Khi nói đến lính đảo Trường Sa, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những chiến sĩ Hải quân luôn vững vàng trong phong ba, bão tố, ngày đêm chắc tay súng bên cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng bảo vệ Trường Sa ngày nay, còn có những chiến sĩ của các quân, binh chủng khác, trong đó có Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ).
Không để Tổ quốc bị bất ngờ từ trên không
“Nhiệm vụ của chúng tôi - những người lính PK-KQ trên quần đảo Trường Sa là theo dõi, quan sát bầu trời, kịp thời phát hiện các vật thể bay trong mọi điều kiện thời tiết, ngày cũng như đêm, không để Tổ quốc bị bất ngờ với các tình huống trên không”, đại úy Cao Tiến Dinh, Trạm trưởng Trạm Ra đa 21 (đảo Song Tử Tây) thuộc Sư đoàn PK 377 cho biết. Người sĩ quan chỉ huy quê Nghệ An sinh năm 1985 này từng có một thời gian dài công tác tại Trạm Ra đa 68 (Sân bay Tuy Hòa), hiện có gia đình (vợ và hai con nhỏ) sinh sống tại TP Tuy Hòa. Tôi tình cờ và may mắn được gặp anh trong chuyến ra thăm Trường Sa mới đây. Tuy lần đầu gặp nhau nhưng qua “sợi dây” đồng hương Phú Yên, chúng tôi đều cảm nhận như đã thân quen từ thuở nào. Ngồi dưới tán cây bàng vuông bên cạnh cột mốc chủ quyền của Tổ quốc, tôi nghe anh kể về đời lính, về đơn vị, quân chủng của mình. Trong khi đó, ở phía đông góc đảo Song Tử Tây, nơi có “quả bóng” khổng lồ, các chiến sĩ của Trạm Ra đa 21 đang tập trung giám sát không phận. Người đứng trên đài hướng mắt nhìn thẳng lên bầu trời. Người đang chăm chú theo dõi trên màn hình. Dàn ăngten chầm chậm quay đều...
Theo đại úy Cao Tiến Dinh, ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, những người lính ra đa của Quân chủng PK-KQ đã có mặt tại Trường Sa, ngày đêm sát cánh cùng bộ đội hải quân canh giữ, bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; song cùng với hải quân, những người lính phòng không ra đa đã kiên cường bám trụ, vươn xa cánh sóng canh trời, gác biển. “Với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết quyết tâm cao, nhiều năm qua, Trạm Ra đa 21 chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không để sai sót, lọt, chậm các tình huống trên không do đơn vị quản lý; góp phần cùng quân và dân trên đảo bảo vệ sự bình yên vùng biển trời của Tổ quốc”, đại úy Cao Tiến Dinh tâm sự.
Theo chế độ, mỗi năm đơn vị cấp phép 2 lần, nhưng do đặc thù công việc là “không để Tổ quốc bị bất ngờ với các tình huống trên không” nên trạm luôn duy trì quân số theo quy định, bố trí kíp trực 24/24. Vào dịp Tết, ai cũng muốn được nghỉ phép để về sum họp với gia đình, nhưng nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển là trên hết nên có vài suất nghỉ phép, các anh thường nhường cho nhau, ưu tiên cho những người đã lâu chưa có phép hoặc gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, có việc riêng cần giải quyết. Là cán bộ chỉ huy phải gương mẫu nên Tết Mậu Tuất vừa qua, đại úy Cao Tiến Dinh ở lại đơn vị cùng vui xuân đón Tết với cán bộ chiến sĩ trong đơn vị.
Thượng úy chuyên nghiệp Cầm Bá Ân quê Thanh Hóa và cũng là con rể của Phú Yên. Với hơn 22 năm làm nhiệm vụ “canh trời”, trong đó đã 2 lần làm nhiệm vụ trên đảo, anh chia sẻ: “Tôi ra đảo nhận nhiệm vụ lần 2 vào tháng 7/2016. Những ngày tháng ở đảo là khoảng thời gian tự hào nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của mỗi người lính. Còn giờ phút đẹp nhất, ấm áp nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về. Tình đồng chí, đồng đội trong những ngày này rất thiêng liêng. Bộ đội tổ chức gói bánh chưng, làm mâm cỗ thịnh soạn và nhiều hoạt động khác như đọc thơ, bình báo tường, hái hoa dân chủ, thi hát karaoke… Đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tất cả tập trung tại phòng Hồ Chí Minh để cùng nghe Chủ tịch nước chúc Tết qua sóng truyền hình, đón nhận những phong bao lì xì từ thủ trưởng đơn vị rồi cùng hát vang những bài ca đi cùng năm tháng, thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, con người…
Ngoài việc trực canh, theo dõi mọi diễn biến lớn nhỏ diễn ra trên vùng trời trong vòng bán kính khoảng 300-400km, để bảo đảm không bị động bất ngờ, những người lính ra đa phải thường xuyên thay nhau sửa chữa máy móc, các trang thiết bị kỹ thuật. “Ở giữa biển khơi, thời tiết khắc nghiệt, hơi mặn ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và hoạt động của khí tài. Vì vậy, chúng tôi phải thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, làm tốt việc che chắn, nhất là các trục, khuỷu, ăngten, linh kiện điện tử…; chủ động phát hiện kịp thời và tự sửa chữa hỏng hóc, đảm bảo khí tài luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất. Điều này đòi hỏi, mỗi kỹ thuật viên ra đa nói riêng và cán bộ, chiến sĩ của trạm nói chung phải “đa năng” và chăm sóc khí tài, các trang thiết bị như chăm sóc con nhỏ. Đơn vị thực hiện giờ kỹ thuật, ngày kỹ thuật và Cuộc vận động 50 theo đúng quy định”, đại úy Cao Tiến Dinh cho biết.
