Hơn 20 năm mải mê với những tấm bản đồ cổ, những tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa, cũng là ngần ấy năm giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc truyền cho các thế hệ học trò của mình lòng nhiệt thành yêu nước với những cống hiến khoa học cùng ý thức trách nhiệm về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
TRÁI TIM THÔI THÚC
Tòa nhà nơi làm việc của giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), nằm khiêm tốn trong khuôn viên rợp bóng cây của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Có lẽ sau sự kiện bộ Atlas bản đồ thế giới được công bố hồi trung tuần tháng 5, rất nhiều người đã biết đến vị Viện trưởng rất đỗi giản dị này. Bởi, giáo sư Ngọc chính là người có công trong việc cùng các đồng nghiệp phát hiện và đưa bộ Atlas này về Việt Nam. Bộ Atlas bản đồ thế giới gồm 6 tập của Philippe Vandermaelen xuất bản tại Brúc-xen (Bỉ) năm 1827, được nhận định có giá trị quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Cơ duyên đến với những tấm bản đồ cổ về chủ quyền đất nước bắt đầu từ năm 1993 khi giáo sư Ngọc được giao chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Ông cho biết, lúc đó vừa là nhiệm vụ, vừa là sự thôi thúc từ sâu thẳm trong tim của một người Việt Nam, nên dù công việc giảng dạy vô cùng bận rộn, ông vẫn bỏ ra phần lớn thời gian để khai thác và sưu tầm các tư liệu nước ngoài, đặc biệt là tư liệu bản đồ liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng chính vì thế, ông đã tập hợp được không ít bản đồ của phương Tây, thậm chí là của cả Trung Quốc về vấn đề này.
CHỦ QUYỀN HOÀNG SA, TRƯỜNG SA ĐÃ NGẤM SÂU VÀO VĂN HÓA VIỆT
Giáo sư Ngọc nhớ mãi lần đi tìm tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa ở Cù lao Ré (huyện đảo Lý Sơn bây giờ). Lúc đó, đảo rất hoang sơ, nghèo nàn, trụ sở UBND huyện là một căn nhà cấp bốn cũ kỹ. Ấy vậy mà Chủ tịch UBND huyện (theo giáo sư Ngọc nhớ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Nhân), vẫn nhường phòng nghỉ và phòng làm việc của mình cho đoàn công tác làm chỗ nghỉ ngơi. Mùa hè, dù là ở đảo nhưng vẫn nóng như rang, hơn nữa phòng lại quá nhỏ. Một tối, ông Ngọc cùng anh em trong đoàn ra giếng múc nước để giội cho đỡ nóng. Sục gầu xuống, múc lên thấy đầm tay, vội đổ thẳng lên đầu, hóa ra là cả một gầu cát. Khó khăn là thế, nhưng người dân trên đảo lại rất nhiệt tình, tạo điều kiện hết sức cũng như cung cấp thông tin tối đa cho đoàn công tác. Người có tư liệu thì mang tới tận nơi, người không có thì nhiệt tình đi hỏi thăm giúp. Chuyến đi đến Lý Sơn năm đó khiến ông nhận ra được rất nhiều điều quý báu, trong đó có ý thức gìn giữ chủ quyền biển, đảo quê hương của người Việt Nam từ muôn đời nay.
Giáo sư Ngọc dẫn giải, ngày xưa các nhà nước phong kiến Việt Nam đã chủ trương đưa người ra Hoàng Sa và Trường Sa để xác lập chủ quyền. “Điều đáng quý ở chỗ, những quyết định của các nhà nước đã được người dân bình thường ở các vùng biển thực hiện một cách nghiêm chỉnh và đều được ghi lại trên các dấu tích văn hóa địa phương, từ vật thể đến phi vật thể”, giáo sư Ngọc khẳng định.
Những nét văn hóa đó đã thấm sâu và được thể hiện trong cuộc sống của người dân địa phương qua những câu ca dao tới tận hôm nay. Dân đảo Lý Sơn, ai cũng thuộc nằm lòng những câu như: Hoàng Sa đi có về không?/Lệnh vua sai vẫn quyết lòng ra đi… Chiều chiều ra ngóng biển khơi/ Ngóng ai như ngóng đợi người Hoàng Sa... Người dân nhận lệnh vua thì lập tức lên đường, dù không biết có thể trở về hay không. Đó là một sự hy sinh cao cả, vô bờ bến vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc của tiền nhân từ thuở xa xưa. Các tư liệu đó đã khiến cho những người làm khoa học như giáo sư Ngọc hết sức xúc động. “Cũng chính những tư liệu đó là bảo đảm bằng vàng cho thấy chủ quyền của chúng ta đã được xác lập từ rất lâu về trước”, Giáo sư Ngọc nhận định.
KHƠI LÊN LÒNG YÊU NƯỚC BẰNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Không chỉ lặn lội nhiều nơi tìm tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa, giáo sư Ngọc còn sang tận nước ngoài để sưu tầm những tấm bản đồ cổ. Năm 1995, ông có cơ hội được sang học tập và làm việc ở Đại học Quốc gia Ô-xtrây-li-a trong thời gian nửa năm. Tận dụng cơ hội này, ông đã “lục tung” Thư viện quốc gia Ô-xtrây-li-a, thậm chí tiếp cận các kho sách “hiếm” của các thư viện để tìm những tư liệu quý có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
“Bình thường, để vào được kho sách hiếm ở các thư viện là một điều cực khó. Nhưng may mắn là tôi được rất nhiều bạn bè, trong đó hầu hết là các bạn bản địa giúp đỡ. Khi họ biết tôi có ý định nghiên cứu tư liệu bản đồ về Hoàng Sa và Trường Sa, họ đã giúp tôi tìm kiếm tư liệu, tư vấn nghiên cứu”, giáo sư Ngọc kể.
Trong đời làm thầy giáo của mình, giáo sư Ngọc đã đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ học trò. Cũng là chừng ấy thế hệ được ông truyền ngọn lửa yêu nước nhiệt thành cùng với ý thức trách nhiệm về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính từ một trong những người học trò như thế mà giáo sư Ngọc mới tìm ra bộ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận và công bố ngày 13/5 vừa rồi.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải làm nghiên cứu sinh do giáo sư Ngọc hướng dẫn. Đang làm nghiên cứu sinh thì chị Hải xin được học bổng làm tiến sĩ ở Đại học Paris 7 ở Pháp. Mỗi lần sang Pháp nghiên cứu tư liệu, giáo sư Ngọc được người học trò của mình giúp đỡ. Và cơ hội gặp bộ Atlas thế giới đã đến từ một ngày tình cờ của chị Hải.
Giáo sư Ngọc kể: “Hải biết tôi rất quan tâm đến những tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa. Một lần, Hải đến Thư viện quốc gia Pháp, thấy trước cổng có hiệu sách bán rất nhiều bản đồ và Atlas cổ. Rất ngẫu nhiên, Hải phát hiện thấy một tờ rời vẽ vùng biển Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hải đã chụp lại tờ đó rồi gửi về cho tôi. Đó là tấm 106 của Atlas (Partie de la Cochinchine). Có nhiều năm nghiên cứu về bản đồ, tôi nhận thấy ngay, đây là tấm bản đồ rất quý. Tôi chưa thấy tấm bản đồ phương Tây nào thể hiện chủ quyền của mình rõ như vậy. Tôi lập tức gọi điện sang nhờ Hải mua lại tờ đó. Tờ này dĩ nhiên đã được vẽ lại hoặc scan chứ không phải bản gốc. Hải mua được tờ đó và gửi về. Tôi chia sẻ tờ này và được mọi người trong giới đánh giá đây là bằng chứng rất quý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”.
Sau khi phát hiện tấm bản đồ nằm trong một bộ Atlas vĩ đại được xuất bản đầu thế kỷ XIX, giáo sư Ngọc đã trao đổi với Hải về việc đi sâu tìm kiếm nguồn gốc cũng như nghiên cứu, đánh giá giá trị của tài liệu này. Đó là tư liệu mà Việt Nam đang rất cần. Với một tài liệu có tính quốc tế cao như vậy, việc có được bản gốc là hết sức giá trị. Từ đó, Nguyễn Thị Hải đã lên mạng tìm hiểu, rồi tiếp xúc nhiều nơi và biết chắc chắn nó được in tại Bỉ, năm 1827. Sau khi đã có những cơ sở chắc chắn, giáo sư Ngọc báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, bộ đã đi đến quyết định tạo điều kiện cho ông đi châu Âu nghiên cứu trực tiếp văn bản gốc để đánh giá. Ông Ngô Chí Dũng - Giám đốc Dược phẩm Eco đã tài trợ cho giáo sư Nguyễn Quang Ngọc chuyến đi sang châu Âu tìm bộ Atlas. Cũng chính ông Ngô Chí Dũng đã quyết định mua trọn bộ 6 tập Atlas thế giới bản gốc tại Hiệu sách cổ Sanderus, số 32, Nederkouter, TP Gent, nước Bỉ để dành tặng làm tài sản quốc gia, phục vụ cho việc đấu tranh giành chủ quyền của Tổ quốc.
TẤM BẢN ĐỒ KHÁCH QUAN VÔ GIÁ
Từng nghiên cứu không biết bao nhiêu bản đồ cổ quốc tế liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, giáo sư Ngọc cho rằng, bộ Atlas là một trong những tấm bản đồ vô giá chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Vì sao bộ Atlas cổ với 4 tấm bản đồ về Việt Nam lại quý đến như vậy? Khi làm bộ Atlas thế giới Philippe Vandermaelen đã dựa vào những bản đồ tốt nhất đến đầu thế kỷ 19. Đó là những tấm bản đồ đã được điều tra nghiên cứu rất cụ thể, rõ ràng, dựa trên điều tra thực địa và quan sát thiên văn của các chuyến du hành. 381 tấm bản đồ chi tiết và 7 tấm bản đồ chung của bộ Atlas, phủ kín gần như toàn bộ quả địa cầu, được vẽ bằng phương pháp khoa học rất chi tiết, chính xác. Đó là bản nguyên gốc chưa hề bị sửa đổi, hay bị thay đổi.
“Trong bản đồ này, tác giả vẽ rất rõ đảo Hoàng Sa với các tên đảo chính xác cho đến ngày hôm nay. Đặc biệt quý trong bản đồ là một tấm đã được tác giả ghi là Bản đồ khu vực Đàng trong (khu vực miền Trung ở Việt Nam). Việt Nam có 4 tấm trong bộ Altlas và khi gộp chung lại gọi là nước Việt Nam (được người phương Tây gọi là Đế chế An Nam). Atlas đính luôn bản giới thiệu về Đế chế An Nam vào cạnh đảo Hoàng Sa, khẳng định Hoàng Sa là một bộ phận của khu vực Đàng trong của Việt Nam, thuộc một phần của nước Việt Nam hiện nay”, Giáo sư Ngọc giải thích.
Nhìn tấm bản đồ cổ được chụp lại trên màn hình máy vi tính, trên đó, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa… hiện rõ trên vùng biển miền Trung của “Đế chế An Nam”, lại nghĩ đến lời của Giáo sư Ngọc hôm công bố bản đồ: Tấm bản đồ của Philippe Vandermaelen giá trị bởi tính khách quan.
Một người Bỉ, cách xa Việt Nam cả một đại dương, từ gần 300 năm trước vẽ bản đồ thế giới đã khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, vì có đầy đủ tư liệu và cơ sở khoa học, chứ không hề dựa trên cảm tính hay bị thôi thúc bởi một tham vọng nào. “Chính vì thế, bộ Atlas này là vô giá”, giáo sư Ngọc nói.
(QĐND)