Giữa muôn trùng xanh thẳm của biển Đông mênh mông là những vòm cây xanh biếc trên các đảo nổi ở Trường Sa. Hiên ngang cùng phong ba, bão táp, bàng vuông là “ông hoàng”, là loài đặc hữu quý hiếm, trở thành biểu tượng của sức sống Trường Sa.
Đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Song Tử Tây. Từ ngoài biển nhìn vào, đảo như một khu rừng nguyên sinh xanh mướt bởi cây xanh nhiều tầng, lắm tán. Nhưng ở đảo này lại ít bàng vuông. Ở bên cạnh nhà chỉ huy, có hẳn cây phong ba cổ thụ hai nhánh hướng ra biển, được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, cánh nhà báo nhờ các chiến sĩ trẻ dẫn đến UBND xã Song Tử Tây để chụp hình cây bàng vuông. Mùa cuối năm, bàng vuông mới bắt đầu những nụ hàm tiếu. Do không lưu lại ban đêm trên đảo nên chúng tôi chưa thể chứng kiến cảnh hoa nở lung linh như nhiều người đã miêu tả.
Ước muốn được tận mắt chứng kiến hoa bàng vuông nở luôn thôi thúc nhiều nhà báo trong đoàn cho đến khi tàu cặp đảo Sơn Ca.
So với những đảo khác ở Trường Sa, Sơn Ca là hòn đảo xinh đẹp rất nhiều cây xanh, mà chủ đạo là bàng vuông. Bàng vuông có mặt khắp đảo. Chờ khi đêm xuống, cánh phóng viên lăm lăm máy ảnh trên tay để chờ chụp hình sắc hoa tím hồng quyến rũ.
Các camera thì được dịp canh quay lại khoảnh khắc hoa từ từ bung nở trắng tinh, tím hồng. Trung tá Phạm Thế Nhương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Sơn Ca, cho biết khi anh nhận nhiệm vụ ở đây đã thấy những cây bàng vuông lừng lững, đến mùa thì cho hoa, cho trái.
Nhiều cây do cán bộ chiến sĩ trồng, còn phần lớn là mọc tự nhiên. Thật may mắn, trong hải trình lần này, Sơn Ca là đảo được đoàn lưu lại khá lâu. 2 ngày trên đảo, chúng tôi làm quen với nhiều cán bộ, chiến sĩ để tìm hiểu về cuộc sống, nhiệm vụ bảo vệ đảo và không quên “gợi ý” mong được tặng nhánh bàng vuông mang về đất liền.
Trung úy Nguyễn Văn Linh và một chiến sĩ sắp ra quân đã “phá lệ” tặng cho tôi và anh Thành Huế (phóng viên Đài Truyền hình Khánh Hòa), mỗi người hai nhánh bàng vuông chiết từ cây mẹ. Riêng tôi được ưu ái lần đầu tiên ra đảo nên được tặng thêm một quả bàng khô làm kỷ niệm. Rời đảo Sơn Ca với hai nhánh bàng vuông khiến hành trang thêm lỉnh kỉnh, nhưng lòng tôi vui phơi phới.
Ở đảo Sinh Tồn, những cây bàng vuông rất sai quả đã làm say lòng khách đến thăm đảo. Sau một đêm trò chuyện về cuộc sống, công tác ở Trường Sa, tôi được trung tá, bác sĩ Phạm Đình Ngân tặng một nhánh bàng vuông làm kỷ niệm.
Đến đảo Nam Yết, bàng vuông không nhiều bằng dừa (Nam Yết được mệnh danh là đảo dừa) nhưng có một cây bàng vuông vô cùng độc đáo ở sân nhà chỉ huy với 8 thân xoay tròn đều. Trung tá Hoàng Minh Sơn, Đảo trưởng đảo Nam Yết, cho biết cây bàng vuông này có mặt ở đảo từ rất lâu, mọc tự nhiên, bị gió bão đánh gãy ngang thân gần sát mặt đất, sau đó từ vết thương, cây đã vươn lên 8 nhánh đều nhau, ngày càng phát triển xanh tốt.
Khách từ đất liền ra thăm đảo đều không quên chụp một tấm hình kỷ niệm ở gốc bàng vuông 8 thân giờ đã trở thành Cây di sản Việt Nam. “Trừ các đảo chìm, tất cả các đảo đều có cây bàng vuông. Đây là cây đặc hữu, là biểu tượng của sức sống Trường Sa”, đại tá Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, khẳng định với chúng tôi như vậy.
Thật không gì quý bằng ra Trường Sa nhận được món quà đặc biệt là biểu tượng của sức sống nơi đây: bàng vuông. Những nhánh bàng vuông từ Trường Sa được trồng ở đất liền như là cách để nhắc nhớ mọi người về quần đảo Trường Sa, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, để cả nước góp đá xây dựng Trường Sa, góp cây làm xanh mãi Trường Sa “Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì cả nước”.
TRẦN QUỚI