doanh du lịch kể cả khách du lịch phải nhìn nhận đúng mới có những hành động đúng để cùng phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường du lịch.

 

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong du lịch để đề ra những chính sách quản lý môi trường du lịch phù hợp; hướng dẫn cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý rác thải; quy hoạch chi tiết các điểm, khu du lịch, đề ra các quy định, giáo dục người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh bảo vệ môi trường sinh thái ở các điểm, khu du lịch, khu di tích lịch sử, văn hóa... Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có chiến lược, chương trình hành động thực hiện đánh giá hàng năm về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân ở các vùng, tuyến, điểm du lịch làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tạo phong cách giao tiếp lịch sự với du khách, nâng cao nhận thức của người dân về tài nguyên du lịch và phát triển du lịch bền vững...

 

Chính quyền ở các địa phương thì cần tuyên truyền, giáo dục và vận động du khách và cộng đồng dân cư địa phương hưởng ứng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng, vận chuyển trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm thuộc danh mục cấm, quản lý hệ thống thu gom, tập trung chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại. Xây dựng các bảng tin, khẩu hiệu tuyên truyền, pano cổ động bảo vệ môi trường ở các nơi có di tích, lễ hội. Đảm bảo ở mỗi di tích đều có hệ thống vệ sinh từng bước đạt chuẩn. Trong quá trình thẩm định, xét duyệt các dự án, chính quyền địa phương cần chú ý tác động của dự án đến môi trường và có những giải pháp xử lý…

 

Đối với cộng đồng địa phương, là những người chủ sở hữu các nguồn tài nguyên, họ có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch. Đồng thời, họ cũng có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hoá địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường; khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành nghề thủ công truyền thống, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

 

Đơn vị du lịch lữ hành cần tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch và trên các tuyến du lịch; tích cực tham gia bảo vệ môi trường tại nơi doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch, khắc phục hậu quả do sự cố tác động đến môi trường, khuyến khích và hướng dẫn khách du lịch tự mang rác đến địa điểm tập kết theo quy định. Khách du lịch phải tuân thủ các quy định và chỉ dẫn về bảo vệ môi trường, có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, không có những hành vi làm ảnh hưởng đến cảnh quan...

 

PHẠM VĂN BẢY

Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek