Bất kể ngày đêm, công nhân sửa chữa đường sắt không ngày nào được rời cung đường mình quản lý, bởi lịch trình của tàu chạy là cố định theo giờ hàng ngày. Công việc thầm lặng của họ đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu.
LÀM VIỆC BẤT KỂ NGÀY ĐÊM
Để những đoàn tàu an toàn về ga, kíp công nhân sửa chữa đường sắt không quản ngày đêm, bất kể thời tiết để làm công việc của mình. Cung đường sắt Phú Hiệp (huyện Đông Hòa) hiện có 14 công nhân; trong đó có 7 người làm công tác duy tu sửa chữa. Theo chân đội công nhân duy tu đường sắt mới biết được sự gian nan, vất vả của các anh. Công việc chính của đội là sửa chữa, tu bổ cầu, đường, hầm, thay thế ray, ghi, tà vẹt, bổ sung đá ba lát… để tạo bề mặt đường sắt luôn “êm” cho tàu chạy an toàn.
Trên cung đường dài gần 9km, hàng ngày, công nhân cung đường sắt Phú Hiệp phải kiểm tra, phát hiện các điểm có sự cố kỹ thuật để kịp thời sửa chữa. Theo anh Lê Minh Trứ, công nhân ở cung đường sắt Phú Hiệp, người có hơn 20 năm làm công việc duy tu đường sắt, nghề này thường chỉ dành cho nam giới vì điều kiện làm việc khá vất vả. Giữa cái nắng chói chang, đang mải miết sửa chữa, vặn ốc, làm đá ba lát trên đường tàu thì cả đội phải tạm ngưng công việc và chạy nhanh xuống hai bên đường sắt để tránh đoàn tàu đang chạy tới. Đoàn tàu ầm ầm chạy qua cũng là lúc các anh được nghỉ ngơi đôi chút. Các đoạn đường tàu phải được duy tu thường xuyên, những tuyến đường sắt cũ đến “tuổi” cần thay thế nhiều bộ phận hay hỏng hóc sau mỗi lần tàu chạy khiến công việc của công nhân sửa chữa đường sắt trở nên bận rộn hơn. Bất kể ngày, đêm, lễ, tết, công nhân sửa chữa đường sắt lúc nào cũng phải sẵn sàng đi bảo dưỡng đường ray vì sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Anh Trà Trí Thích, công nhân ở cung đường sắt Phú Hiệp, chia sẻ: Tôi gắn bó với công việc sửa chữa đường sắt khoảng 2 năm. Thời gian đầu, tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ, có lúc chán nản nhưng càng làm thì càng thấy yêu thích công việc này. Vì tàu chạy theo lịch trình nên đòi hỏi chúng tôi phải làm nhanh, gọn. Mỗi đoàn tàu chạy qua an toàn, tôi lại thấy công việc của mình có ý nghĩa. Đó cũng chính là động lực giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn của nghề.
NHỮNG BƯỚC CHÂN KHÔNG MỎI
Theo anh Nguyễn Anh Nguyên, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt Tuy Hòa, hiện đội có 130 công nhân làm việc ở 4 cung đường và 1 cầu; trong đó có 39 công nhân duy tu đường, cầu và 21 công nhân tuần đường, cầu. Mỗi cung đường đều có người làm nhiệm vụ tuần đường. Làm việc cả ngày lẫn đêm, bất kể thời tiết, với hành trang là túi đồ nghề gồm: Mỏ lết, cờ lê, búa, cờ, đèn, pháo hiệu, họ vẫn phải “bám” đường sắt để phát hiện những nguy hiểm rình rập đoàn tàu. Mỗi cung đường sắt dài khoảng 10km, ngày làm việc chia làm 3 ban, mỗi ban 8 tiếng, công nhân đi bộ kiểm tra một lượt đi và về dài 20km rồi tiếp tục bàn giao cho ban khác. Anh Nguyên cho biết thêm: Vào ban đêm, người tuần đường mặc thêm áo phản quang và cầm đèn hiệu thay cho cờ hiệu. Trong quá trình đi tuần, nếu gặp sự cố nhỏ như lỏng bù loong, ốc vít, nhân viên tuần đường dùng cờ lê mang theo để sửa chữa tại chỗ. Khi gặp sự cố lớn, họ sẽ bắn pháo sáng báo hiệu từ xa, dùng còi hiệu và cờ cho dừng tàu tránh nguy cơ xảy ra tai nạn.
Ông Trần Đình Năng, công nhân thuộc Đội Quản lý đường sắt Tuy Hòa, năm nay đã có trên 30 năm gắn bó với công việc tuần đường. Ông Năng vẫn nhớ như in thời gian đầu đi dọc đường ray, chân ông phồng rộp và đau nhức. Ông Năng chia sẻ: Nhân viên tuần đường làm việc bất kể thời tiết, vì càng mưa bão thì càng phải đi kiểm tra xem đường tàu có bị sự cố gì hay không để kịp thời khắc phục. Dù mưa to, gió lớn, mệt mỏi đến đâu thì bản thân người tuần đường cũng không được phép lơ là, mà phải luôn tập trung và tỉnh táo suốt hành trình.
Với mức thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng, thì chỉ có tình yêu nghề, sự cảm thông của gia đình cùng những chuyến tàu an toàn rực sáng trong đêm mới tiếp thêm hơi ấm và sức mạnh cho bước chân của những người công nhân đường sắt tiếp tục cuộc hành trình không mệt mỏi trên những cung đường.
Anh Nguyễn Anh Nguyên, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt Tuy Hòa |
HỒ NHƯ