Trong suốt 55 năm hình thành và phát triển, ngành Du lịch luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ở mỗi thời kỳ, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Du lịch luôn được xem trọng, có sự đầu tư và không ngừng phát triển.
NGÀNH KINH TẾ QUAN TRỌNG
Ngày 9/7/1960, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định 26-CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương, đánh dấu sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 9/7 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Du lịch Việt Nam. |
Từ năm 1960 đến 1975, trong điều kiện rất khó khăn của chiến tranh và qua nhiều cơ quan quản lý, Du lịch Việt Nam ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước đến giúp Việt Nam thực hiện hai nhiệm vụ là xây dựng XHCN ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan nghỉ mát của cán bộ, bộ đội và nhân dân. Từ năm 1990 đến nay, cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, ngành Du lịch đã khởi sắc, vươn lên, đạt được những thành quả quan trọng ban đầu, ngày càng tăng về quy mô và chất lượng, dần khẳng định vai trò, vị trí của mình.
Ngành Du lịch Việt Nam được Đảng và Nhà nước xác định là “một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” với mục tiêu: “Phát triển mạnh du lịch, từng bước đưa nước ta trở thành trung tâm du lịch có tầm cỡ trong khu vực”. Các cơ chế chính sách phát triển du lịch được bổ sung, tạo môi trường cho du lịch phát triển. Năm 1999, Pháp lệnh Du lịch ra đời; năm 2005 được nâng lên thành Luật Du lịch, khẳng định một lần nữa vị thế của ngành Du lịch ngay trong đường lối, chính sách và thể chế. Từ đó xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam các giai đoạn 1995-2010, 2010-2020 tầm nhìn đến năm 2030; các nghị quyết, chương trình hành động quốc gia về du lịch…
Các địa phương trong cả nước đã có sự chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí và hiệu quả của sự phát triển du lịch; quan tâm, chú trọng đến phát triển du lịch, coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế động lực, một hướng quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác của địa phương. Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động du lịch ngày càng rõ nét, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho xã hội. Thông qua du lịch, các ngành khác phát triển, mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy hoạt động thương mại và mang lại hiệu quả cao với hình thức xuất khẩu tại chỗ.
Trong 55 năm hình thành và phát triển, ngành Du lịch Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, xây dựng ngành trưởng thành, phát triển về mọi mặt. Năm 2009, Việt Nam đón trên 3,7 triệu khách quốc tế, có hơn 25 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch trong nước. Doanh thu đạt 70.000 tỉ đồng, gấp 50 lần so với năm 1990. Đến năm 2014, ngành Du lịch đã đón trên 7,8 triệu lượt khách quốc tế, 38,5 triệu lượt khách nội địa và tổng thu đạt 230.000 tỉ đồng. Dự kiến năm 2015, phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 41 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu đạt 270.000 tỉ đồng.
DU LỊCH PHÚ YÊN TỪNG BƯỚC CHUYỂN MÌNH
Tháng 7/1989, ngay sau khi tỉnh Phú Yên được tái lập, Công ty Du lịch Phú Yên được hình thành. Công ty đã đưa vào kinh doanh loại hình lưu trú và ăn uống tại các khách sạn Hương Sen, Intershop, đánh dấu bước ngoặt phát triển của ngành Du lịch Phú Yên.
Để du lịch phát triển, Tỉnh ủy (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 14/4/1995 về xây dựng và phát triển ngành Du lịch đến năm 2000, trong đó, “…coi ngành Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng đối với Phú Yên, phát triển du lịch là một hướng chuyển dịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà”. Năm 2001, Tỉnh ủy (khóa XIII) đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 15, tiếp tục ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 5/11/2001 về xây dựng và phát triển ngành Du lịch Phú Yên đến 2005 và định hướng 2010. Đến năm 2011, Tỉnh ủy Phú Yên (khóa XV) đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 03 và tiếp tục ban hành Kết luận 78-KL/TU về phát triển ngành Du lịch Phú Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu: Phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp “sạch” mang màu sắc độc đáo riêng của địa phương; phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực và cả nước; là một điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ; tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; trong đó dịch vụ du lịch đóng vai trò quan trọng.
Những năm gần đây, du lịch Phú Yên đã có bước chuyển tích cực. Một số kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch của tỉnh được đầu tư; các tuyến đường động lực ven biển từ TP Tuy Hòa đến gành Đá Đĩa, từ TP Tuy Hòa đi Bãi Môn - Vũng Rô, tuyến đường từ quốc lộ 1 - gành Đá Đĩa, đường vào Khu di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, đường từ quốc lộ 1 đến Khu di tích Nhà thờ Bác Hồ, đường lên Hải Đăng - Mũi Điện được xây dựng; Cảng hàng không Tuy Hòa được nâng cấp.
Việc bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống được chú trọng. Nhiều công trình có ý nghĩa kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611-2011) từng bước thu hút khách du lịch đến tham quan. Điển hình như di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh; Khu di tích Thành An Thổ - nơi sinh đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam; Khu di tích Tàu Không số Vũng Rô; Khu di tích Núi Nhạn - Tháp Nhạn; Khu di tích danh thắng Gành Đá Đĩa, Khu di tích danh thắng Bãi Môn - Mũi Điện; Khu di tích Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến và Nhà thờ Bác Hồ; Khu di tích Địa đạo Gò Thì Thùng; xây dựng Bảo tàng tỉnh Phú Yên…; công nhận 5 điểm du lịch địa phương, hình thành 2 tuyến du lịch địa phương.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, ban hành chính sách thu hút đầu tư có nhiều tiến bộ đã thu hút nhiều dự án du lịch có quy mô lớn. Công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được tăng cường. Nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế được tỉnh, các doanh nghiệp đăng cai tổ chức tạo được dấu ấn đối với du khách.
Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng tăng. Năm 1989, toàn tỉnh có vài khách sạn, nhà khách. Hiện nay, toàn tỉnh có 130 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với trên 2.700 buồng; trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 39 khách sạn 1 sao. Sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo đang hình thành thông qua sự kết nối của một số đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành…
Lượng khách du lịch đến Phú Yên tăng nhanh. Năm 2014, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên khoảng 755.200 lượt; trong đó khách quốc tế khoảng 77.160 lượt; doanh thu du lịch thuần túy khoảng 675 tỉ đồng. Dự kiến giai đoạn 2011-2015, lượt khách du lịch đến Phú Yên tăng bình quân 20%/năm, trong đó khách quốc tế tăng khoảng 30%/năm; thu nhập từ du lịch tăng khoảng 30%/năm.
Trong Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, khu vực vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận như gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, đầm Cù Mông, bãi biển Từ Nham… sẽ phát triển thành một khu du lịch quốc gia. Mục tiêu phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2020 là phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái sẽ phát triển đồng thời; trong đó du lịch biển đảo là mũi nhọn, du lịch văn hóa là nền tảng. Phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cấp quốc gia. Đẩy mạnh hợp tác, quảng bá, thu hút phát triển du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ. Chủ động huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng, đồng thời tạo điều kiện thu hút đầu tư một số dự án du lịch có quy mô lớn. Phối hợp xây dựng dự án quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài; thu hút đầu tư điểm du lịch khu vực Mũi Điện - Vũng Rô đạt đẳng cấp cao. Phấn đấu trong 5 năm, thu hút hơn 7 triệu lượt khách du lịch đến Phú Yên, trong đó khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế.
Hy vọng, trong thời gian tới, Du lịch Phú Yên sẽ có bước phát triển vượt bậc hơn nữa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
HỒ VĂN TIẾN
Giám đốc Sở VH-TT-DL