Thứ Ba, 26/11/2024 04:30 SA
Chuyên gia quốc tế tán dương phản ứng của Việt Nam ở biển Đông
Thứ Hai, 02/12/2019 16:49 CH

Quang cảnh buổi hội thảo. Nguồn: Vietnam+

Ngày 29/11, tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ, TP New Dehli, Trung tâm nghiên cứu An ninh, Đại học O.P Jindal Global đã tổ chức buổi hội thảo quốc tế với chủ đề “Biển Đông: Thách thức hiện tại và quan điểm tương lai”.

 

Tại buổi hội thảo, 14 học giả nổi tiếng đến từ các nhóm tư tưởng và những trường đại học khác nhau tại Ấn Độ đã trình bày thuyết trình, thu hút sự tham gia của hơn 50 học giả, chuyên gia, nhà báo và sinh viên.

 

Trong bài phát biểu giới thiệu, tiến sĩ Pankaj Jha, Điều phối viên buổi hội thảo khẳng định mục đích của hội thảo nhằm nêu bật diễn biến tại biển Đông và các tác động đến chính trị cường quyền, cũng như niềm tin vào trật tự hàng hải quốc tế. Ông cũng cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần lưu ý hơn về những diễn biến trên biển Đông và đưa ra những giải pháp khả thi để bảo vệ lợi ích của các nước nhỏ hơn.

 

Giáo sư Sreeram Chaulia, Hiệu trưởng Trường Quan hệ Quốc tế Jindal đã có bài phát biểu mở màn với nội dung xoay quanh chính sách hiện nay của Tổng thống Mỹ trong khi đề cập cuốn sách mới của ông mang tên “Trumped” nói về trật tự quốc tế “hậu Mỹ”, đồng thời phân tích những nguy cơ nếu Trung Quốc dẫn dắt trật tự này.

 

Ông cũng kêu gọi các học giả và chuyên gia nêu vấn đề trên trong mọi diễn đàn để làm nổi bật vấn đề và đưa ra lời cảnh báo Mỹ rằng nước này có nhiều việc phải làm hơn là tăng chi phí đóng quân tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

Ông cho rằng các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần nhận thức rõ ràng về diễn biến tình hình và triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an để nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

 

Giáo sư Sreeram Chaulia cũng nhấn mạnh việc cần thiết hoàn thiện dự thảo về Bộ quy tắc ứng xử mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước nhỏ hơn như Việt Nam. Giáo sư Brahma Challany nhấn mạnh cần lưu ý và tán dương phản ứng của Việt Nam trước những hành động của Trung Quốc tại biển Đông.

 

Theo ông, mặc dù Việt Nam ít nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, song vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích tại đây của nước này vẫn không thể bị phủ nhận. Ông đánh giá rằng cộng đồng quốc tế cần hành động và cam kết hơn nữa đối với vấn đề này, để tránh phải chứng kiến việc Trung Quốc biến biển Đông thành một hồ nước trong sân nhà của Bắc Kinh.

 

Trong phiên đầu tiên của hội thảo, tiến sĩ Rajaram Panda, thành viên quản trị của Cơ quan nghiên cứu chiến lược ICWA, Bộ Ngoại giao Ấn Độ, phát biểu rằng đã đến lúc phải nghiên cứu biện pháp nhằm kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc và buộc nước này tuân thủ quy định cũng như luật lệ quốc tế.

 

Ông cho rằng cần phải nhìn nhận lại và sửa đổi Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ASEAN, mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia ký kết, để việc đe dọa, sử dụng vũ lực của bất kỳ nước nào tham gia Hiệp ước phải được coi là hành động gây hấn.

 

Theo ông, có một số vấn đề liên quan đến những tuyến đường biển chiến lược cần sự tham gia của ASEAN để giải quyết, từ đó tổ chức đa phương ASEAN có thể tăng sự liên kết với các nước thành viên.

 

Tiến sĩ Vijay Sakhuja đã có ý kiến rằng trong khi nhận thức về lĩnh vực biển và quy trình vận hành tiêu chuẩn cần được giải thích rõ ràng đối với trường hợp tại biển Đông, thách thức đặt ra là cần tạo ra nhận thức về lĩnh vực biển, bao gồm khoáng sản dưới đáy biển và các tài nguyên quý giá khác.

 

Thật không may rằng việc tranh luận về lĩnh vực trên không phải biện pháp tối ưu; Trung Quốc đang bắt đầu thăm dò và nghiên cứu tại các khu vực không tranh chấp, coi như đây thuộc lãnh thổ của mình.

 

Oliver Gonsalves đến từ NMF, một trung tâm nghiên cứu chiến lược hải quân Ấn Độ cho biết không ít hoạt động thăm dò dầu khí và nghiên cứu hợp pháp đã bị cản trở bởi hải quân Trung Quốc; nhiều nước đã rút khỏi vùng EEZ của các nước tham gia tranh chấp lãnh thổ, trừ Trung Quốc.

 

Việc Trung Quốc muốn kiểm soát đối với các tuyến đường biển chiến lược đã tác động đến thương mại quốc tế, môi trường sống của sinh vật biển cũng như hoạt động đánh bắt cá.

 

Tiến sĩ Faisal Ahmad đánh giá trong các hoạt động của Trung Quốc còn tồn tại những khía cạnh kinh tế, đồng thời đề xuất rằng các nước ven biển và đối tác cần tham gia vào việc thăm dò chung, chia sẻ kiến thức và xây dựng lực lượng tại khu vực này. Hơn nữa, sản lượng đánh bắt tại biển Đông chiếm khoảng 12% sản lượng toàn cầu, nhưng có thể bị suy giảm do thiệt hại của các rạn san hô bởi hoạt động xây dựng và bồi đắp đảo nhân tạo. Hệ sinh thái biển dần trở nên mong manh, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng và đáng lo ngại.

 

Tiến sĩ cũng đánh giá cao quan điểm của Việt Nam đối với diễn biến tình hình tại biển Đông, việc Trung Quốc triển khai tàu nhằm khảo sát địa chấn cùng nhiều tàu hộ tống vũ trang kéo dài nhiều tháng vào khu vực Bãi Tư Chính - Vũng Mây và việc Trung Quốc có những hành động gây hấn với hoạt động dầu khí lâu dài của Việt Nam tại Bãi Nam Côn Sơn từ tháng 6 đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 

Các vụ việc trên và những diễn biến khác đã nói lên tầm quan trọng trong kiểm soát và giải quyết căng thẳng trên biển Đông đối với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần hết sức chú ý hoạt động của Trung Quốc.

 

Chủ trì phiên thứ hai, tiến sĩ Vinod Anand, Giám đốc nghiên cứu Quỹ quốc tế Vivekananda đánh giá nghị quyết về biển Đông là rất quan trọng đối với sự an toàn và an ninh thương mại hàng hải, đồng thời cảnh báo tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng đáng báo động nếu không được giải quyết dựa trên thông lệ quốc tế.

 

Đại úy, tiến sĩ Sarabjeet Parmar, Giám đốc điều hành NMF đưa ra ý kiến rằng biển Đông là mô hình cho một số nghiên cứu xung quanh động cơ quyền lực xoay vòng, trật tự dựa trên quy tắc, chủ quyền của các đảo, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế.

 

Phán quyết của tòa đối với vụ kiện Philippines - Trung Quốc có thể coi là một bước ngoặt, song không may phán quyết này không thể được thực hiện do UNCLOS có hiệu lực trên nguyên tắc được công nhận toàn cầu. Ông cũng nêu bật và phân tích các vấn đề quan trọng về nguyên nhân chủ quyền, luật pháp quốc tế và những khía cạnh khác liên quan biển Đông.

 

Bà Sana Hashmi, cựu cố vấn của MEA cho biết trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực tăng cường tiềm lực hải quân trong khu vực, và mục đích chủ yếu đằng sau sự bành trướng này là nhằm củng cố các yêu sách chủ quyền trên biển Đông. Các yêu sách của Trung Quốc đều dựa trên những chứng cứ lịch sử không rõ ràng, đồng thời đang bị nhiều quốc gia trong khu vực phản đối. Tính đến nay, một số nước tham gia tranh chấp đã duy trì quan điểm không khoan nhượng.

 

Tiến sĩ Udai Bhanu đánh giá các cường quốc có cách phản ứng khác nhau trước diễn biến tình hình trên biển Đông. Theo một nghiên cứu của Chatham House, lãnh đạo các nước Úc, Ấn Độ, Nhật Bản không có chung cách nhìn nhận về Trung Quốc song đều đồng ý rằng Trung Quốc phải được kiểm soát. Cả Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đều không muốn quan hệ nước mình với Trung Quốc là “zero-sum game” (trò chơi có tổng bằng không).

 

Tuy không liên quan đến sự xung đột các yêu sách chủ quyền trên biển Đông cũng như không phê chuẩn UNCLOS, Mỹ khuyến khích tất cả các nước duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm luật biển theo Công ước về Luật Biển, không cản trở thương mại hợp pháp, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.

 

Tiến sĩ Võ Xuân Vinh đến từ Việt Nam nhận định Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2012 đã không thể đưa ra thông cáo báo chí do bất đồng liên quan tranh chấp tại biển Đông. Sau khi có những tuyên bố riêng rẽ về diễn biến tình hình trên biển Đông trước việc Trung Quốc đưa dàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi năm 2014, tinh thần hợp tác của ASEAN tiếp tục đi xuống.

 

Mặc dù đã cố gắng thể hiện tinh thần của tổ chức, gần đây các cụm từ như “một số nhà lãnh đạo”, “một số Bộ trưởng” đã xuất hiện trong Tuyên bố Chủ tịch và Tuyên bố chung thay cho các cụm từ “lãnh đạo”, “Bộ trưởng” như trước đây.

 

Tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cách tiếp cận của Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN. Như vậy, việc ASEAN và Trung Quốc đạt được một COC có tính ràng buộc về mặt pháp lý vào năm 2021 là rất khó.

 

Chủ trì phiên cuối cùng của hội thảo, ông Jyoti Mankotia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến tranh trên mặt đất (CKLAWS), một trung tâm nghiên cứu chiến lược của quân đội Ấn Độ, đã nhấn mạnh rằng cần phải tìm kiếm các giải pháp khả thi cho vấn đề này và cộng đồng quốc tế sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ liên quan trật tự hàng hải trong khu vực.

 

Tướng Shashi Asthana cho rằng mặc dù QUAD vẫn thường được đề cập trong vòng tròn chiến lược, song biển Đông lại là sân khấu tiềm năng mà nhóm QUAD có thể khám phá nhiều lợi ích. Có thể thực nghiệm điều này thông qua tập trận Group Sail; hoạt động giám sát và thực thi trật tự bằng phương tiện quân sự.

 

Có nhiều khả năng tình hình sẽ nóng lên nhưng các thành viên QUAD sẽ phải “kích hoạt” vị thế quốc tế của mình và buộc Trung Quốc tuân thủ trật tự hàng hải quốc tế. Rudroneel Ghosh, trợ lý biên tập viên tờ Thời báo Ấn Độ cho rằng biển Đông đang là tâm điểm truyền thông những năm gần đây do các hoạt động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.

 

Bắc Kinh đã xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa một số đảo trong số đó để củng cố các yêu sách chủ quyền trên toàn bộ khu vực biển Đông, mặc dù tuyên bố chủ quyền theo bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực bác bỏ hồi năm 2016 trong vụ kiện của Philippines.

 

Ông Ghosh cũng cảnh báo rằng hiện đang có xu hướng nhìn nhận vấn đề biển Đông qua lăng kính của Trung Quốc. Việc này có thể phản tác dụng trong duy trì sự chú ý của truyền thông quốc tế đối với biển Đông, điều cần thiết để phát triển một kiến trúc dựa trên sự đồng thuận theo luật pháp quốc tế.

 

Tiến sĩ Sripathi Narayanan đánh giá Con đường tơ lụa trên biển (MSR) hay khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều tượng trưng cho sự dịch chuyển trọng tâm toàn cầu từ châu Âu sang châu Á. Cuộc cạnh tranh rộng khắp này không chỉ giới hạn lĩnh vực trong bá quyền và quyền lực chính trị mà còn cả đưa ra các diễn thuyết về trật tự thế giới.

 

Trong khi MSR, một tập con của BRI, mang ý đồ chính trị hàm ý qua các dự án cơ sở hạ tầng thì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngược lại, chưa định hình quan điểm chính trị dưới bất kỳ hình thức nào.

 

Trong bài phát biểu kết thúc, tiến sĩ Pankaj Jha nhấn mạnh Trung Quốc đã áp dụng lập trường quyết đoán và chiến thuật răn đe với các sáng kiến thăm dò dầu khí của Ấn Độ và trước đây, tàu hải quân Ấn Độ đã bị đe doạ bằng tin nhắn radio.

 

Biển Đông, eo biển Sunda, Lombok và Makassar là khu vực mà Ấn Độ có lợi ích hàng hải thứ hai, nhưng hành động của Trung Quốc nhằm biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp sẽ trở thành vấn đề của Ấn Độ.

 

Ấn Độ cũng phải đưa ra sự lựa chọn chiến lược nhằm hạn chế hành động bành trướng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương. Ông khẳng định rằng các đối tác đối thoại chính thức cần thảo luận về vấn đề này, bao gồm cả ASEAN. Các báo cáo viên của hội thảo đã trình bày những nghiên cứu và báo cáo tóm tắt bài thuyết trình.

 

Theo Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek