Tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chiến dịch Biên Giới năm 1950. Từ đó, tôi được sống gần Đại tướng. Với tư cách là Phó ban Tuyên huấn của Khu ủy, kiêm Giám đốc các sở Thông tin tuyên truyền Tây Bắc và Việt Bắc, tôi được điều sang tham gia công tác tuyên huấn của Đảng ủy Mặt trận, qua các chiến dịch cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ (1954).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chủ nhiệm đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh” và GS Vũ Khiêu - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu
Sau một thời gian, Đại tướng bảo tôi bỏ cách xưng hô trịnh trọng là Đại tướng mà gọi là Anh cho thân mật. Từ đấy về sau, trong suốt cuộc đời tôi, tôi gọi Đại tướng là anh Văn. Tiếng Anh ấy đối với tôi, không những thân thiết mà còn vô cùng thiêng liêng và thể hiện tinh thần ngưỡng mộ Anh từ đáy lòng tôi.
TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
Trong những năm tháng ấy, anh Văn giao cho tôi làm nhiệm vụ phổ biến tin chiến thắng và kịp thời viết những bài ca ngợi chiến công lừng lẫy của quân dân ta.
Ngày ấy, Ban Tuyên huấn của Đảng ủy Mặt trận gồm 5 thành viên: Đồng chí Võ Hồng Cương là Trưởng ban, 4 ủy viên khác là Thượng tướng Trần Văn Quang - Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Hoàng Tuấn, đồng chí Hoàng Xuân Tùy và tôi.
Anh Văn rất quan tâm đến vấn đề phổ biến tin chiến thắng, luôn luôn nhắc nhở đồng chí Lê Liêm hoàn thành tốt công việc này. Đồng chí Lê Liêm càng thúc giục tôi thực hiện nhiệm vụ nói trên. Đêm nào, đồng chí cũng cho người xuống trải chiếu nằm bên cạnh, để đợi tôi viết xong thì mang bài về trình Anh xem.
Ngoài việc viết những tài liệu trên, tôi còn huy động cơ quan trực tiếp tổ chức việc động viên nhân dân đóng góp gạo nuôi quân, cổ vũ các đoàn dân công chở lương thực ra tiền tuyến, nhất là động viên nhân dân địa phương phục vụ chiến dịch. Tôi chia nửa nhân viên và phương tiện của Sở Thông tin Việt Bắc, đem đoàn văn công đi theo và xây dựng một cơ quan di động. Một bộ phận nhỏ theo tôi đi sát tiền tuyến và gần gũi Anh. Còn đại bộ phận ở cách xa chừng 20km.
Cơ quan tôi là một trung tâm thu hút các văn nghệ sĩ. Về hội họa, tập trung các họa sĩ như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Ngoạn, Nguyễn Văn Tỵ… Anh Tô Hoài lấy địa điểm tôi làm nơi trú chân, còn hằng ngày anh đi khắp miền Tây Bắc. Anh Lưu Hữu Phước thì ở hẳn với tôi, giúp tôi xây dựng các đoàn văn công phục vụ cho chiến trường. Đó là những ngày tôi được gần gũi các vị tướng lĩnh của Việt Nam như Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Lê Quang Đạo, Nguyễn Chánh, Đặng Kim Giang…
Sau khi Lai Châu giải phóng, tôi được anh Văn cử đi theo đoàn tiếp quản Lai Châu. Tôi tập hợp các chị em trong đội múa xòe của Đào Văn Long - thủ lĩnh cũ Lai Châu, tổ chức thành một đội múa xòe, phục vụ cho tiền tuyến. Anh Văn tỏ ý vừa lòng và động viên tôi tiếp tục phát huy.
Từ hòa bình lập lại trên miền Bắc, Anh Văn đã kiến nghị với Trung ương cử tôi đi học lớp lý luận dài hạn tại Học viện Mác - Lênin Trung Quốc.
