Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia” do Bộ VH-TT-DL, Ban Điều phối phát triển miền Trung và UBND tỉnh Bình Thuận vừa phối hợp tổ chức đã đưa ra nhiều giải pháp liên kết vùng và xuyên quốc gia, gắn kết phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng thành các tour, điểm du lịch tầm khu vực và quốc tế.
VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC, SẢN PHẨM ĐA DẠNG
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải khẳng định: Vùng Duyên hải miền Trung (9 tỉnh/thành: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng - an ninh, là cầu nối các trục giao thông, giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang Đông - Tây, cũng như kết nối giữa khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Đây là điều kiện cần để tạo nên sự liên kết thuận lợi giữa vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên với các vùng của nước bạn Lào và Campuchia.
Ngoài vị trí chiến lược, vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên còn có năm cửa ngõ hàng không quốc tế là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Khánh Hòa và nhiều cảng hàng không nội địa, tạo ra các trục cân đối về thu hút và điều tiết các luồng khách. Không chỉ tiếp cận tốt về hàng không, ba vùng liên kết này còn có sự tiếp cận rất tốt cả về đường bộ và đường biển, có khả năng hỗ trợ nhau trong việc phân phối khách, thu hút các luồng khách.
Về sự đa dạng và đặc trưng sản phẩm du lịch, vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ mang những đặc trưng rõ nét của khu vực duyên hải, miền núi và đồng bằng. Riêng vùng Duyên hải miền Trung, các địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đa dạng, phong phú với ba di sản văn hóa được UNESCO công nhận: Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại Nhã nhạc cung đình Huế; nhiều di sản văn hóa tiêu biểu cấp quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều vịnh, bãi tắm đẹp nổi tiếng thế giới… Đây là điểm nổi bật, khác biệt với vùng đồng bằng sinh thái Đông Nam Bộ, cũng như không gian văn hóa đại ngàn của Tây Nguyên và không gian văn hóa, tài nguyên du lịch đặc thù của vùng đất Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi sâu sắc, đặc biệt là việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN sắp chính thức ra đời, Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng thì vấn đề liên kết vùng, liên kết xuyên quốc gia để phát triển du lịch là rất cần thiết. “Thế mạnh về tiềm năng du lịch vùng Duyên hải miền Trung, Đồng Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng thời mở rộng không gian du lịch với tầm nhìn dài hạn gắn kết với các tỉnh thuộc vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia sẽ tạo ra một vùng du lịch mang tính quốc tế, từng bước khẳng định điểm đến du lịch có sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch của khu vực ASEAN và thế giới”, TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung, khẳng định.
Gian hàng quảng bá du lịch Phú Yên tại một hội chợ du lịch quốc tế - Ảnh: T.QUỚI |
“BA QUỐC GIA - MỘT ĐIỂM ĐẾN”
Tại buổi hội thảo, ngoài phân tích những tiềm năng lợi thế của từng vùng, khẳng định sự cần thiết phải liên kết vùng trong phát triển du lịch, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, du lịch còn nêu những quan điểm, phương thức liên kết và đề xuất các giải pháp cụ thể trong việc hình thành các tour du lịch liên vùng mang tính quốc tế. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung, đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, so sánh trong khu vực và trên thế giới, vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên cũng như Nam Lào và Đông Bắc Campuchia đều có chung đặc điểm: đi sau và kém phát triển (trừ vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam tương đối phát triển hơn). Bởi vậy, vấn đề liên kết cần phải theo quan điểm: đi sau nhưng không đi theo, bắt chước, không sao chép mà phải dựa vào lợi thế của mình để đi khác, liên kết với nhau, tạo bứt phá để vượt lên; đồng thời định hướng vươn nhanh lên nền du lịch trình độ cao, đáp ứng các nhu cầu du lịch quốc tế đẳng cấp.
Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia và Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đánh giá cao việc liên kết phát triển du lịch liên vùng của Việt Nam với các vùng của Campuchia và Lào. “Trong sự phát triển của ngành Du lịch Lào, liên kết phát triển du lịch với Việt Nam và Campuchia luôn được coi trọng; trong đó có liên kết trên lĩnh vực đầu tư, liên kết trong xây dựng tour tuyến, sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá... Đặc biệt, du lịch Lào rất cần liên kết với những địa phương của Việt Nam và Campuchia có lợi thế về du lịch biển đảo để đa dạng hóa sản phẩm”, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Chaleune Warinthrasak phát biểu.
Với tư cách là Phó trưởng Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc đánh giá cao những kết quả thu được thông qua hội thảo. Theo đồng chí Đào Tấn Lộc, để liên kết phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung với Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia ngày càng chặt chẽ, Ban điều phối vùng cần sớm xây dựng chương trình, đánh giá sát thực trạng của từng địa phương, từng vùng, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể; đề xuất, kiến nghị với các cơ quan hữu quan Trung ương quan tâm hơn nữa đến việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ hơn; hỗ trợ nâng cấp các cảng hàng không trong vùng. Mỗi địa phương chú ý phát triển hệ thống giao thông, nhất là những vị trí có điểm du lịch hấp dẫn và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để nguồn nhân lực ngành du lịch ngày càng nâng cao về chất lượng. Bên cạnh đó, hai nước bạn Lào và Campuchia cũng chú trọng phát triển hệ thống giao thông tại các cửa khẩu đến điểm du lịch và các cơ chế liên quan, để làm “1 visa 3 điểm đến” trở thành hiện thực.
Để liên kết đạt hiệu quả, Nhà nước phải giải quyết bài toán hạ tầng, thay đổi tư duy từ điểm du lịch thành vùng du lịch. Việc liên kết phải toàn diện, cả trong xúc tiến, hợp tác thông tin, môi trường kinh doanh, trao đổi, đào tạo nguồn nhân lực… trên tinh thần “ba quốc gia - một điểm đến”.
TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung |
TRẦN QUỚI