Báo Phú Yên tiếp tục ghi lại những trải lòng của người dân Phú Yên khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp - học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, qua đời.
* THẠC SĨ NGUYỄN THỊ HIỆP NGỌC, TỔ PHÓ TỔ SỬ - ĐỊA - CÔNG DÂN TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH: Mang câu chuyện về cuộc đời Đại tướng truyền lửa đến học sinh
Khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, cảm xúc trong tôi lúc đó bần thần, mất mát. Những ngày qua, khi xem các đoạn phim, hình ảnh, bài viết về những chặng đường lịch sử vẻ vang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi qua cùng dân tộc Việt Nam và cả những khoảnh khắc rất đời thường của một vị tướng dung dị, đầy tình yêu thương, tôi đã không kìm được nước mắt. Dẫu biết Đại tướng tuổi đã cao và chuyện sinh tử là lẽ thường tình, nhưng tôi vẫn hy vọng Đại tướng sẽ sống lâu hơn nữa.
Giới giáo viên sử học chúng tôi luôn xem Đại tướng không chỉ là một nhân vật của lịch sử mà còn là người đồng nghiệp lão thành và lão luyện. Bởi thời trai trẻ, ông đã từng là một giáo sư dạy sử tại Trường Thăng Long ở Hà Nội và sau này, khi trở thành một nhà hoạt động chính trị, một nhà quân sự lớn, Đại tướng vẫn luôn mang tư duy của một nhà sử học. Trước đây, trong những bài giảng của mình, tôi vẫn lồng kể những câu chuyện về Đại tướng để làm bài học thêm sinh động, giúp các em hiểu hơn về lịch sử dân tộc qua 2 cuộc chiến tranh. Và ngay cả khi Đại tướng mất, tôi vẫn sẽ tiếp tục mang những câu chuyện về nhân vật lịch sử, về nhân cách lớn này truyền lửa đến học sinh qua các bài giảng để các em càng thêm trân trọng, cảm kích công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà nỗ lực học tập, xây dựng quê hương.
* LÊ VĂN BA, BÍ THƯ CHI BỘ KHU PHỐ NINH TỊNH II (PHƯỜNG 9, TP TUY HÒA): Tiếc thương, tự hào về người Anh Cả
Cũng như bao người dân Việt Nam, tôi vô cùng hụt hẫng, tiếc thương khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, qua đời.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc không chỉ trong lòng người dân Việt Nam mà còn được cả thế giới kính nể, tôn vinh. Nhưng với Đại tướng, danh từ “Người Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã nói lên tài năng, đức độ, sự bình dị mà cao cả. Một vị tướng sống mãi trong tình cảm sâu nặng của quân và dân Việt Nam. Tôi tham gia bộ đội sau khi giải phóng, thống nhất đất nước, là lớp thế hệ con cháu, tôi cảm thấy tự hào vì mình được đứng trong hàng ngũ quân đội nhân dân, mà đứng đầu là vị Đại tướng kính mến.
Năm 2004, khi Đại tướng đã ở tuổi 94, sức khỏe đã yếu, nhưng trong chuyến trở lại thăm Đồi A1, trận địa Điện Biên Phủ năm nào, bác đã đến từng ngõ ngách, thắp hương từng mộ phần của những đồng đội đã ngã xuống. Hình ảnh gần gũi, bình dị, đầy tình cảm ấy bỗng dưng tái hiện lại rưng rưng trong tâm trí tôi.
* BÁC SĨ NGUYỄN THÀNH LÃM (BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHÚ YÊN): Học ở Đại tướng nhiều bài học lớn
Được học những bài học lịch sử khi còn ngồi trên ghế nhà trường về Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi hiểu được vai trò của người đứng đầu đoàn quân với vũ khí thô sơ nhưng tràn đầy nhuệ khí của lòng yêu nước và ý chí đấu tranh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng đã chỉ huy đánh hết trận này đến chiến dịch khác, đưa dân tộc Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Trong suy nghĩ của tôi, Tướng Giáp thật gần gũi bởi hình ảnh mộc mạc trong buổi lễ tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Càng học, càng đọc nhiều tôi càng thấy khâm phục tài năng, đức độ và nhân cách một con người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân của lòng yêu nước nồng nàn, là tinh thần kiên định, sát thực tế và linh hoạt với những quyết sách táo bạo, đúng đắn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng là người đưa ra các phương châm chiến đấu: Đánh chắc thắng chắc (thay vì đánh nhanh thắng nhanh), đại đội độc lập, bám thắt lưng địch mà đánh… điều đó đã mang lại chiến thắng vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đại tướng còn là hiện thân của tinh thần trách nhiệm, kỷ luật và tình yêu quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Điều đó được thể hiện, khi đất nước giải phóng, Đại tướng được Đảng phân công ở nhiều vị trí công tác khác nhau, ông đều hoàn thành nhiệm vụ mà không nề hà. Và, dẫu một chặng đường dài xa quê, nhưng Đại tướng vẫn giữ nguyên chất giọng và ước nguyện cuối cùng là được an nghỉ trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn Quảng Bình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, nhưng đã để lại nhiều bài học lớn cho thế hệ hôm nay và mai sau.
* ÔNG NGUYỄN ĐẶNG, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG HIỆP HÒA: Tôi như mất đi một người thân
Suốt mấy ngày qua, tôi rất buồn khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Tôi thật sự cảm thấy hụt hẫng vì sự ra đi của Đại tướng và như thấy mình vừa mất đi một người thân. Dẫu biết rằng sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường tình của một con người nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng tài ba của dân tộc và cả thế giới thì sự ra đi của ông là một mất mát quá lớn.
Tôi đã từng có dịp gặp nhiều bạn bè quốc tế khi ra nước ngoài công tác. Họ đều nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả sự trân trọng, quý mến nhất. Điều đó làm tôi tự hào khi mình là công dân của một đất nước có Bác Hồ, có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đã được đọc nhiều cuốn sách của các học giả, nhà báo, các sử gia… viết về tài thao lược trong nghệ thuật dụng binh của Đại tướng và vô cùng cảm phục tài năng, đức độ của người học trò của Bác Hồ suốt đời hết mình vì dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, nhưng những gì mà ông làm được cho đất nước chắc chắn sẽ được nhiều thế hệ người Việt Nam hôm qua, hôm nay và cả mai sau khắc ghi trong lòng. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
* VÕ VĂN VIỄN, BÍ THƯ XÃ ĐOÀN HÒA THÀNH (ĐÔNG HÒA): Bắt tay vào những việc làm cụ thể
Những ngày qua, tôi cũng như nhiều đoàn viên thanh niên ở địa phương rất buồn khi đất nước mất đi một vị tướng tài ba, đức độ. Tuy sinh ra trong thời bình, nhưng với những kiến thức được biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi nhận thức được rằng lớp người trẻ hôm nay phải nỗ lực hơn để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với những hy sinh và gian khổ của các thế hệ cha ông đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.
Bên cạnh việc cập nhật thông tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các phương tiện truyền thông và thể hiện tình cảm của mình trên các trang mạng xã hội, chúng tôi đã phối hợp với thanh niên địa phương tuyên truyền cho các đoàn viên về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi xem đây là cách để nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên, biến niềm thương tiếc thành hành động cụ thể trong công cuộc xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc trước các thế lực thù địch.
Kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2013), dự kiến xã đoàn sẽ tổ chức buổi giao lưu và tọa đàm giữa các cựu chiến binh, những người có công với cách mạng với đoàn viên thanh niên với chủ đề về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một danh tướng của nhân dân Việt Nam và của thế giới.
* NAY HỜ DIỆU (HỌC SINH LỚP 10B TRƯỜNG THPT DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH PHÚ YÊN): Cụ Giáp sống mãi trong lòng nhân dân
Em học lịch sử được biết cụ Võ Nguyên Giáp là người tài ba lỗi lạc trong quân sự, đã chỉ huy quân và dân ta chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược đưa đất nước đến thắng lợi vẻ vang của cả dân tộc. Khi nghe tin cụ Giáp mất em rất buồn, cảm giác mất mát rất lớn lao cho quê hương, đất nước mình. Qua đây em cũng xin dâng nén hương đưa tiễn cụ về nơi an nghỉ cuối cùng. Cụ Giáp sống mãi trong lòng nhân dân.
NHÓM PV ghi