Cán bộ chiến sĩ Trạm Ra đa 57 trổ tài thi gói bánh chưng bằng lá bàng vuông - Ảnh: XUÂN HIẾU |
Phía trên đầu là bầu trời Tổ quốc
Công tác Đảng, công tác chính trị của các đơn vị trên đảo luôn được quan tâm đặc biệt. Theo trung tá Phan Đình Thăng, Chính trị viên Trạm Ra đa 57 (đảo Nam Yết), về cơ bản, công tác Đảng, công tác chính trị bám vào chương trình, kế hoạch, nghị quyết của cấp trên, song có một số nội dung gắn với thực tế biển đảo. Điểm khác nữa là nhiệm vụ canh trực, huấn luyện xoay vòng, kíp trực đảo vòng được luân phiên huấn luyện hết kíp này đến kíp khác nên công tác Đảng, công tác chính trị cũng phải tổ chức phù hợp. Tại Trạm Ra đa 57, cán bộ chiến sĩ hội tụ từ 13 tỉnh thành khác nhau, chủ yếu là ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra và một số ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên… nên tâm tư, tình cảm, sở thích cũng khác nhau. Để đảm bảo cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, người chỉ huy phải luôn thật sự gần gũi, nắm bắt kịp thời tâm tư tình cảm của từng người để động viên, chia sẻ mọi lúc mọi nơi, bảo đảm cán bộ chiến sĩ không bị dao động trước những khó khăn. Chỉ chiếc ra đa đang chầm chậm quay đều trên bầu trời vùng biển Trường Sa, trung tá Phan Đình Thăng cho biết: ““Đôi mắt” kim loại này có tầm quan sát hàng trăm kilômet nhưng nó không thể hoạt động nếu thiếu những người lính phòng không. Nhiệm vụ của những người lính phòng không ra đa chúng tôi là trông giữ bầu trời, bảo đảm phát hiện ngay máy bay lạ, vật thể lạ xâm nhập trên cao trong bất cứ tình huống nào. Vì vậy, mỗi cán bộ chiến sĩ ra đa phải thực sự yên tâm ở mỗi vị trí công tác của mình”.
Trung sĩ Trần Xuân Dương, trắc thủ ra đa (Trạm Ra đa 57) tâm sự: Gần 2 năm công tác ở đảo, tôi nhận ra rằng, càng trong gian khó, xa nhà, xa quê, những người lính càng đoàn kết, yêu thương gắn bó với nhau hơn. Với chúng tôi, “đảo là nhà, biển cả là quê hương” và phía trên đầu là bầu trời Tổ quốc. Trong bất kỳ thời điểm nào, chúng tôi vẫn duy trì trực canh 24/24 để những cánh sóng ra đa luôn vươn xa góp phần quản lý́, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, biển đảo của Tổ quốc; đem lại sự bình yên cho mọi nhà, mọi người dân Việt Nam trên đảo xa cũng như trên đất liền. Mỗi người thường có một cách nhìn và cách nghĩ khác nhau, nhưng đối với bản thân tôi được làm nhiệm vụ “canh trời” ở hòn đảo xinh đẹp giữa trùng khơi của đại dương bao la này là một niềm hạnh phúc, kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời binh nghiệp.
“Trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường trên biển Đông thì người lính ra đa luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, không ngừng trau dồi nâng cao phẩm chất chính trị, bồi dưỡng kiến thức nhằm làm chủ khí tài được trang bị, chủ động trong việc phát hiện, xử lý những tình huống, luôn bám máy bám đài để cho sóng ra đa “vươn xa đúng đủ, chính xác, kịp thời”, “không để Tổ quốc bị bất ngờ với các tình huống trên không”, góp phần cùng quân dân Trường Sa quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, vùng trời, vùng biển và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, trung tá Phan Đình Thăng khẳng định.
Trường Sa với biển xanh, cát trắng, nắng vàng và tình quân dân, tình đồng chí, đồng đội thấm đẫm yêu thương. Giống như cây phong ba trầm mình trong bão tố, những người lính trên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc luôn kiên cường bám trụ, sẵn sàng đối diện với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vượt lên cả nỗi nhớ người thân canh cánh trong lòng để làm tròn nhiệm vụ được giao. Và ngày nào cũng thế, trong khi các chiến sĩ hải quân luôn quan sát từng mục tiêu trên mặt biển để bảo vệ biển đảo bình yên thì những người lính phòng không ra đa chính là “đôi mắt” canh giữ bầu trời Tổ quốc. Những “đôi mắt” thần này lúc nào cũng tinh tường, luôn phải thức để mùa xuân đất nước mãi bình yên.
XUÂN HIẾU