UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng - xã Bình Ngọc. Đây là một trong những đề án được ngành Du lịch, bà con nông dân xã Bình Ngọc cũng như du khách quan tâm. Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Trần Quang Nhất để làm rõ hơn nội dung đề án cũng như cách thức triển khai thực hiện.
* Du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, trong đó tâm điểm là làng rau Ngọc Lãng được ngành Du lịch, người dân rất quan tâm, việc UBND tỉnh phê duyệt đề án có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Quang Nhất - Ảnh: T.QUỚI |
- Phú Yên ngày càng được nhiều du khách biết đến. Tuy nhiên, một hạn chế lớn nhất của du lịch tỉnh nhà là còn quá thiếu và yếu về sản phẩm du lịch, bởi vậy việc UBND tỉnh phê duyệt đề án Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng - xã Bình Ngọc rất có ý nghĩa trong việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Đề án nhằm từng bước hình thành điểm đến, khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch và đa dạng các sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch lưu trú tại Phú Yên lâu hơn; thu hút sự quan tâm hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm du lịch từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đề án cũng hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia làm du lịch và nâng cao thu nhập từ du lịch. Quan trọng hơn là từ đây sẽ hình thành mô hình mẫu để phát triển những sản phẩm du lịch cộng đồng tương tự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Thưa đồng chí, những nội dung cơ bản nào được triển khai trong đề án này?
- Có hai nội dung chính trong đề án này. Một là hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng. Hai là đầu tư các dự án, chương trình phát triển sản phẩm du lịch.
Về hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng, cần tổ chức các tour tham quan, trải nghiệm làng rau Ngọc Lãng như “Một ngày làm nông dân làng rau”, “Homestay tại làng rau Ngọc Lãng” với thời gian thích hợp. Hình thành các dịch vụ du lịch cung cấp cho khách như thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận chuyển (cho thuê xe đạp), sản phẩm lưu niệm, đặc sản, quà tặng địa phương…
Về đầu tư các dự án, chương trình phát triển sản phẩm du lịch, tập trung vào các nội dung: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như cải tạo, làm mới đường bê tông xi măng các lối đi để du khách tham quan trên cánh đồng rau, hoa; tạo cảnh quan khu vực xung quanh xanh sạch đẹp; từng bước cải tạo hệ thống nước sạch; xây dựng nhà vệ sinh công cộng; quy hoạch xây dựng khu vực bãi đậu xe công cộng. Hỗ trợ hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất rau sạch - một phần giống, vật tư phân bón theo quy trình - hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua các chương trình xây dựng nông thôn mới, sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP.
Du khách thích thú khi tham quan làng rau Ngọc Lãng - Ảnh: T.QUỚI |
Đặc biệt chú trọng, thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ kinh phí cho một số hộ gia đình chọn làm mẫu đầu tư hình thành sản phẩm du lịch. Đầu tư nhân rộng mô hình và hình thành điểm du lịch địa phương tại làng rau Ngọc Lãng; phát triển thêm các dịch vụ hỗ trợ cho điểm du lịch tại Ngọc Lãng như quà lưu niệm, ăn uống, giải trí... đồng thời nhân rộng mô hình tại các địa phương trong tỉnh, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngoài ra, đề án cũng nhấn mạnh các nội dung như: Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng các ấn phẩm quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng. Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho nông dân, hướng dẫn viên du lịch. Khuyến khích học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động dã ngoại, ngoại khóa tại làng rau. Vận động các khách sạn, nhà hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể thu mua và sử dụng sản phẩm rau sạch tại làng rau Ngọc Lãng, nhằm ổn định thu nhập cho người dân và quảng bá sản phẩm làng rau.
Khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh trong tour “Một ngày làm nông dân ở làng rau Ngọc Lãng - Ảnh: T.QUỚI |
* Có thể thấy, đề án Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng - xã Bình Ngọc là mô hình mới tại địa phương, nội dung khá quy mô, chắc chắn người dân thôn Ngọc Lãng và địa phương khó có thể đảm đương nếu không có sự tổ chức, hỗ trợ của các cấp các ngành. Việc phân công tổ chức thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
- Theo đề án, mỗi nội dung đều có phân công các đơn vị thực hiện, đơn vị nào chủ trì, đơn vị nào phối hợp, rất cụ thể. Trong đó, UBND TP Tuy Hòa là địa phương có làng nghề đứng chân sẽ chủ động cùng với các sở: VH-TT-DL; NN-PTNT, Công thương và Hiệp hội Du lịch, Hội Nông dân, Liên minh các hợp tác xã, cơ quan báo chí cùng các sở, ngành có liên quan phối hợp thực hiện...
Về kinh phí cũng được bố trí theo từng nội dung, trong đó tập trung từ nguồn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng trong chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, ngành, TP Tuy Hòa; huy động thêm các nguồn kinh phí xã hội hóa từ các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, vốn huy động của hộ gia đình trực tiếp tham gia thực hiện, các đơn vị lữ hành…
Riêng nội dung chọn một số hộ gia đình làm mẫu đầu tư hình thành sản phẩm du lịch, sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 240 triệu đồng trong 2 năm (2015-2016) cho 4 hộ gia đình được lựa chọn đủ tiêu chuẩn để cải tạo tường rào, nhà vệ sinh, sân vườn, mái che… Mỗi hộ gia đình được chọn phải có vốn đối ứng 20 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bàn ghế, dụng cụ nhà bếp, ăn uống và một số vật dụng khác đảm bảo đủ điều kiện để phục vụ khách ăn uống; dụng cụ canh tác… Tùy theo tình hình thực tế từng hộ gia đình để quyết định nội dung hỗ trợ cho phù hợp theo hình thức: Ngân sách nhà nước 60%, hộ gia đình tham gia 40%.
* Xin cảm ơn đồng chí!
TRẦN QUỚI (thực hiện)