Hơn 1 tháng qua, tình hình an ninh trên biển Đông luôn trong trạng thái bất ổn trước việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 đến hạ đặt trái phép ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Hộ tống giàn khoan này là hàng trăm tàu thuyền các loại, trong đó có nhiều tàu quân sự, liên tục uy hiếp các tàu chấp pháp của Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam và tàu đánh bắt cá của ngư dân.
Mỗi khi nghe tin tàu của bà con ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm, gây hại, người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước và cả ở ngoài nước ai ai cũng nhói lòng, căm phẫn trước hành động ngang ngược, coi thường luật pháp quốc tế đó. Với bà con ngư dân thì nỗi đau và lòng căm hận càng lớn hơn. Bởi với họ, biển Đông, nhất là các vùng biển truyền thống như Hoàng Sa và Trường Sa là cứu cánh, là lẽ sống ngàn đời. Khi còn trong bụng mẹ hay còn nằm trong nôi, họ đã nghe tiếng sóng biển vỗ về ngày đêm. Khi mới bước chập chững, trẻ em làng biển đã theo mẹ ra tận nơi chân sóng, chờ đón người thân cùng những chuyến tàu từ khơi xa trở về. Và khi đã sức dài vai rộng, những thanh niên làng biển lại cùng những con thuyền vượt sóng ra khơi, đến với Hoàng Sa, Trường Sa, ngày đêm bám biển mưu sinh.
Mặc dù bị tàu Trung Quốc cậy lớn uy hiếp nhưng bà con ngư dân chúng ta không sợ, vẫn can trường bám biển, vừa mưu sinh, vừa tham gia cùng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hạn chế lớn nhất của ngư dân Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung hiện nay là chưa có nhiều tàu thuyền công suất lớn, “ngang vai phải lứa” với tàu nước ngoài, nhất là tàu của Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn vốn để phát triển khai thác xa bờ là khá lớn, nhưng các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi của Nhà nước lại hết sức hạn chế.
Một thông tin làm nức lòng bà con ngư dân là mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khi trao đổi với báo chí xung quanh chủ trương dành nguồn vốn giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân đóng mới và cải hoán các tàu cá hiện có để đảm bảo đánh bắt xa bờ, vừa nâng cao sản xuất, vừa thực thi quyền chủ quyền của đất nước trên biển Đông, cho biết: Ngân hàng Nhà nước cùng với các ngân hàng thương mại có thể dành nguồn vốn khoảng 10.000 tỉ đồng, với lãi suất cho vay đến ngư dân là 5%. Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm 2%, ngư dân chỉ phải trả 3%. Đồng thời khuyến khích chính quyền địa phương các cấp, từ nguồn ngân sách của địa phương có thể hỗ trợ một số phần trăm nữa để tạo thêm điều kiện cho ngư dân. Chính phủ sẽ hỗ trợ ngư dân 70% chi phí bảo hiểm. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu xem xét có thể cho ngư dân vay với lãi suất 0% đối với các mô hình quản lý tốt. Thời hạn cho vay sẽ tiến hành trong khoảng 10 đến 15 năm, theo thống đốc là “đủ lớn” để ngư dân vươn khơi bám biển.
Tại buổi trao tặng 500 triệu đồng hỗ trợ ngư dân bám biển do UBND tỉnh ta tổ chức vào ngày 28/5 vừa qua, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho biết, đã quyết định dành gói tín dụng 3.000 tỉ đồng cho ngư dân vay với lãi suất ưu đãi để đóng mới tàu cá công suất lớn, trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác thủy sản và hỗ trợ phí bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên cho ngư dân. Đồng thời, BIDV cũng tài trợ tín dụng đóng mới 27 tàu đánh bắt hải sản công suất lớn trị giá khoảng 150 tỉ đồng cho các doanh nghiệp và hộ ngư dân.
Những động thái của ngành Ngân hàng là hết sức tích cực. Vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện. Hy vọng qua đây sẽ giúp bà con ngư dân thực hiện “cuộc cách mạng” cải hoán tàu nhỏ, đóng mới tàu lớn, hình thành những “tập đoàn” đánh bắt xa bờ có hiệu quả, đủ mạnh để đối phó với tàu thuyền nước ngoài gây hấn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
LẠC VIỆT