Ở các đô thị hiện nay, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ như: may mặc, hớt tóc, siêu thị mini, nhà nghỉ, karaoke... khá phổ biến. Loại nhà ở kết hợp kinh doanh thường ở các mặt phố, diện tích nhỏ hẹp nên người dân thường ưu tiên diện tích phòng ở và kinh doanh, thu hẹp giếng trời, hệ thống điện kém chất lượng, không có hệ thống thông hơi, thông gió, chỉ có một lối thoát ra vào duy nhất. Việc sử dụng điện, khí dầu mỏ hóa lỏng và lửa trần tại các hộ gia đình này đang là vấn đề rất đáng quan tâm.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), Bộ Công an, hàng năm, cả nước xảy ra 2.500-3.000 vụ cháy, trong đó có tới 45-55% các vụ cháy xảy ra đối với loại hình nhà dân. Điều đáng nói, các vụ cháy này đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản. Điển hình, ngày 16/9/2014, xảy ra vụ cháy ở tiệm cắt tóc số 416 Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5, TP Hồ Chí Minh) làm thiệt mạng 7 người trong một gia đình; ngày 1/11/2016 xảy ra cháy tại quán karaoke 68 (số 68 đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) gây cháy lan sang 3 nhà liền kề, làm chết 13 người… Trên địa bàn Phú Yên, trong năm 2016 xảy ra 27 vụ cháy làm bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản gần 2,7 tỉ đồng, trong đó có 6 vụ cháy nhà dân.
Nghiên cứu các vụ cháy trên cho thấy tình trạng sử dụng điện, khí dầu mỏ hóa lỏng và lửa trần trong sinh hoạt và thực trạng sử dụng nhà ở kết hợp kinh doanh trong gia đình có nhiều vấn đề đáng báo động. Kiến trúc của các ngôi nhà này thiết kế không theo nguyên tắc, tiêu chuẩn cụ thể nào. Trong các ngôi nhà này chỉ có duy nhất một lối thoát nạn, đa phần sử dụng cửa cuốn, tầng trên cơi nới làm “chuồng cọp” để tránh trộm, người dân thiếu kỹ năng thoát hiểm, không trang bị phương tiện chữa cháy xách tay…
Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, đảm bảo an toàn thoát nạn cho người tại các khu dân cư, đặc biệt là đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, về phía người dân, các chủ hộ gia đình cần tham gia các lớp huấn luyện, tuyên truyền về PCCC do lực lượng công an tổ chức nhằm nắm bắt những kiến thức cơ bản về công tác PCCC, cách đề phòng cháy, nổ tại gia đình và nơi làm việc; kỹ năng thoát hiểm tại nơi hạn chế lối thoát nạn. Tại mỗi hộ gia đình, đặc biệt nhà ở có sử dụng kinh doanh, cần trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy xách tay phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy nổ, thực hiện đúng nguyên tắc: “Mọi hoạt động PCCC trước hết được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”. Trong quá trình sinh hoạt cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng điện, khí dầu mỏ hóa lỏng và các dạng lửa trần. Hạn chế sử dụng cửa cuốn làm cửa chính tại các hộ gia đình, đặc biệt là đối với các hộ kinh doanh, vì khi xảy ra cháy, mất điện, cửa cuốn không hoạt động được, dẫn đến mắc kẹt trong nhà và công trình. Nhà từ 2 tầng trở lên không nên làm “chuồng cọp”, cơi nới thêm diện tích phía trên nhà. Trường hợp đã lắp “chuồng cọp”, cần làm cửa chốt trong và không được khóa để nếu xảy ra cháy, có thể mở cửa để thoát hiểm sang các nhà liền kề. Nếu có khóa thì chìa khóa để nơi dễ thấy, dễ lấy để mọi thành viên trong gia đình đều sử dụng được.
Trung tá ĐÀO THẾ HẢI
Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH