Với đội tàu gần 20 chiếc, có công suất từ 400-1.000CV, Tập đoàn đánh bắt hải sản 14 (gọi tắt là Tập đoàn 14) do anh Hà Ngọc Hiệp ở khu phố Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa làm Trưởng Tập đoàn luôn “ăn nên làm ra”, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây cũng là mô hình tiêu biểu trong thực hiện Chương trình đánh bắt hải sản xa bờ của Chính phủ.
Chương trình Đánh bắt hải sản xa bờ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện từ năm 1997. Mục tiêu của chương trình này là khuyến khích chuyển đổi từ đánh bắt hải sản thủ công, quy mô gia đình và gần bờ với việc sử dụng các tàu có công suất dưới 20CV và các kỹ thuật truyền thống sang đánh bắt hải sản chuyên nghiệp, có đầu tư nguồn vốn lớn và chuyên môn hóa trong đánh bắt các loài hải sản có giá trị gia tăng cao nhờ vào sử dụng các loại tàu công suất trên 90CV.
Liên kết để hoạt động hiệu quả
Chúng tôi có mặt tại khu vực cảng cá Phú Lạc nơi tập trung nhiều tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân TX Đông Hòa, cũng là lúc những tàu cá của Tập đoàn 14 vừa vào bờ sau hải trình đánh bắt dài ngày trên biển. Niềm vui về những chuyến ra khơi an toàn, hiệu quả hiện rõ trên nét mặt của những ngư dân dạn dày kinh nghiệm sóng nước này.
Anh Hà Ngọc Hiệp cho biết: Tập đoàn 14 manh nha thành lập từ năm 1999 theo quy định của pháp luật, có quy chế riêng và chính thức đi vào hoạt động bài bản từ 10 năm nay. Số “14” chính là tần số liên lạc của các tàu cá trong tập đoàn. Hiện tại Tập đoàn 14 có 20 tàu cá đánh bắt hải sản ở vùng khơi (xa bờ) chuyên nghề lưới vây đêm. Tàu có công suất “bé” nhất là 400CV, lớn nhất là 1.000CV. Trong số tàu đánh bắt xa bờ, có 3 chiếc “sáu bảy” được vay vốn dự án theo Nghị định 67/CP, còn lại là ngư dân tự đầu tư kinh phí để cải hoán, đóng mới.
Ngoài ngư dân Phú Lạc (Hòa Hiệp Nam), trong đó gia đình anh Hà Ngọc Hiệp tham gia với 4 chiếc, ngư dân ở các địa phương khác như Phú Thọ, Phú Thọ 1 (Hòa Hiệp Trung), An Mỹ (Tuy An)… cũng tham gia tập đoàn này.
“Các thành viên trong tập đoàn được phổ biến, nắm bắt kịp thời các chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như các thông tin pháp luật quốc tế về biển, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, dịch vụ hậu cần; sẵn sàng chia sẻ thông tin về luồng cá, giúp đỡ nhau khi gặp rủi ro, bất trắc trên biển…”, anh Hiệp cho biết thêm.
Khác với hình thức hoạt động riêng lẻ, đánh bắt theo kiểu tự phát, Tập đoàn 14 hoạt động theo sự quản lý, điều hành của Trưởng Tập đoàn. Theo đó, cứ 4-5 tàu cá thành viên hợp thành một tổ. Các tổ cũng như từng thành viên thường xuyên chia sẻ thông tin về luồng cá và sẵn sàng hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt nếu gặp sự cố.
Anh Nguyễn Văn Chúng (khu phố Phú Thọ 1, phường Hòa Hiệp Trung), thành viên của Tập đoàn 14, chủ nhân của 2 chiếc tàu cá có công suất 885CV chia sẻ: “Trước kia, đánh bắt thường vây đèn nên cá tìm tàu. Còn hiện nay thì ngược lại, tàu đi tìm cá gần như phải chạy liên tục. Với phương châm đoàn kết giúp đỡ nhau như người trong gia đình, nếu một thành viên trong tập đoàn đau ốm, tàu bị hư hại hay chìm do thời tiết, ngư cụ, máy móc hỏng hóc... thì các thành viên còn lại đều tích cực tham gia đóng góp hỗ trợ cả về vật chất, công sức để giúp đỡ, chia sẻ khó khăn”.
Theo anh Hà Ngọc Hiệp, trước đây, tàu công suất lớn trên 400CV của Phú Yên chỉ có vài chiếc nên hoạt động không hiệu quả so với nhiều tỉnh bạn. Từ sau khi có Nghị định 67/CP của Chính phủ, nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư và có điều kiện vay vốn đóng tàu thuyền công suất lớn. Ngoài đánh bắt xa bờ, Tập đoàn 14 còn tổ chức dịch vụ hậu cần, cung cấp nguyên nhiên liệu và thu mua sản phẩm từ ngoài khơi. Thời gian hoạt động đánh bắt trên biển nhờ đó cũng dài hơn và hiệu quả mang lại cũng lớn hơn.
Vì được trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại, trong đó có máy dò cá, trị giá nhiều tỉ đồng; thời gian hoạt động dài hơn trước nên sản lượng của mỗi chuyến biển cũng tăng đáng kể; thu nhập kinh tế và đời sống ngư dân ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi tàu cá trong tập đoàn thu nhập 3 tỉ đồng/năm; bạn tàu thu nhập 10-15 triệu đồng/người/tháng. Cá biệt, trong năm 2020 có tàu trúng đậm đến 240 tấn cá nục, cá ồ/chuyến, lãi hàng tỉ đồng.
Góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo
Bên cạnh việc cùng nhau đánh bắt, khai thác, hỗ trợ nhau trên biển, các tàu cá của Tập đoàn 14 cũng đóng góp một phần rất quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thượng tá Lê Văn Chiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam cho biết: Thành viên của các tổ sản xuất an toàn trên biển nói chung và Tập đoàn 14 nói riêng thường xuyên được tuyên truyền, hướng dẫn hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, chấp hành tốt nội quy, quy định khi đánh bắt trên biển.
Trong thời gian hoạt động khai thác hải sản trên biển, các tàu cá chủ động giữ thông tin liên lạc với BĐBP, chủ động thông báo diễn biến thời tiết, các vụ việc xảy ra trên biển. Là những tàu cá có công suất lớn, hoạt động ở vùng khơi trong thời gian dài nên các tàu cá này còn có nhiệm vụ “canh trời giữ biển”; vừa tiến hành các hoạt động sản xuất trên biển, vừa làm nhiệm vụ cảnh giới, phát hiện, xua đuổi và ngăn chặn sự xâm nhập trái phép của tàu thuyền nước ngoài vào khai thác hải sản trên các vùng biển của ta.
Thành viên của các tổ sản xuất an toàn trên biển nói chung và Tập đoàn 14 nói riêng thường xuyên được tuyên truyền, hướng dẫn hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, chấp hành tốt nội quy, quy định khi đánh bắt trên biển. Thượng tá Lê Văn Chiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam |
Đặc biệt là khi phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta, các tàu cá trong tập đoàn đã kịp thời truyền tín hiệu về bờ để BĐBP có phương án xử lý, đóng góp một phần rất quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Trong năm 2020, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam đã thu được 123 tin, trong đó có 73 tin có giá trị liên quan đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ công tác nghiệp vụ”, thượng tá Lê Văn Chiến cho biết thêm.
Theo ông Trà Chí Thu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Hòa Hiệp Trung, sự có mặt thường xuyên, đông đảo của các đội tàu, của ngư dân trên các vùng biển xa, thềm lục địa của Tổ quốc, không chỉ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên biển, mà còn góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ quyền và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.
Ông Thu cũng cho rằng hoạt động đánh bắt hải sản hiện nay đã có một bước tiến rất xa so với trước kia. Trước năm 2000, do thiếu vốn, tàu thuyền công suất nhỏ nên bà con ngư dân chủ yếu làm ăn đơn lẻ, đánh bắt gần bờ, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Còn hiện tại, riêng làng biển Lò Ba quê ông có đến hàng trăm chiếc tàu lớn, trong đó gần 60 chiếc công suất trên 400CV, đặc biệt có 3 chiếc tàu vỏ thép công suất trên 1.000CV mỗi chiếc.
Nhiều ngư dân trẻ tham gia, liên kết làm ăn với Tập đoàn 14. Có sức trẻ, tâm huyết với nghề cá và đội tàu công suất lớn, nên tập đoàn này hoạt động rất hiệu quả, vừa đánh bắt hải sản vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Những năm qua, nghề đánh bắt nhiều nơi vẫn khó khăn, nhưng hầu hết các chuyến biển của các thành viên thuộc Tập đoàn 14 như Hà Ngọc Hiệp, Nguyễn Văn Chúng, Trương Văn Công, Nguyễn Văn Cải, Võ Minh Hiền… đều thắng lớn.
“Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình đánh bắt xa bờ, bà con ngư dân nói chung, các thành viên, ngư dân của Tập đoàn 14 nói riêng cần được trang bị thêm những kiến thức về pháp luật và hoạt động nghề cá, như: Luật Biển Việt Nam, Nghị định 34/CP, Nghị định 67/CP của Chính phủ…
Từ đó xây dựng họ trở thành lực lượng nòng cốt, tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, gắn với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo và an ninh trật tự khu vực biên giới biển” do tỉnh phát động, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, ông Thu bày tỏ.
LẠC HỒNG