Ở thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn hay ở bất cứ nơi nào của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), đời sống tâm linh của người dân luôn được chú trọng cùng với đời sống vật chất. Đặc biệt, ở nơi ngàn trùng sóng xô này, hàng ngày tiếng chuông chùa vẫn ngân nga và vang xa chẳng khác gì ở một làng quê yên bình trên đất liền của đất nước Việt thân yêu.
Trong chuyến hải trình trên con tàu HQ-571 đến với huyện đảo Trường Sa vừa qua, có hai vị khách rất đặc biệt. Đó là hai nhà sư: đại đức Thích Nhuận Đạt và đại đức Thích Đạo Niệm đều thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa. Thời gian trên tàu, tranh thủ những giờ phút biển yên sóng lặng, tôi “bắt chuyện” với hai nhà sư này và được biết, đại đức Thích Nhuận Đạt trước đây ở chùa Bảo Lâm (huyện Vạn Ninh), hiện trụ trì ở chùa Song Tử Tây, sau thời gian “về phép” nay trở lại đảo; còn đại đức Thích Đạo Niệm ở chùa Viên Ngộ (huyện Ninh Hòa) lần đầu tiên đi làm nhiệm vụ phật sự ở Trường Sa.
Chỗ dựa tinh thần của người dân huyện đảo
Hàng năm, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đều “bổ nhiệm” các chư tăng, phật tử ra các chùa ở huyện đảo Trường Sa làm nhiệm vụ phật sự. Mỗi nhiệm kỳ là một năm. Tuy nhiên, nhiều chư tăng sau khi ra Trường Sa đã xem đây như một cơ duyên và thành tâm phát nguyện tiếp tục lưu lại huyện đảo để làm phật sự. Đại đức Thích Nhuận Đạt là một trong số đó. Nhà sư này là đệ tử của Hòa thượng Thích Ngộ Tịnh, viện chủ chùa Viên Ngộ (thôn Ninh Ích, xã Ninh An, TX Ninh Hòa).
Sau khi hoàn thành chương trình tu học tại Trường trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng, tháng 9/2003 đại đức chính thức nhận nhiệm vụ trụ trì tại chùa Song Tử Tây, cùng tên với hòn đảo. “Ngày qua tháng lại, ngót nghét vậy mà đã 15 năm rồi, một khoảng thời gian gần đủ để một đứa trẻ sơ sinh trở thành một công dân thực thụ. Trường Sa nói chung, Song Tử Tây nói riêng từ lâu đã là quê hương, là máu thịt của tôi rồi”, đại đức Thích Nhuận Đạt trải lòng mình.
Song Tử Tây là ngôi chùa lớn nhất hiện nay ở Trường Sa, được xây dựng theo phong cách truyền thống, với tam quan hai tầng, tám mái; chính điện ba gian, hai chái; tả hữu vu; hệ thống sân vườn… Không gian của chùa khá rộng so với diện tích của đảo. Sau nhiều ngày thầy “nghỉ phép” về đất liền trở lại chùa, bọn trẻ con cứ quấn quýt lấy thầy Đạt không rời nửa bước, đòi kể chuyện xưa, chuyện nay cho chúng nghe. Thầy cũng nhớ đảo và nhớ bọn trẻ nhiều nên kể cho chúng nghe hết chuyện nọ đến chuyện kia.
Với điều kiện như ở trên đảo, đại đức Thích Nhuận Đạt khó có điều kiện giúp phật tử về vật chất nhưng bản thân thầy là một chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trên đảo. Bọn trẻ con ngoài giờ đến trường, đến lớp, thường hay đến chùa bầu bạn với thầy.
Cô bé 9 tuổi Nguyễn Trương Quỳnh Như, công dân của đảo Song Tử Tây thổ lộ: “Những ngày thầy về đất liền, chúng con rất nhớ. Thầy rất hiền, vui tính và kể chuyện cổ tích rất hay, chúng con rất thích”. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng nhắc đến và dành cho thầy Đạt những tình cảm thân thương, trìu mến. “Thường ngày, ngoài giờ kinh kệ, ngồi thiền…, thầy hay đá bóng, đá cầu với anh em ở đảo. Thỉnh thoảng thầy gọi tôi và một số anh em lên chùa ăn sáng, thụ lộc…”, anh Tống Văn Tùng, cán bộ hậu cần đảo Song Tử Tây kể.
Trước đây, khi mới nhận nhiệm vụ phật sự ở đảo, mọi thứ đều thiếu thốn; chiều chiều, thầy ra khoảng đất trống trước sân chùa tịnh tâm, cầu nguyện xây dựng Quan Âm các và lầu chuông để thanh âm của tiếng chuông chùa được lan tỏa; xua tan đi tất cả những mặc cảm, phiền muộn của cuộc đời, để mọi người nhích lại gần với nhau hơn trên lộ trình “pháp giới đồng nhất thể”.
Còn bây giờ, chùa Song Tử Tây đã được trùng tu ngày một hoàn thiện. Tháp chuông được xây và Đại Hồng Chung đã được khánh thành vào đầu xuân Mậu Tuất 2018. Mỗi khi tiếng chuông được gióng lên, không gian trên đảo càng trở nên rộng lớn, yên bình. “Chuông là một pháp khí quan trọng trong chốn thiền môn. Tiếng chuông gợi mở tâm hồn trong sáng của tất cả chúng ta. Tiếng chuông giúp chúng ta trở về với chân tâm Phật tính của chính mình, xóa tan đi bao khổ đau, phiền não của kiếp người, hướng về sự giác ngộ giải thoát. Ngoài ra, tiếng chuông còn giúp những âm hồn nơi địa phủ thoát khỏi những cảnh khổ, cực hình mà siêu thoát về những cảnh giới an lành; tiếng chuông nguyện cầu các chiến sĩ trận vong siêu thoát nhẹ nhàng”, đại đức Thích Nhuận Đạt nói về tiếng chuông chùa sau khi thỉnh 108 tiếng.
Đại đức Thích Nhuận Đạt cùng các công dân nhí đảo Song Tử Tây - Ảnh: XUÂN HIẾU |
“Cột mốc tâm linh” khẳng định chủ quyền của Tổ quốc
Cũng như đại đức Thích Nhuận Đạt, đại đức Thích Tâm Tri, trụ trì chùa Nam Huyên (đảo Nam Yết) là một trong những nhà sư thành tâm phát nguyện làm nhiệm vụ phật sự nhiều năm trên đảo. Nhà sư sinh năm 1984 này quê Sông Cầu, gia đình hiện ở khu phố Dân Phước, phường Xuân Thành. “Đây là một cơ duyên khi không hẹn mà được gặp đồng hương ở nơi ngàn trùng xa này”, thầy Tri nói vậy khi biết tôi là người xứ Nẫu. Rồi nhà sư kể, 15 năm trước, cũng vì “cơ duyên” thầy đã xuống tóc quy y cửa Phật, làm đệ tử của sư phụ trụ trì chùa Tòng Lâm Lô Sơn (Diên Khánh, Khánh Hòa). Được thọ giới đại đức năm 2014 và năm 2015, cùng với chín nhà sư khác, thầy Thích Tâm Tri được “bổ nhiệm” trụ trì chùa Nam Huyên cho đến nay với mức “lương” 8 triệu đồng/tháng. Theo đại đức Thích Tâm Tri, ở đất liền sư trụ trì có đệ tử giúp việc, đỡ đần, còn ở đảo mọi thứ đều phải tự túc, tự lo. Khó khăn nhất là làm thế nào để bảo đảm đủ rau củ quả dùng hàng ngày. Bởi có khi chỉ qua một đêm, toàn bộ vườn rau chăm như chăm trẻ đã bị gió lớn xóa sạch; để gây dựng lại phải mất cả tháng. “Đảo tuy ít dân nhưng công việc phật sự vẫn được tiến hành thường xuyên. Ngày rằm và đầu tháng mọi người đều đến chùa thắp hương hành lễ Phật. Còn mỗi ngày cứ 6 giờ 30 là “đi chuông”; 7 giờ tụng kinh, trì chú, niệm phật. Ngày thường, cán bộ chiến sĩ trên đảo và người dân cũng thường hay đến chùa thắp hương, vãn cảnh… Và đã thành lệ, các đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo bao giờ cũng đến chùa dâng hương lễ Phật, cầu mong quốc thái dân an”, đại đức Thích Tâm Tri cho biết thêm.
Đã hơn “ba nhiệm kỳ” làm công việc phật sự ở đảo Nam Yết nhưng đại đức Thích Tâm Tri vẫn chưa có ý định về lại đất liền.“Đức Phật từ bi, bác ái, vô biên. Ở đâu có đời sống con người là ở đó có Phật. Tôi muốn được gắn bó với Nam Yết, với Trường Sa để được cùng các chiến sĩ, bà con trên đảo trông coi, nhang khói thờ phụng Đức Phật… Theo tôi, được đến Trường Sa là niềm hạnh phúc đối với bất cứ công dân Việt nào. Được thờ phụng Đức Phật tại một ngôi chùa ở Trường Sa càng là niềm hạnh phúc của bất cứ phật tử nào…”, đại đức Thích Tâm Tri chia sẻ.
Theo nhà sư người Phú Yên này, từ hàng trăm năm trước, trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã có những ngôi chùa, am, miếu thờ do ngư dân người Việt dựng lên để cầu trời, khấn phật phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm, cá. Đây là những cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau này, theo nhu cầu tâm linh và tín ngưỡng ngày càng cao phù hợp với đạo lý của dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức trùng tu, tôn tạo để có được những ngôi chùa bề thế như ngày nay.
Đã từng đến Thiên Mụ (Huế), Bái Đính (Ninh Bình), Côn Sơn (Hải Dương)…, đi qua nhiều vùng đất linh thiêng ở khắp mọi miền đất nước, nghe nhiều tiếng chuông chùa nhưng chưa bao giờ tôi xúc động như khi được nghe tiếng chuông chùa vang lên ở giữa trùng khơi nơi quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Giữa tiếng sóng biển rì rào, tiếng chuông chùa ngân dài trong không gian bao la tạo nên một cảm giác lâng lâng khó tả, ngỡ như hồn thiêng núi sông vọng về, là lời nhắc nhở hướng về cội nguồn dân tộc. Trường Sa thật gần và thật bình yên.
Điểm chung của các chùa trên quần đảo Trường Sa là đều hướng về thủ đô Hà Nội, được xây dựng theo phong cách truyền thống Việt, với số gian lẻ, mái cong, có đầu đao, sử dụng nhiều loại gỗ quý, chịu được độ mặn của nước biển… Những dòng chữ trên các câu đối, hoành phi đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Ngoài chức năng thờ Phật, trong khuôn viên các chùa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ - những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… Những ngôi chùa này không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng truyền thống của cư dân trên quần đảo Trường Sa, mà còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo từ xa xưa, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc từ bao đời nay. |
XUÂN HIẾU