Trong hai ngày 6 và 7/11, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.
Tham dự hội thảo có 280 đại biểu, trong đó có 87 học giả quốc tế, 68 đại biểu từ 36 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, hơn 100 học giả, đại biểu Việt Nam. Bên lề hội thảo, nhiều chuyên gia, học giả đã nêu ý kiến về tình hình biển Đông hiện nay và những giải pháp góp phần thúc đẩy hợp tác an ninh và phát triển trong khu vực.
Biển Đông là vấn đề lâu dài
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế, đánh giá tại Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ nhất năm 2009 các chuyên gia đã đưa ra "4 hóa": "Quốc tế hóa, phi nhạy cảm hóa, công khai hóa, xã hội hóa".
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng hiện cần phải có thêm “nuôi dưỡng hóa”, nghĩa là phải nuôi dưỡng vấn đề biển Đông để làm cho "4 hóa" được duy trì bằng cách vận dụng sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhận định Biển Đông là vấn đề lâu dài. Trung Quốc xung đột với nhiều nước về vấn đề biển Đông.
Việt Nam vừa có biên giới trên bộ, vừa có biên giới trên biển với Trung Quốc nên ở vào thế đặc biệt nhạy cảm trong quan hệ với nước này. Do đó, Việt Nam cần có hướng xử lý khôn khéo, phù hợp với thực trạng quan hệ quốc tế hiện nay, đồng thời phải phù hợp với truyền thống 1.000 năm quan hệ Việt - Trung.
"Chúng ta chỉ nói tới hiện đại thì chưa đủ mà phải nói rằng Việt Nam đang xử lý vấn đề phù hợp với truyền thống của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc", tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nói.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, năm 2020, với việc Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam phải làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của các vai trò này. Ví dụ, khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam phải đảm bảo tính khách quan của những chương trình nghị sự ASEAN.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể có đạt được những ủng hộ nhất định khi xảy ra xung đột trên biển Đông.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho biết thêm, một số học giả về biển Đông dự báo, trong năm 2020, Trung Quốc sẽ tránh gây hấn để không đưa biển Đông trở thành vấn đề của năm ASEAN 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch.
Việt Nam cần lên tiếng mạnh mẽ
Đánh giá về những đề tài nghiên cứu, bài viết xuyên tạc bản chất của vấn đề biển Đông, thạc sĩ Hoàng Việt (Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm một số học giả ở các trường đại học lớn trên thế giới có thể cắt xén và chuyển đổi sai lệch sự việc trong bài viết của mình để biện minh cho những quan điểm của họ.
Sau này, các học giả khác chỉ dựa vào những nguồn tài liệu này và không có điều kiện kiểm chứng được các tài liệu gốc của Trung Quốc. Vô hình trung, họ đang ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong một thời gian dài từ những năm 50 của thế kỷ XX đến nay.
Ngoài ra, Trung Quốc có một chính sách hỗ trợ tài chính rõ ràng cho nghiên cứu sinh hoặc sinh viên cao học nghiên cứu về biển Đông.
Nếu những nghiên cứu sinh hoặc sinh viên cao học này học ở những trường đại học danh tiếng của Mỹ, Anh, các nước phương Tây, họ sẽ có một giáo sư hướng dẫn và được đăng bài viết theo quan điểm của Trung Quốc trên tạp chí quốc tế chứ không phải là quan điểm khoa học khách quan.
Ngoài ra, rất nhiều báo chí Trung Quốc, tạp chí khoa học trên thế giới có những bài báo không liên quan đến "đường lưỡi bò" nhưng vẫn lồng ghép vào. Điều này cho thấy Trung Quốc có chiến lược rất rõ ràng, xuyên suốt, nhất quán, tập trung và rất bài bản đối với vấn đề biển Đông.
Đánh giá tình trạng hiện nay, khi yêu sách về "đường lưỡi bò" của Trung Quốc có mặt trên tất cả các sản phẩm văn hóa, thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc tìm mọi cách để đưa nội dung này vào các lĩnh vực, từ bản đồ, quả địa cầu, bản đồ trên Google map hoặc trên mạng Nature, xuất hiện trên trang web của Hội địa lý của Hoa Kỳ hoặc hộ chiếu của công dân Trung Quốc và gần đây là trên xe ôtô, phim hoạt hình...
Thạc sĩ Hoàng Việt khẳng định Trung Quốc sẽ ngày càng có nhiều cách để đưa quan điểm về biển Đông của họ vào các lĩnh vực.
Nếu Việt Nam muốn các quốc gia khác lên tiếng ủng hộ vấn đề biển Đông thì bản thân Việt Nam cũng cần phải lên tiếng một cách mạnh mẽ và công bố những thông tin cần thiết cho quốc tế.
Thạc sĩ Hoàng Việt cũng đưa ra dự báo, Trung Quốc đã rút tàu Hải Dương 8 và nhóm tàu đi theo nhưng thời gian tới, hành động này sẽ còn lặp lại ở mức độ gay gắt hơn bởi Trung Quốc chưa bao giờ ngừng tham vọng và hành động của họ ở biển Đông chưa bị ngăn trở nhiều.
Thạc sĩ Hoàng Việt cũng chỉ ra những mục tiêu cụ thể của Trung Quốc với vấn đề biển Đông, đó là thách thức luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) đối với vụ kiện Trung Quốc về yêu sách lịch sử của "đường lưỡi bò", đồng thời thể hiện quan điểm cho rằng sức mạnh của Trung Quốc mới là quan trọng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thách thức trật tự của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Các quốc gia đưa ra những quy tắc hoạt động cũng như những quyền của các quốc gia ven biển nhưng Trung Quốc thách thức điều này. Trung Quốc cũng muốn nhắn gửi tới các quốc gia khác là khu vực này là bất khả xâm phạm của Trung Quốc.
Đánh giá về hiệu quả của hội thảo, thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Hội thảo tạo nên hiệu ứng tích cực từ kênh của các học giả; đồng thời tăng cường sự hiểu biết về biển Đông, kết nối các nhà khoa học trên thế giới...
Mở rộng hợp tác
Giáo sư Danh dự Học viện Quốc phòng Úc Carl Thayer cho biết khu vực biển Đông giờ đây là mối quan tâm của không chỉ các quốc gia trong khu vực mà còn của các quốc gia khác.
Việc mời diễn giả đến từ nhiều quốc gia tại những châu lục khác nhau dự hội thảo này cho thấy, Việt Nam muốn đưa ra một cái nhìn quốc tế hơn về biển Đông, không phải chỉ là cái nhìn của Việt Nam hay Trung Quốc trong vấn đề này. Điều này giúp dư luận quốc tế nhìn nhận khách quan về biển Đông.
Về "đường lưỡi bò", giáo sư Carl Thayer nêu quan điểm Trung Quốc đang cố tình thúc đẩy yêu sách “đường lưỡi bò” khi ngang nhiên tuyên bố đây là khu vực có các nguồn tài nguyên của Trung Quốc bị các nước khác cướp mất.
Trung Quốc muốn trở thành cường quốc mới nổi tại khu vực châu Á và biển Đông chính là trung tâm trong tham vọng này. Việc độc chiếm được biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc không chỉ về địa chính trị mà còn về nguồn dầu khí dồi dào tại đây. Giáo sư Carl Thayer cho rằng Việt Nam cần nỗ lực trong việc tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, cùng với đó là những hoạt động tích cực như hội thảo này.
Mỗi diễn giả, học giả sẽ là một sứ giả mang thông điệp về biển Đông đến với các quốc gia của họ. Việt Nam cần tận dụng cơ hội khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, trở thành người dẫn đầu nhằm lên tiếng trước những động thái không phù hợp của Trung Quốc tại biển Đông.
Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng đối với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, các mối quan hệ song phương đa phương hòa hữu. Việt Nam đang tận dụng tốt những thế mạnh này và cần có sự hài hòa trong chiến lược với các nước lớn.
Cùng chung quan điểm với giáo sư Carl Thayer, ông Greg Polling, Giám đốc Cơ quan sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI, Mỹ) cho rằng với việc ra yêu sách “đường 9 đoạn”, Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á tham gia các dự án dầu khí ở biển Đông, ngoại trừ các dự án với Trung Quốc.
Thông qua hành động này, Trung Quốc muốn truyền đi thông điệp với các nước trong khu vực rằng việc không tham gia các dự án với Trung Quốc sẽ khiến các nước gặp nhiều rủi ro và tốn kém không đáng có. Các nước sẽ chỉ có hai lựa chọn: một là ngừng việc thăm dò, khai thác dầu khí, hai là phải chấp nhận làm ăn với Trung Quốc.
Trung Quốc cũng cử thêm ngày càng nhiều các tàu của nước này tới khu vực Biển Đông và có nhiều hành vi hung hăng nhằm vào tàu và ngư dân các nước khác. Ông Greg Polling cho rằng đó không thể là hành vi của một quốc gia mong muốn hợp tác làm ăn với các nước khác trong khu vực. Trung Quốc đang tìm cách ép các nước khác phải làm theo những gì họ muốn.
Để đối phó với những hành động gây hấn từ phía Trung Quốc tại biển Đông, Tiến sĩ Tomotaka Shoji, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Quốc phòng (Bộ Quốc phòng Nhật Bản), khẳng định việc tuân thủ pháp luật cần phải được giám sát chặt chẽ không chỉ ở biển Đông mà còn ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Các nước trên thế giới cần đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực cũng như cần khuyến khích việc giải quyết các bất đồng và tranh chấp ở biển Đông và các vùng biển quốc tế dựa trên các quy định của UNCLOS 1982 để đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển.
Bên cạnh đó giáo sư Luật Hàng hải quốc tế James Kraska (Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng các nước trong khu vực cần thảo luận để dẹp bỏ những bất đồng, đi đến thống nhất về vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông; đồng thời cần mở rộng giao lưu, hợp tác về thương mại, ngoại giao và quân sự với các nước trên thế giới… để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong việc phản đối những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong thời gian qua.
Theo TTXVN/Vietnam+