Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển đảo, thời gian qua, cán bộ chiến sĩ BĐBP Phú Yên luôn đồng hành, sát cánh với địa phương và người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển.
Cùng với đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn (CHCN), những người lính quân hàm xanh còn tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
Đại tá Đặng Phú Quốc, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy BĐBP chỉ đạo các đồn, trạm, hải đội biên phòng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình kiểm tra, kiểm soát, xuất nhập cảnh, đảm bảo chặt chẽ vềnghiệp vụ, đúng pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của BĐBP.
Bên cạnh đó, BĐBP còn chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực biên giới biển, đẩy mạnh tuyên truyền chống đánh bắt, khai thác thủy sản bất hợp pháp, không vi phạm vùng biển nước ngoài, hạn chế thấp nhất tình trạng tàu cá của ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác IUU (hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý).
TP Tuy Hòa là địa phương có số lượng tàu thuyền hoạt động đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh với hơn 400 chiếc, tập trung ở phường 6 và phường Phú Đông, chủ yếu là khai thác cá ngừ đại dương. Đây là địa phương có tuyến bờ biển nằm gần với đường cơ sở, lưu lượng tàu thuyền vận tải, đánh bắt hải sản lưu thông qua lại nhiều.
Phát huy vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển, trong thời gian qua Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND TP Tuy Hòa lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quán triệt, triển khai có hiệu quả công tác biên phòng.
Thiếu tá Trần Quốc Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuy Hòa cho biết: Công tác tuyên truyền luôn được thành phố chú trọng, trong đó lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật sát với tình hình cụ thể của từng phường, xã để bà con ngư dân nắm bắt những nội dung cơ bản, cốt lõi của Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Hiệp định về hợp tác nghề cá và các quy định khi hành nghề trên biển, đặc biệt là khu vực nhạy cảm, vùng biển cấm khai thác.
Qua đó, ngư dân nâng cao nhận thức pháp luật về chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành các quy định về hoạt động hàng hải, khai thác, đánh bắt hải sản, tự tin vươn khơi bám biển. Kết quả, nhiều năm liền, không có tàu cá của ngư dân Tuy Hòa xâm phạm vùng biển của nước ngoài.
Xã Xuân Hải (TX Sông Cầu) hiện có 306 phương tiện khai thác đánh bắt hải sản, chủ yếu là hành nghề lưới vây, lưới rê tầng mặt, lưới kéo đơn… Trong đó, công suất 90CV trở lên có 12 chiếc; từ 20-89CV có 101 chiếc. Năm 2020, bà con ngư dân xã bãi ngang ven biển giáp ranh với tỉnh Bình Định này khai thác hơn 5.100 tấn hải sản các loại, đạt 102% kế hoạch; nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là cá mú) trên diện tích 135ha với sản lượng 520 tấn, đạt 104% kế hoạch đề ra. Còn trong quý I năm nay, tổng sản lượng khai thác thủy sản hơn 1.850 tấn, đạt 33,6% kế hoạch năm.
Bà con nông dân đã thả nuôi cá mú, tôm sú, tôm thẻ… với diện tích 128,5ha, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020, sản lượng 175 tấn, đạt 31,8% kế hoạch. Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Hải Huỳnh Tấn Anh, thời gian qua, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Hòa đã có nhiều đóng góp, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm, xuất trình sổ hành trình... của chủ tàu cá cùng ngư dân trước mỗi chuyến đi biển. Cùng với thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo an toàn trước khi xuất bến, đơn vị chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biển, về an toàn hàng hải; hướng dẫn ngư dân viết cam kết không dùng thuốc nổ, hóa chất, ngư cụ bị cấm để đánh bắt, khai thác hải sản trái phép…
Ông Huỳnh Văn Mỹ ở thôn 2 (xã Xuân Hải), chủ tàu cá PY-40608TS có công suất 60CV chuyên lưới kéo đơn, cho biết: Đồn Biên phòng Xuân Hòa luôn tạo mọi điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, nhất là ở những ngư trường xa. Cũng nhờ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuyên truyền, giải thích, ngư dân đã hiểu hơn về các quy định của pháp luật và chấp hành khá tốt.
Điểm tựa vững chắc của ngư dân
BĐBP tỉnh có 3 đài trực canh chuyên phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm CHCN trên biển, đặt tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và 2 trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng (Đồn Biên phòng Tuy Hòa) và Phú Hội (Đồn Biên phòng An Hải). Thời gian thu phát hàng ngày bình thường vào lúc 15 phút đầu giờ. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc xảy ra thiên tai, thảm họa, tất cả các đài mở máy trực canh liên tục 24/24 giờ.
Bộ đội Hải quân Lữ đoàn 682 Vùng 4 Hải quân và Đồn Biên phòng Tuy Hòa tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ. Ảnh: LẠC HỒNG |
Đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ CHCN và là chỗ dựa cho ngư dân khi đánh bắt hải sản trên biển, BĐBP thường xuyên tuyên truyền, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn trên biển, coi đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”.
Ngoài chủ động thông báo cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão và áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó, không đi vào vùng nguy hiểm, các đồn, trạm, hải đội biên phòng duy trì lực lượng, phương tiện, trang thiết bị CHCN để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu. Đối với các tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ, BĐBP thường xuyên giữ liên lạc, kịp thời phối hợp với các lực lượng, kêu gọi, vận động ngư dân ứng cứu lẫn nhau khi gặp thiên tai, hoạn nạn trên biển.
Ông Đỗ Ngọc Tín, ngư dân ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa), cho biết lúc 10 giờ 40 ngày 8/3 vừa qua, tàu cá PY-99983TS do ông làm thuyền trưởng cùng 10 thuyền viên, khi đang khai thác thủy sản ở khu vực đảo Trường Sa thì gặp sự cố, vỡ đường ống van thông đáy của tàu, nước tràn vào khoang máy. Ông cùng các thuyền viên tìm mọi cách khắc phục nhưng không được nên phát tín hiệu cứu nạn.
Nhận được tin từ BĐBP Phú Yên và Vùng 4 Hải quân, tàu 475 của Hải đoàn 129 và Lữ đoàn 146 của đảo Trường Sa đã tiếp cận lúc 14 giờ 50 cùng ngày, cứu hộ, lai dắt đưa tàu bị nạn và 11 ngư dân vào âu tàu Trường Sa an toàn. “Không chỉ được đảo tổ chức sửa chữa, khắc phục sự cố, để sáng hôm sau tàu tiếp tục vươn khơi bám biển, bà con ngư dân chúng tôi còn được hỗ trợ nhu yếu phẩm và được các bác sĩ quân y thăm khám sức khỏe”, ông Tín tâm đắc.
Mặt khác, để hỗ trợ cho ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, BĐBP đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của địa phương xây dựng mô hình tổ tàu thuyền sản xuất an toàn trên biển. Với mô hình này, BĐBP thường xuyên kết nối thông tin liên lạc với ngư dân đánh bắt xa bờ để tiếp nhận, trao đổi thông tin giữa bờ và biển; ngư dân đoàn kết, tương trợ nhau trong quá trình khai thác đánh bắt hải sản, yên tâm vươn khơi bám biển và tích cực tham gia, hỗ trợ BĐBP trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cán bộ chiến sĩ BĐBP rất nhiệt tình, giải quyết thủ tục, giấy tờ để ngư dân xuất bến đi biển rất nhanh. Mỗi khi có vấn đề khúc mắc, các anh đều tham gia giải quyết, hòa giải thấu tình đạt lý. Nhờ vậy tình làng nghĩa xóm, tình quân dân ngày càng thắt chặt. Ông Nguyễn Đãi, chủ tàu cá PY-6407TS chuyên nghề lưới vây |
LẠC HỒNG