Hiện Phú Yên có hơn 6.050 tàu thuyền, trong đó tàu có công suất từ 90CV trở lên có hơn 1.000 chiếc, đặc biệt có 62 tàu có công suất trên 400CV. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 2.900ha và khoảng 25.000 lồng nuôi thủy sản nước mặn, có 84 cơ sở sản xuất giống thủy sản, 17 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Phú Yên được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 4 cảng cá, 6 bến cá và 6 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Toàn tỉnh có 24 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, đáp ứng phần lớn nhu cầu của ngư dân. Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt trên 45.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương hơn 6.000 tấn…
Ảnh minh họa - N. THẮNG
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tàu cá của Phú Yên phải nằm bờ do chi phí chuyến biển tăng cao, trong khi giá cá xuống thấp, trong khi sản lượng đánh bắt không nhiều; nhiều đối tượng thủy sản nuôi trong tỉnh bị dịch bệnh, gây thiệt hại lớn đối với như dân. Ông Ngô Ngọc Nhân, chủ tàu cá PY92492TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa) cho biết, dù được Nhà nước hỗ trợ hoạt động khai thác xa bờ nhưng ngư dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bình quân mỗi chuyến câu cá ngừ đại dương chi phí khoảng 200 triệu đồng, do đó ngư dân phải câu ít nhất 1,4 tấn cá loại 1 thì may ra mới có lãi, còn câu không đạt mức đó thì lỗ vốn.
Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Phú Yên xác định ngư dân là lực lượng quan trọng, cơ bản để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế biển. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững. Theo UBND tỉnh, các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển trong thời gian tới, đó là: rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển thủy sản, hướng dẫn và phối hợp với các địa phương lập quy hoạch chi tiết, thực hiện và quản lý nhà nước theo quy hoạch được phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch; khuyến khích, thu hút đầu tư và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở miền biển. Triển khai có hiệu quả các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế thuộc ngành nghề trong danh mục quy định về các khoản ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo Nghị định số 61/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thí điểm tổ chức sản xuất theo chuỗi trong khai thác cá ngừ đại dương...
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết: Thời gian tới, Phú Yên sẽ đa dạng hình thức đào tạo nghề cho người lao động vùng biển, trong đó tập trung các ngành nghề như đánh bắt, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản… gắn với chuyển giao kỹ thuật và quy trình sản xuất tiên tiến cho các hộ ngư dân, các làng nghề, các vùng sản xuất chuyên canh. Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác ở cấp xã, nhất là đội ngũ kỹ sư thủy sản, cử nhân kinh tế về làm cán bộ xã, tham gia quản lý các HTX nghề cá. Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các trạm khuyến ngư, thú y, bảo vệ nguồn lợi thủy sản… đủ sức hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Tăng mức đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản chủ lực, phát triển giống thủy sản, hệ thống cảnh báo và giám sát môi trường, hệ thống quản lý và dịch bệnh và thú y thủy sản. Tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ đánh bắt thủy sản theo kế hoạch.
Với chiến lược phát triển kinh tế biển của mình, tỉnh Phú Yên phấn đấu sau năm 2015, 100% tàu cá hoạt động ở vùng biển xa được giám sát, hỗ trợ đầu tư bảo quản chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch; đầu tư hạ tầng 4 vùng nuôi; nâng cấp an toàn sinh học cho 20 trại giống tư nhân, trại giống tỉnh; trang bị 2 tàu kiểm ngư, nâng cấp các trạm bảo vệ nguồn lợi, khuyến ngư, thú y thủy sản ở 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển trong khuôn khổ dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững do Ngân hàng Thế giới tài trợ…
NGỌC NHƯ