Thứ Sáu, 20/09/2024 09:47 SA
Nhịp sống bình dị ở Trường Sa
Thứ Bảy, 15/07/2017 13:00 CH

Người dân huyện đảo Trường Sa chăm sóc rau xanh - Ảnh: TRẦN QUỚI

Cuộc sống của các hộ dân ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) có đôi chút khác biệt với cư dân ở đất liền. Cũng giống như bộ đội, cư dân trên các đảo trồng rau, nuôi gà, đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn…

 

Khu dân cư trên đảo Song Tử Tây và các đảo Trường Sa, Sinh Tồn… được bố trí mỗi hộ một căn nhà liền kề chung vách để sẻ chia cuộc sống sớm hôm tối lửa tắt đèn. Tất cả nhu yếu phẩm thường nhật được các gia đình “lên danh sách” để đất liền tiếp tế qua những chuyến tàu công tác của lực lượng Hải quân, có khi là các tàu công tác của cơ quan Bảo đảm hàng hải, Khí tượng thủy văn (các đơn vị có lực lượng dân sự làm nhiệm vụ trên đảo). Mỗi năm có ít nhất 3 chuyến tiếp tế như vậy.

 

Từ vườn rau xanh mướt

 

Cuộc sống của cư dân trên đảo hết sức yên bình. Mỗi sáng thức dậy, các cháu nhỏ được đưa đến trường học, các mẹ lo công việc nội trợ, cơm nước, giặt giũ, lau dọn nhà cửa. Các ông chồng đều là thành viên đội dân quân tự vệ của xã đảo. Ngoài tham gia huấn luyện thường xuyên theo quy định, ban đêm lực lượng này cùng với bộ đội tổ chức tuần tra, canh gác mục tiêu. Thời gian còn lại trong ngày, các anh cùng vợ chăm lo tăng gia sản xuất.

 

Vườn rau xanh chừng mươi mét vuông sau nhà, trước hiên được xem là “công trình tăng gia” của mỗi gia đình. Chị Dương Thị Thủy, một hộ dân trên đảo Song Tử Tây cho biết đây là nguồn thực phẩm xanh, dinh dưỡng quý cho cả nhà quanh năm suốt tháng. Để bảo đảm có rau ăn liên tục, vườn được chia thành những luống nhỏ, trồng nhiều loại khác nhau như dền đỏ, dền trắng, rau muống, mồng tơi, rau đay… và cả đu đủ cao sản. Khoảng không gian phía trên được tận dụng làm giàn trồng mướp, bầu, bí… “Rau ở đây trồng rất nhọc công. Nhưng nhờ chăm bón cẩn thận như chăm con nhỏ nên lượng rau vẫn đủ để mỗi bữa cơm hàng ngày đều có chất xanh”, chị Thủy vui vẻ chia sẻ.

 

Đối với những người từ đất liền ra thăm Trường Sa như chúng tôi, một trong những điều thú vị nhất là ngắm nhìn những vườn rau xanh tươi tốt của bộ đội cũng như các hộ dân nơi đây. Những vườn rau được che chắn cẩn thận bốn phía để tránh gió biển. Bên cạnh rau xanh, các hộ dân còn tận dụng đất trống để nuôi gà, vịt Đại Xuyên (giống vịt chịu nước mặn); con giống cũng theo tàu từ đất liền chuyển ra. Theo chị Nguyễn Thị Kim Chi, hàng xóm của chị Thủy, đây là “đặc sản” để dành khi lễ, tết hay gia đình hoặc cả xóm có chuyện mừng…

 

Đến những mẻ lưới nghĩa tình

 

Không chỉ trồng rau xanh, chăn nuôi gà, vịt, các hộ dân Trường Sa còn đánh lưới bắt cá. Ở quanh các đảo, hải sản rất phong phú, dồi dào. Chỉ cần một mẻ lưới đêm là cả xóm có cả tuần ăn cá tươi ngon. Anh Nguyễn Duy Thành ở đảo Song Tử Tây cho biết nhà nào cũng thủ vài tay lưới, dụng cụ câu cá đầy đủ, khi nào thiếu mồi tươi là anh em tổ chức đi đánh lưới. Lưới dùng để thả là loại lưới một màng có, ba màng có, nhưng phải bảo đảm mắt lưới lớn khoảng 4-7 phân. Mắt lưới lớn là để tránh cá nhỏ bị mắc lưới. Đây là một trong những quy định bất thành văn với những người dân trên các đảo.

 

Người dân chỉ cần bơi thúng chai (thuyền thúng) quanh đảo cách bờ chừng vài sải nước là buông lưới được. Tại những đảo lớn có âu tàu, bà con có thể thả lưới ngay ở khu vực này cũng có thể kiếm được rất nhiều cá. Anh Võ Thanh Hòa ở đảo Sinh Tồn cho biết, chiều muộn, anh em trong xóm rủ nhau xuống thúng ra âu tàu thả lưới, vài tiếng đồng hồ sau có thể thu lưới gỡ cá lần một, rồi tiếp tục ngâm lưới tới sáng gỡ thêm lần nữa. Mỗi lần thâu lưới, các anh kiếm được trên cả chục ký cá như thu bè, nhồng, nhám, hố, nục… Cá được chia cho các hộ trong xóm và chia cả cho nhà bếp bộ đội để thêm gắn bó tình quân dân.

 

Dân trên các đảo Trường Sa chài lưới giống như chuyện thường ngày của ngư dân ở đất liền. Tuy vậy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Vì thế, chính quyền, chỉ huy các đảo đều có quy định khá nghiêm ngặt về việc người dân đi thả lưới. Hàng tuần, hàng tháng, bà con phải báo kế hoạch thả lưới của mình để chủ tịch xã duyệt nhằm bảo đảm công tác an ninh, an toàn, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Riêng những ngày biển động thì tuyệt đối không được đánh lưới. “Những lúc biển động kéo dài, cả dân và bộ đội đều không được thả lưới vì rất hiểm nguy. Những lúc này cần câu là phương tiện hữu hiệu nhất vì ngồi trong bờ vẫn có thể kiếm được cá tươi cải thiện”, anh Nguyễn Duy Thành hào hứng nói.

 

TRẦN QUỚI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek