Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng dân tộc, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã về cõi vĩnh hằng, về bên Bác Hồ. Cả nước và hàng triệu triệu người yêu chuộng hòa bình trên thế giới tiếc thương Đại tướng - thiên tài kiệt xuất về quân sự, một bậc vĩ nhân của thế giới nhưng có cuộc sống vô cùng giản dị và gần gũi với đồng bào, đồng chí, đồng đội.
Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong những ngày đi tìm tư liệu để viết bài; ghi nhận tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và người dân trong tỉnh đối với Đại tướng sau khi Người qua đời, tôi càng hiểu sâu sắc và yêu kính Đại tướng hơn khi biết rằng: lúc còn được Đảng, Bác Hồ giao gánh vác trọng trách đối với đất nước, quân đội và nhân dân hay khi đã tuổi cao sức yếu, ngoài tình cảm dành cho đồng bào và cán bộ chiến sĩ trong cả nước, Đại tướng luôn dành tình cảm rất đặc biệt cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Phú Yên. Không chỉ là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đầu tiên về thăm Phú Yên sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối mà Đại tướng còn dành thời gian để gặp gỡ, nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình địa phương; ân cần chỉ bảo những điều cần làm, phải tránh; nói về đại đoàn kết toàn dân…; và sẵn sàng chụp hình lưu niệm. Đặc biệt nhiều lần tự tay Đại tướng đã viết thư khen Phú Yên.
Lần đầu tiên Đại tướng viết thư khen quân và dân Phú Yên cách đây gần 60 năm. Sau trận thắng đầu trong chiến dịch Át-lăng, từ chiến trường Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen, biểu dương tinh thần chiến đấu của quân dân Khu V, đặc biệt là tỉnh Phú Yên và chiến trường Tuy Hòa. Trong thư Đại tướng viết: “Khen ngợi các cán bộ, chiến sĩ ở Tuy Hòa và địch hậu Liên khu 5 đã tích cực hoạt động, làm tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân”. Bức thư tuyên dương công trạng này đã động viên, khích lệ tinh thần làm nức lòng quân và dân tỉnh nhà, tăng thêm sức mạnh hăng hái tiến lên đập tan toàn bộ chiến dịch Át-lăng của giặc Pháp, chia lửa cho chiến trường miền Bắc góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Những năm đánh Mỹ, sau khi những con tàu Không số hoàn thành việc vận chuyển vũ khí vào bến Vũng Rô, Đại tướng cũng đã viết thư khen ngợi.
Cách đây hơn 4 năm, ngày 20/8/2009, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Sở KH-CN Phú Yên tổ chức hội thảo “Quân dân Phú Yên góp phần đánh bại chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp - năm 1954” (do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Kim Anh chủ trì). Lúc này Đại tướng đã ngót trăm tuổi, nhưng vì Đảng, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng và với sự quan tâm đặc biệt, Đại tướng đã gửi thư hoan nghênh và chúc mừng hội thảo. Trong thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Với chiến công xuất sắc đánh bại bước một cuộc tấn công ra vùng tự do của địch, quân và dân Phú Yên đã góp phần quan trọng đánh bại chiến dịch Át-lăng của địch. Chiến công vẻ vang ấy của quân và dân Liên khu 5 nói chung, của Phú Yên nói riêng là sự phối hợp tài tình với chiến trường chính, cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.
Trước đó, tháng 12/1992, khi ấy Đại tướng vừa bước sang tuổi 82, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên tổ chức biên soạn Lịch sử Quân giới Phú Yên. Các đồng chí trong Ban biên soạn ra Hà Nội trình tập bản thảo để Đại tướng chỉnh sửa, góp ý. Sau khi dành thời gian để đọc kỹ bản thảo, Đại tướng đã viết thư khen ngợi. Toàn văn bức thư như sau:
Trong kháng chiến chống Pháp, một trong những cống hiến lớn lao là những thành tựu sáng tạo của ngành Quân giới trong cả nước là tấm gương hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ quân giới, từ các đồng chí lãnh đạo, các cán bộ kỹ thuật cho đến các anh chị em công nhân.
Ngành quân giới Phú Yên có thể tự hào với những chiến công của mình. Tôi gọi là chiến công, bởi vì những cố gắng lao động sáng tạo của các anh chị em quân giới Phú Yên đã góp phần vào thắng lợi chung, và thực sự là những chiến công.
Trong điều kiện tư liệu khó khăn, phân tán, mất mát, Ban liên lạc quân giới Hội Cựu chiến binh Phú Yên đã xây dựng được cuốn Lịch sử Quân giới Phú Yên là một việc làm rất có ý nghĩa. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh cuốn sách, càng đánh giá cao những tình cảm và tình thương yêu đồng đội của các đồng chí biên tập đối với “những chiến sĩ thầm lặng” nhưng không kém phần dũng cảm và sáng tạo, so với các anh em đi chiến đấu ngoài mặt trận.
Cuốn sách đã ghi lại những thành tích đáng khâm phục của các “anh Bộ đội Cụ Hồ” của ngành Quân giới Phú Yên.
Hà Nội, ngày 22/12/1992
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Theo Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu 41 (Đoàn tàu Không số), những lời khen và động viên của Đại tướng là nguồn cổ vũ có sức mạnh to lớn để đồng bào và cán bộ, chiến sĩ vươn lên khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
XUÂN HIẾU