Thứ Tư, 02/10/2024 02:21 SA
Thôn Long Hòa, xã An Định (Tuy An):
Dân đi lại trên chiếc “cầu tre gập ghềnh”
Thứ Hai, 21/04/2014 14:00 CH

Người dân xã An Định (Tuy An) phải đi lại trên cầu tre gập ghềnh. Không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm trong việc đi lại mà việc trồng trọt của người dân khu vực này cũng ảnh hưởng do không có cầu vững chắc để vận chuyển nông sản.

cau140421.jpg

Cầu tre do người dân tự làm tại thôn Long Hòa (xã An Định, Tuy An) - Ảnh: H.NHƯ

TỰ LÀM CẦU ĐỂ ĐI

Ông Phan Văn Ba cho biết: “Trước đây cầu ở thôn Long Hòa là cầu gỗ do người dân tự làm để đi lại. Tuy nhiên, trong mùa mưa năm 2013, cầu bị nước lũ cuốn trôi, người dân phải qua lại sông bằng sõng. Để việc đi lại được thuận tiện, người dân địa phương tự đóng góp công sức và vật liệu làm lại cầu bằng tre dài khoảng 30m, chân cầu bằng gỗ, mặt cầu bằng vỉ tre rộng 1,7m”.

Lâu nay, người dân vùng 9 và vùng 10 ở thôn Long Hòa, xã An Định phải đi lại qua cây cầu tre do họ tự làm. Đây là con đường độc đạo nối 2 khu dân cư vùng 9 và vùng 10. Chiếc cầu được làm bằng tre khá thô sơ với mặt cầu là lớp vỉ tre (gồm những thanh tre mỏng đan vào nhau) rộng khoảng 1,7m, chân cầu được làm bằng những khúc gỗ đóng xuống lòng sông Con. Vì mặt cầu được làm từ vỉ tre nên khá yếu, chỉ dùng cho xe máy, xe đạp và người đi bộ. Tuy nhiên, các phương tiện này đa số đều phải dắt bộ qua cầu vì mặt cầu lúc nào cũng gập ghềnh, người điều khiển không thể lái xe qua được. Bà Đặng Thị Thu Hiền ở vùng 10, thôn Long Hòa cho biết: “Bà con ở đây muốn qua vùng 9 để đi chợ, buôn bán hay trẻ con đi học đều phải đi qua cầu này. Biết là cầu có thể sập bất cứ lúc nào nhưng đành chấp nhận rủi ro, vì không còn đường nào khác. Con tôi, đứa học lớp 2, đứa lớp 5 ngày nào cũng phải cắp sách đi qua cầu để đến trường. Để con tự đi học, tôi ở nhà không yên tâm chút nào”.

Không chỉ khó khăn trong việc đi lại hàng ngày mà cuộc sống của người dân vùng 9 và vùng 10, thôn Long Hòa còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không có đường đi để vận chuyển nông sản. Theo nhiều người, đất đai ở vùng 10 khá trù phú, rất thuận tiện cho việc trồng trọt các loại cây như lúa, khoai, bắp… Thế nhưng, cầu tre thì nhỏ hẹp, lại yếu, máy gặt lúa cũng như các loại xe có tải trọng lớn đều không thể qua lại. Vì thế, đến mùa thu hoạch, người dân ở đây phải chật vật vì các máy móc không thể qua bên kia sông làm thay sức người, phần vì không biết vận chuyển nông sản về bằng con đường nào. Bà Nguyễn Thị Minh ở vùng 9 nói: “Mùa màng đến nơi rồi mà chúng tôi vẫn chưa biết đưa lúa về nhà bằng cách nào. Cầu yếu nên máy gặt lúa không thể qua bên kia sông để gặt được, chúng tôi phải thuê nhân công gặp tay, trong khi thời điểm này đâu dễ kiếm được người. Cha mẹ tôi giờ đã trên 60 tuổi mà còn phải tự ra đồng gặt lúa vì thuê không có người”.

THIẾU KINH PHÍ XÂY CẦU KIÊN CỐ

Bao đời nay người dân vùng 9 và vùng 10 thôn Long Hòa mong có được cây cầu kiên cố bắc qua sông Con để việc đi lại đỡ vất vả hơn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Ông Huỳnh Văn Kháng ở vùng 9 bức xúc: “Đã mấy chục năm nay bà con chúng tôi mong có cầu kiên cố nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Mong sao Nhà nước sớm cho xây dựng cầu để người dân bớt khổ”.

Ông Phan Văn Ba, Chủ tịch UBND xã An Định cho biết: “Cầu tre nối vùng 9 và vùng 10 của thôn Long Hòa luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mỗi khi người dân qua lại. Thu nhập của người dân ở đây chủ yếu từ trồng trọt, trong khi việc vận chuyển nông sản gặp rất nhiều khó khăn, khiến bà con rất bức xúc. Hơn nữa, hiện có khoảng 35 học sinh các cấp ở vùng 10 phải đi học qua cầu tre, chúng tôi luôn lo sợ tai nạn xảy ra. Khu vực này lòng sông lại khá sâu, nếu bị ngã sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Địa phương đã nhiều lần đề nghị cấp trên bố trí vốn xây dựng cầu kiên cố để việc đi lại của bà con được thuận tiện hơn, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.

Theo Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Tuy An, hiện địa phương có 2 cầu thô sơ là cầu Bình Thạnh (xã An Ninh Tây) và cầu Long Hòa (xã An Định). Huyện đã nhiều lần kiến nghị về việc xin chủ trương đầu tư xây dựng cầu kiên cố để thay thế 2 cầu trên. Đối với cầu Long Hòa, huyện đã có dự án xây cầu, nhưng do không có kinh phí nên đến nay vẫn chưa triển khai được. Hiện nay đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, vì vậy tỉnh cần xem xét đầu tư xây dựng các cầu trên nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek