Hỏi: Hiện dịch sởi đang bùng phát, tuy nhiên tôi cũng nghe nói có nhiều bệnh phát ban giống sởi. Vậy làm thế nào để phân biệt sởi với các bệnh phát ban khác để đề phòng, thưa bác sĩ?
Phạm Thị Liên
(xã Hòa Trị, Phú Hòa)
Trả lời: Có rất nhiều bệnh nhiễm trùng có phát ban. Bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa vào đặc điểm của ban, tiền sử bệnh, các triệu chứng kèm theo khác. Tuy nhiên vài trường hợp không điển hình, cần dựa vào xét nghiệm huyết thanh học để khẳng định. Đa số bệnh được chẩn đoán dựa vào đặc điểm điển hình của ban sởi như sau:
- Triệu chứng trước khi phát ban: sốt, ho, sổ mũi, viêm kết mạc (đỏ mắt, chảy nước mắt).
- Ban xuất hiện khoảng 3 đến 4 ngày sau sốt, dạng ban sần (gồ trên mặt da), màu đỏ gạch; bắt đầu từ cổ, sau tai rồi lan xuống thân mình, tay chân. Ban có thể kết thành từng mảng lớn. Sau 5 đến 6 ngày ban lặn cũng bắt đầu từ cổ trở xuống, khi lặn ban hóa nâu, bong vảy để lại trên da các vết vằn vện như da hổ.
Hầu hết bệnh nhân sởi có thể chăm sóc, điều trị tại nhà, cần chú ý: vệ sinh da, răng miệng hằng ngày, không phải kiêng nước, chỉ cần tránh gió lùa. Cho trẻ uống đủ nước, ăn uống tùy thể trạng để đảm bảo dinh dưỡng, không kiêng khem. Trẻ đang bú mẹ cần tiếp tục cho bú. Dùng thêm thuốc hạ nhiệt; Vitamin A liều cao theo chỉ định của cán bộ y tế.
Một số bệnh phát ban giống sởi thường gặp khác:
- Sởi Đức (rubella): nổi ban 1 đến 2 ngày sau sốt, ban màu đỏ hồng bắt đầu từ cổ lan xuống; lặn sau khoảng 3 ngày, không bong vảy; thường kèm nổi hạch sau tai, cổ, chẩm.
- Thủy đậu: ban dạng bọng nước (như nốt phỏng) to nhỏ không đều, trên một vùng da có thể thấy những nốt mới mọc xen kẽ nốt đã lặn; có thể kèm sốt, mệt mỏi, suy nhược.
- Tay chân miệng: Ban dạng bọng nước mọc chủ yếu ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, kéo dài khoảng 3 đến 10 ngày- Sốt xuất huyết: ban xuất hiện 1 đến 2 ngày sau sốt, ban phẳng dạng chấm hay mảng xuất huyết, nổi khắp thân mình; thường kèm sốt cao liên tục, kéo dài 5 đến 7 ngày.
Khi có nghi ngờ, bạn nên đến bác sĩ khám để được chẩn đoán, tư vấn thích hợp.
BS ĐOÀN VĂN HẢI