Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình được lập lại, Hiệp định Genève được ký kết, chuẩn bị tổng tuyển cử thống nhất đất nước nhưng đế quốc Mỹ lại hất cẳng Pháp can thiệp vào miền Nam, đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn lập chính phủ bù nhìn thân Mỹ.
Theo quy định của Hiệp định Genève, đến ngày 31/8/1954, toàn bộ LLVT Phú Yên phải rút hết ra Bình Định để tập kết ra Bắc.
B95 giành thắng lợi trận đầu
Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương về tình hình nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị mở rộng, đề ra nhiều biện pháp để chuyển hướng tư tưởng, củng cố hệ thống tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở và rút vào hoạt động bí mật. Về quân sự, Tỉnh ủy chọn vùng Thồ Lồ (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) làm căn cứ, thành lập chính quyền tự quản và mở con đường bí mật từ căn cứ này ra Bình Định để liên lạc với trên.
Tháng 6/1958, chấp hành Nghị quyết của Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy họp đề ra nghị quyết xây dựng căn cứ địa miền núi, xây dựng lực lượng tự vệ, trung đội du kích thoát ly tiến hành diệt ác ôn bảo vệ phong trào, xây dựng chính quyền cách mạng trong các vùng ta làm chủ. Theo đó, một số buôn làng ở các huyện Miền Tây, Sơn Hòa, chính quyền cách mạng, LLVT tự vệ bước đầu được hình thành.
Tháng 11/1959, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng tại Suối Heo, Bầu Bèn (xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) quán triệt Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cụ thể hóa thành những chủ trương, công tác, chuyển từ thế đấu tranh chính trị giữ gìn và bảo tồn lực lượng, sang thế cách mạng tiến công, thành lập LLVT của tỉnh, huyện và lực lượng bán vũ trang của xã, chuẩn bị điều kiện đồng khởi.
Tháng 10/1959, đoàn cán bộ tập kết từ miền Bắc trở về đến Phú Yên gồm 32 đồng chí là cán bộ quân đội và dân chính đảng. Mỗi đồng chí mang về một khẩu súng tiểu liên, một súng ngắn, 2kg thuốc nổ TNT. Đây là lực lượng nòng cốt để phát triển LLVT và xây dựng phong trào cách mạng cho tỉnh.
Đầu tháng 12/1959, tại buôn Ma Đao (xã Phước Tân), trung đội vũ trang đầu tiên của tỉnh được thành lập, đặt tên là B95. Quân số 33 đồng chí, trang bị 1 súng tiểu liên Tuyn, 1 súng trường Mas, 1 súng ngắn, còn lại là cung, ná... Sau khi thành lập trung đội, tổ chức đánh đồn Trà Kê (huyện Sơn Hòa) giành thắng lợi trận đầu.
Trên cơ sở Trung đội vũ trang B95 làm nòng cốt và vận động thanh niên địa phương, đầu năm 1960, ta bổ sung phát triển thành 3 trung đội vũ trang. Lúc này thanh niên là cơ sở cách mạng thoát ly ra căn cứ khá đông nên tỉnh thành lập Trường Quân sự, lấy phiên hiệu 200 để thế hệ trẻ biết và hình dung huấn luyện tân binh bổ sung cho các đơn vị của tỉnh.
Đồng khởi Hòa Thịnh
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I (trong kháng chiến chống Mỹ) tổ chức tại buôn Ma Hàm (Thồ Lồ) tháng 9/1960, Ban Quân sự tỉnh và những đơn vị đầu tiên được hình thành ở huyện Miền Tây là tiền thân của Tỉnh đội Phú Yên và các đơn vị bộ đội địa phương.
Trong năm 1960, LLVT đã tiêu diệt tên ác ôn Thống Cường ở xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân; sau đó Tuy Hòa 1 hoạt động mạnh, diệt tên Nguyễn Y Chi mật vụ quận Hiếu Xương, rồi diệt tên ác ôn Nguyễn Ân ở thôn Phước Giang, xã Hòa Xuân…, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, phong trào quần chúng nổi dậy cướp chính quyền ở các thôn, buôn rầm rộ.
Việc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đưa lên căn cứ là cố gắng lớn của tỉnh, là một vinh dự lớn của quân và dân Phú Yên đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng của Trung ương Đảng giao. Một tháng sau, Luật sư được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. |
Đỉnh cao là ngày 22/12/1960, quần chúng nhân dân xã Hòa Thịnh đã được LLVT hỗ trợ nổi dậy làm nên cuộc đồng khởi, giành lấy chính quyền về tay Nhân dân, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong phong trào cách mạng của địa phương từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Thắng lợi của Đồng khởi Hòa Thịnh được Khu ủy Khu 5 khẳng định là “điểm mở đầu cho phong trào giải phóng các tỉnh đồng bằng Khu 5”.
Sau Đồng khởi Hòa Thịnh, hàng trăm thanh niên thoát ly tham gia cách mạng, được đưa về Trường Quân sự tỉnh huấn luyện bổ sung cho các đơn vị LLVT của tỉnh, thành lập các đại đội tập trung. Đại đội 375 tổ chức chiến đấu ở Phước Lãnh, Cây Du, Đá Chét... giành thắng lợi giòn giã, tạo khí thế cách mạng trong quần chúng nhân dân. Các huyện thành lập trung đội vũ trang, diệt ác hỗ trợ phong trào…
Giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Tháng 8/1961, Quân khu 5 quyết định thành lập Ban Chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên do đồng chí Nguyễn Lầu (Trung Dũng) làm tỉnh đội trưởng; thành lập 3 cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần để phục vụ cho chỉ huy. Tỉnh đội Phú Yên ra đời đánh dấu bước trưởng thành và phát triển mới của LLVT tỉnh nhà, đáp ứng yêu cầu tác chiến tập trung, hỗ trợ đắc lực cho phong trào chiến tranh du kích và đấu tranh chính trị.
Tỉnh đội được giao nhiệm vụ tập kích quận lỵ Củng Sơn để giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị địch quản thúc ở đây, nhưng Luật sư về Tuy Hòa. Đây là trận tập kích quận lỵ đầu tiên ở miền Nam. Đến ngày 29/10/1961, sau hai lần bất thành, tại điểm hẹn gần mả bà Du Ký ở chân núi Chóp Chài, ta đã giải thoát, đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lên căn cứ an toàn.
Tháng 7/1961, Quân khu 5 bổ sung cho Phú Yên khung cán bộ Đại đội 220. Tỉnh kịp thời bổ sung tân binh đủ biên chế đại đội. Sau đó Đại đội 220 tiến xuống hoạt động ở vùng Tây Tuy An. Cùng thời gian này, huyện Tuy Hòa 1 thành lập Đại đội 377.
Tháng 12/1961, tỉnh thành lập Đại đội Đặc công 202 (GI4), quân số 85 đồng chí và thành lập Trung đội Trinh sát (GI8). Đến tháng 6/1962, ban chỉ huy các huyện đội được thành lập, hệ thống chỉ huy từ tỉnh xuống huyện được hình thành. Cũng trong thời gian này, tỉnh thành lập Đại đội Trợ chiến lấy phiên hiệu 167, quân số 116 đồng chí. Tiếp đó, thành lập Tiểu đoàn Bộ binh lấy phiên hiệu 85, quân số 499 đồng chí…
Trong 4 tháng đầu năm 1962, các LLVT Phú Yên đã đánh hơn 20 trận từ cỡ trung đội đến tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, bắn hỏng 2 máy bay trực thăng… làm phá sản kế hoạch Xtaley - Taylor của chúng; đánh bại chiến dịch Hải Yến, phá tan từng mảng ấp chiến lược, giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở đồng bằng.
Bến tàu Không số Vũng Rô và Chiến thắng Đường 5, giải phóng tỉnh nhà
Từ đầu những năm 1960, LLVT tỉnh đã hình thành nhiều đơn vị, nhưng vũ khí thiếu thốn, tỉnh đề nghị và được trung ương chi viện vũ khí theo đường biển. Ban Thường vụ Liên tỉnh ủy III và Phân khu Nam chọn bến Vũng Rô để đón tàu vào. Đầu năm 1964, Tỉnh đội thành lập Đại đội K60 làm nhiệm vụ bảo vệ bến Vũng Rô, quân số 45 đồng chí. Bến Vũng Rô đã đón thành công 3 chuyến tàu Không số đưa gần 200 tấn vũ khí vào bến an toàn. Riêng chuyến thứ tư bị địch phát hiện, ta kịp thời vận chuyển hàng lên bờ và cho đánh bộc phá phá tàu, xóa dấu vết.
Nhờ có vũ khí được chi viện theo đường Hồ Chí Minh trên biển nên chiến trường Phú Yên hoạt động mạnh, vùng giải phóng của tỉnh được mở rộng, mỗi huyện đều thành lập 1 đại đội bộ binh, 1 đại đội đặc công có các tiểu đội trinh sát, thông tin, công binh và các khẩu đội cối để đánh địch.
Trong những năm 1966-1967, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, LLVT Phú Yên liên tiếp mở những trận đánh phủ đầu, đánh bại cuộc hành quân Van Bua Ren, đánh quỵ Lữ đoàn không vận số 1 và Sư đoàn dù 101 của Mỹ trong trận Gò Thì Thùng và đánh bại các cuộc phản công chiến lược mùa khô của quân Mỹ và Nam Triều Tiên.
Sau Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 trong toàn tỉnh, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, LLVT tập trung củng cố lực lượng, kiên trì bám trụ chiến trường đánh bại các kế hoạch bình định của địch; tổng tiến công chiến lược năm 1972; mở chiến dịch Thu năm 1974 kết thúc thắng lợi, vùng căn cứ và vùng giải phóng được phục hồi, tạo đà cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, làm nên Chiến thắng Đường 5 xuân 1975, giải phóng tỉnh nhà vào ngày 1/4, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.
LẠC HỒNG (tổng hợp)