Hai năm sau, trở về nước, tôi lại tiếp tục được gần gũi Anh và giúp việc Anh chung quanh các vấn đề tư tưởng, văn hóa và khoa học.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng ta đẩy mạnh cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Bắt chước những việc đã làm của Trung Quốc, Đảng ta đã mắc nhiều sai lầm trong việc đấu tố tại nông thôn. Vào tháng 6, 7/1956, Bác Hồ cùng lãnh đạo Đảng họp với một số vị cán bộ cốt cán của Đảng để tự kiểm điểm và sửa sai. Anh được giao nhiệm vụ sửa sai này và đã làm tốt công việc. Qua những ngày Anh đi nông thôn, những buổi Anh nói chuyện với cán bộ, nông thôn đã thanh bình trở lại, nông dân khôi phục và củng cố thêm lòng tin đối với Đảng và Bác Hồ. Tôi nghĩ, ngoài những chiến công rực rỡ ngoài mặt trận, anh Văn đã góp công lớn trong việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội sau Cải cách ruộng đất.
Năm 1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập, anh Văn có lần được cử làm chủ nhiệm Ủy ban. Tôi lại có dịp gần gũi Anh. Lúc đó, tôi là Ủy viên kiêm Thư ký Ban Khoa học Xã hội, giúp chủ nhiệm và cùng Tổng thư ký Tạ Quang Bửu, góp phần xây dựng một số viện đầu tiên của Khoa học Xã hội như viện Văn học, viện Sử học, tổ Triết học, tổ Luật học,…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS Vũ Khiêu đi kiểm tra việc chuẩn bị Hội thảo kỷ niệm danh nhân Nguyễn Trãi vào năm 1980
THỜI KỲ ĐẠI TƯỚNG ĐƯỢC GIẢM CÁC NHIỆM VỤ
Vào khoảng giữa thập kỷ 80, công việc của Anh được giảm bớt rất nhiều. Anh được dịp nghỉ ngơi, hàng ngày chơi dương cầm ở gia đình và ngồi du thuyền Hồ Tây. Người ta có thể nghĩ rằng, Anh sau bao năm chiến đấu, được thảnh thơi trong cảnh điền viên.
Tôi không nghĩ như thế. Tôi cảm thấy lòng Anh cũng như lòng Nguyễn Trãi, khi về nghỉ ở Côn Sơn. Câu thơ tâm sự của Nguyễn Trãi cũng là tâm sự của Anh những năm ấy:
Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng
Tôi nghĩ lòng Anh lúc đó cũng là lòng Nguyễn Trãi: Ưu dân, ái quốc. Nghĩa là yêu nước và lo cho dân. Lòng Anh cũng “đêm ngày cuồn cuộn” như lòng Nguyễn Trãi. Anh không nghĩ đến bản thân mình mà luôn luôn nghĩ đến những việc lớn, sẽ diễn ra trên đất nước ta.
Năm 1980, Anh được giao trách nhiệm tổ chức kỷ niệm long trọng 500 năm ngày sinh của Anh hùng dân tộc và nhà văn hóa lớn: Ức Trai Nguyễn Trãi. Để chuẩn bị cho bài phát biểu chính thức của Đảng và Nhà nước, Anh yêu cầu một số các nhà khoa học trong giới Văn - Sử ghi những ý kiến cần nêu lên về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Trãi.
Trên cơ sở bài viết của mình, Anh bổ sung thêm một số ý kiến đóng góp của các học giả, rồi đưa bài viết ấy cho anh em xem lại và góp ý thêm. Qua cách làm việc đó, tôi học được tính thận trọng, nghiêm túc của Anh trước khi đưa những bài viết của mình ra công chúng. Đối với việc chuẩn bị Lễ kỷ niệm và cuộc Hội thảo về Nguyễn Trãi, tôi lại được theo Anh đi kiểm tra các bộ phận phụ trách các việc như: nội dung các bài tham luận, chương trình buổi lễ và thể thức tiếp khách quốc tế…
Về việc nghiên cứu sự nghiệp và cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh chịu trách nhiệm biên soạn một công trình về tư tưởng của Người để đưa ra Hội đồng nghiệm thu. Tập thể Hội đồng có công văn đề nghị Bộ Chính trị cử một ủy viên chủ trì. Bộ Chính trị vì bận công việc đã giao tôi nhiệm vụ chủ trì buổi nghiệm thu đó. Với tinh thần trách nhiệm cao, tôi và Hội đồng nghiệm thu đã đọc kỹ và đánh giá cao công trình nghiên cứu, chỉ đề nghị tác giả bổ sung thêm một số điểm về nhân cách Hồ Chí Minh mà chỉ những người gần gũi Bác Hồ như Anh mới nắm được.
Trước những năm tháng tưởng như an nhàn của Anh, Đảng giao cho Anh một công việc mới đó là: Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch. Tôi có hỏi, tại sao giao cho Anh công việc ấy, Anh cười bảo tôi: “Hồ Chủ tịch đã dạy chúng ta: Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Chúng ta đã từng vượt qua mọi khó khăn, từng đánh thắng mọi quân thù thì Đảng giao cho công việc gì cũng nhất định phải làm tốt việc ấy. Hãy bắt tay vào làm đi”.
Ngay từ hôm đó, tôi và Ủy ban Khoa học Xã hội đã bắt tay ngay vào công việc. Trước hết, tôi tổ chức ở Ủy ban một bộ phận nghiên cứu về kế hoạch hóa dân số. Làm thế nào để dân số không ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân? Dân số có kế hoạch khoa học và khả thi sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích của tương lai dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Trong thời kỳ này, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng lúc nào Anh cũng bình tĩnh, lạc quan. Anh luôn vươn lên trên để hướng tới những điều lớn lao của dân tộc và nhân loại. Anh luôn sống một cuộc đời khiêm tốn, giản dị, theo cách sống của Bác Hồ. Anh không chỉ được nhân dân trong nước yêu quý mà còn được đông đảo các danh nhân và các nhà khoa học trên thế giới ngưỡng mộ. Các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam, Anh không tiếp họ ở nhà riêng, nên thường bảo tôi tổ chức một cuộc gặp mặt ở cơ quan tôi để Anh đến tham dự.
Anh là một lãnh tụ giản dị và khiêm tốn, là một người có công lao lớn nhất trong sự nghiệp chiến thắng quân thù và giải phóng đất nước, nhưng Anh lại muốn che bớt đi ánh sáng rực rỡ ấy. Tài năng và đức độ của Anh, dù không bao giờ Anh tự nhận, nhưng đã được ghi lại bởi hàng trăm, hàng nghìn bài báo và bút ký của đông đảo tướng sĩ trong quân đội, của các cán bộ Đảng và Nhà nước, của các nhà báo và các nhà khoa học.
Nhận biết được tinh thần ấy, tôi đã viết tặng Anh mười chữ như sau:
Võ công truyền quốc sử
Văn đức quán nhân tâm
Có nghĩa là: Sự nghiệp to lớn của Anh sẽ mãi mãi lưu truyền trong lịch sử. Còn văn hóa và đạo đức của Anh thì trùm lên lòng người ở cả trong nước và nước ngoài.
Hôm nay, tôi chỉ ghi lại một số kỷ niệm thân mật giữa Anh và tôi. Những điều cụ thể hơn, đã viết trong cuốn hồi ký của tôi sẽ có dịp ra mắt bạn đọc.
***
Anh Văn ơi!
Anh mất đi là một tổn thất lớn của đất nước, là nỗi đau xót của 90 triệu đồng bào cả nước và cũng là nỗi tiếc thương của hàng triệu người hâm mộ Anh trên toàn trái đất.
Hôm nay, cả nước khóc Anh, như đã khóc Bác Hồ. Tôi còn khóc Anh nhiều hơn nữa. Anh là lãnh tụ của toàn dân, là hồn thiêng của sông núi. Đối với tôi, Anh còn là tài sản vô giá trong đời. Tôi khóc Anh mấy ngày hôm nay, đau đứt từng khúc ruột. Tôi nhìn lên tường, đọc lại những lời Anh viết tặng năm tôi 90 tuổi: “Mừng anh Vũ Khiêu, một nhà triết học cách mạng, một chiến sĩ anh hùng, năm nay thọ 90 xuân”.
Sinh ra tôi là cha mẹ, hiểu biết tôi lại là Anh. Tấm lòng tri ngộ ấy, tôi biết lấy gì báo đáp?
Hôm nay ngồi khóc, viết mấy lời trên. Trên bầu trời cao, Anh có thấu hiểu lòng tôi? (ND)
VŨ KHIÊU
Giáo sư - Anh hùng Lao động