Chủ Nhật, 24/11/2024 22:44 CH
Phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ:
Lấy biển, đảo làm mũi nhọn
Chủ Nhật, 31/05/2015 07:34 SA

Một khu du lịch sinh thái ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ thu hút đông đảo du khách - Ảnh: P.V

Bộ VH-TT-DL vừa công bố và triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, sản phẩm chính để phát triển du lịch vùng là du lịch biển đảo. Điều này cũng phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn 2025.

 

Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, vùng duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm TP Đà Nẵng và bảy tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, có diện tích tự nhiên: 44.376,9km2.

 

PHÁT HUY THẾ MẠNH BIỂN ĐẢO

 

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có chiều dài bờ biển gần 1.200km, nơi tập trung nhiều vũng, vịnh, bãi biển dài, đẹp. Tất cả các tỉnh trong khu vực đều sở hữu không gian biển, đảo đẹp, mang đặc trưng riêng. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” chọn biển đảo làm mũi nhọn để đầu tư phát triển, tạo thành đặc trưng, thế mạnh của vùng so với cả nước.

 

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên, thời gian qua, du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã có bước phát triển, đóng góp nhất định vào sự phát triển du lịch cả nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương trong vùng. Trong đó, thứ trưởng nhấn mạnh đến yếu tố biển, đảo vừa là thế mạnh để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng vừa là yếu tố quan trọng trong nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển.

 

Mục tiêu tổng quát, quy hoạch nêu rõ: Khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển du lịch biển, đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam; phát triển các đô thị du lịch hiện đại, các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia với các cơ sở dịch vụ cao cấp. Phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế vùng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam.

 

Để đạt được mục tiêu đề ra, quy hoạch cũng xác định cần tập trung đầu tư phát triển chín khu du lịch, sáu điểm du lịch quốc gia và bốn đô thị du lịch của các tỉnh trong vùng, gồm: Khu Du lịch quốc gia bán đảo Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định), Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Bắc Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận) và Mũi Né (Bình Thuận). Sáu điểm du lịch quốc gia gồm: Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Mỹ Sơn (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Lũy (Quảng Ngãi, Bình Định), Trường Sa (Khánh Hòa) và Phú Quý (Bình Thuận). Bốn đô thị du lịch: TP Đà Nẵng, TP Hội An (Quảng Nam), TP Nha Trang (Khánh Hòa) và TP Phan Thiết (Bình Thuận).

 

Quy hoạch cũng xác định, TP Đà Nẵng sẽ là trung tâm du lịch của cả vùng và tiểu vùng du lịch phía bắc; Nha Trang (Khánh Hòa) trung tâm du lịch của tiểu vùng du lịch phía nam cùng với các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, trong đó Phan Thiết (Bình Thuận) thành trung tâm phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía nam. 

 

TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN TIỀM NĂNG

 

Trong quy hoạch cũng như nhận định của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL thì du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ phát triển tích cực, góp phần không nhỏ vào kết quả chung của toàn ngành. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch vùng chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tầm nhìn tổng thể và sự liên kết toàn vùng, thiếu ổn định, bền vững. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên nói: “Dù đã có bước phát triển và đóng góp nhất định cho ngành Du lịch cả nước, nhưng du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ vẫn còn manh mún, thiếu tính liên kết, chưa tương xứng với tiềm năng”.

 

Về yếu tố thiên nhiên, các tỉnh, thành trong vùng còn bảo tồn được các hệ sinh thái, đa dạng sinh học với các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển gắn với biển, đảo… Đây là những tài nguyên vô cùng quý cho du lịch biển đảo, sinh thái. Về vị trí địa lý, vùng duyên hải Nam Trung Bộ nằm trên hành trình tuyến du lịch xuyên Việt, đã hình thành các tuyến du lịch nổi tiếng “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, là đầu cầu và cũng là cửa ngõ ra biển Đông của hành lang du lịch Đông - Tây…

 

Tuy nhiên, khó khăn lớn của vùng chính là xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương còn thấp, đầu tư nhỏ, hiệu quả chưa cao; giữa các địa phương còn thiếu sự liên kết trong phát triển. Cùng là các tỉnh duyên hải, đều lấy biển đảo làm tiềm năng, thế mạnh nên sản phẩm du lịch có nhiều nét giống nhau, các ngành kinh tế chủ lực của các địa phương có sự trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ. Thậm chí, theo một số đại biểu, những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng đã xảy ra do các tỉnh đều ưu tiên tập trung phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế…

 

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, cách duy nhất là các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể về liên kết phát triển, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, dẫn đến thiếu bền vững, triệt tiêu thế mạnh. “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cũng là một cơ chế để các tỉnh, thành thực hiện vấn đề liên kết vùng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cần có các cơ chế ưu đãi, ưu tiên nguồn vốn xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng trong các khu, điểm du lịch quốc gia, vùng; đẩy mạnh nâng cấp hệ thống giao thông, đặc biệt các trục đường bộ liên vùng và các cảng tàu du lịch biển, mở rộng nâng cấp cảng hàng không quốc tế; tăng cường phát triển làng nghề, làng chuyên canh để kết nối sản phẩm vùng miền...

 

Mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2020, thu hút khoảng 15 triệu lượt khách, trong đó, khoảng 4,5 triệu lượt khách quốc tế; phấn đấu đến 2030 thu hút khoảng 25 triệu lượt khách, trong đó khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 70.000 tỉ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt 160.000 tỉ đồng.

 

Các hướng phát triển chủ yếu: Phát triển đồng thời thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế (thu hút mạnh thị trường Đông Bắc Á, Nga, các nước Đông Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…); phát triển du lịch (ưu tiên sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, nhóm sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa thế giới); tổ chức không gian phát triển du lịch (các tiểu vùng du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch…); đầu tư phát triển du lịch (vốn ngân sách (kể cả vốn ODA), vốn FDI, vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp và ưu tiên đầu tư chín khu du lịch quốc gia, sáu điểm du lịch quốc gia và bốn chương trình phát triển du lịch trong vùng).

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một thoáng Sơn Trà
Chủ Nhật, 24/05/2015 10:00 SA
Từ đảo Khỉ đến suối Hoa Lan
Thứ Bảy, 23/05/2015 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek