Là một bộ phận của QĐND Việt Nam anh hùng, lịch sử của LLVT Phú Yên gắn liền với lịch sử của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà, trong đó gần một nửa thời gian là chiến tranh cách mạng, còn lại là quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Trong 30 năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, LLVT tỉnh đã kiên trì bám trụ, bám chiến trường cùng với Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh lập nên những chiến công oanh liệt vang vọng với thời gian, với những mốc son chói lọi như: đánh bại chiến dịch Át-lăng, Đồng khởi Hòa Thịnh, giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chiến thắng Đường 5 xuân 1975…
Sau ngày Phú Yên được giải phóng và đất nước thống nhất đến nay, LLVT tỉnh vừa thực hiện nhiệm vụ trên một địa bàn xung yếu, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia... Từ đó đến nay, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ chiến sĩ (CBCS) trong LLVT tỉnh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm sáng ngời hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Cùng cả nước giành chính quyền về tay Nhân dân
Để chuẩn bị cùng cả nước cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, ngày 12/6/1945, tại nhà ông Cộng Tiếu (còn gọi là Xứng) - một hội viên Hội Nông dân cứu quốc ở thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An, Tỉnh ủy Phú Yên lâm thời đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Trương Kiểm và quyết định cử đồng chí Lê Cấp, Tỉnh ủy viên, chịu trách nhiệm thống nhất các LLVT để chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ngày 25/4/2002, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã ra Quyết định 82/QĐ-QK công nhận ngày 12/6 là Ngày truyền thống của LLVT Phú Yên.
Ngay sau khi ra đời, với vũ khí còn rất thô sơ như gươm, dao, tên, ná…, LLVT Phú Yên đã cùng với Nhân dân trong tỉnh khởi nghĩa cướp chính quyền tại tỉnh lỵ Sông Cầu và cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay Nhân dân.
Sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 thắng lợi trong toàn tỉnh, các đội tự vệ nhanh chóng bổ sung các hội viên cứu quốc trẻ, khỏe, tích cực, là công cụ chuyên chính của chính quyền cách mạng ở cơ sở. Lực lượng tự vệ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đảng bộ địa phương, do ủy viên quân sự trong UBND các cấp phụ trách.
Phân đội Tự vệ Nhà máy đường Đồng Bò phát triển thành một đại đội. Phân đội Tự vệ TX Tuy Hòa cũng phát triển thành một đại đội. Đây là những đơn vị tiền thân của LLVT tỉnh Phú Yên.
Đến cuối tháng 9/1945, hầu hết các phường, xã trong tỉnh đều có tổ chức tự vệ, nơi ít một tiểu đội, nơi nhiều một trung đội, nhưng trang bị vũ khí vẫn còn rất thô sơ, chủ yếu bằng gươm, dao, tên, ná và số ít lựu đạn.
Song song với việc phát triển rộng khắp lực lượng dân quân tự vệ, theo chỉ thị của Trung ương Đảng cần “khẩn trương tập hợp các đội du kích và tự vệ tổ chức thành các đơn vị giải phóng quân”. Từ cuối tháng 8/1945, Xứ ủy cử đồng chí Lê Văn Đức, một cán bộ trưởng thành từ Đội du kích Ba Tơ ở Quảng Ngãi vào giúp Phú Yên thành lập Chi đội 4 Sông Cầu - tiền thân của Tỉnh đội Phú Yên, gồm 3 đại đội. Chi đội 4 Sông Cầu do đồng chí Lê Văn Đức làm chi đội trưởng, đồng chí Trương Kiểm - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời làm chính trị viên. Đến tháng 11/1945, Chi đội Vi Dân tiến vào Phú Yên được lệnh tách làm đôi, một nửa sáp nhập với Chi đội 4 Sông Cầu do đồng chí Vi Dân làm chi đội trưởng (thay đồng chí Lê Văn Đức). Đồng chí Nguyễn Nên, Tỉnh ủy viên được Tỉnh ủy cử làm chính trị viên, đồng chí Phạm Văn Thọ làm tham mưu trưởng.
Chi đội 4 Sông Cầu sau khi được thành lập, bộ đội tổ chức theo hình thức tiểu đội, phân đội, trung đội, đại đội, khẩn trương huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cơ bản.
Cùng với bộ đội giải phóng quân, quán triệt đường lối vũ trang của Đảng, tỉnh coi trọng và phát triển lực lượng tự vệ. Các trung đội cứu quốc ở các xã tiếp tục được củng cố. Các lò rèn biến thành xưởng sản xuất vũ khí tự tạo, rèn mã tấu, mác, dao găm để trang bị cho lực lượng này. Lúc này số lượng tự vệ trong tỉnh lên đến hàng vạn người. Đây là công cụ sắc bén bảo vệ chính quyền cách mạng ở cơ sở, bảo vệ các cơ quan Đảng, mặt trận, trấn áp bọn phản cách mạng, gìn giữ trật tự an ninh cho thôn xóm.
Bộ đội địa phương Phú Yên trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh TƯ LIỆU |
Đánh bại chiến dịch Át-lăng
Ngày 23/10/1945, quân Pháp nổ súng tiến công đánh chiếm Nha Trang. Cuối tháng 1/1946, sau khi có quân tăng viện từ chính quốc sang, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp tập trung 15.000 quân, gồm bộ binh, thiết giáp, không quân, hải quân mở cuộc hành quân “Gò” đánh chiếm Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Trước tình hình Mỹ, Tưởng và Anh, Pháp tạm dẹp mâu thuẫn bộ phận ở Đông Dương, nhân nhượng lẫn nhau hòng đẩy Nhân dân ta vào tình thế cô lập, cùng một lúc phải chiến đấu với nhiều kẻ thù, ngày 6/3/1946, Hiệp định sơ bộ giữa ta và Pháp được ký kết. Hiệp định đã tạo ra cho Nhân dân miền Nam nói chung và Phú Yên nói riêng những điều kiện thuận lợi để phát triển lực lượng cách mạng, chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến lâu dài. Theo đó, tháng 4/1946 Trung đoàn 79 được thành lập ở Phú Yên, gồm 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn quân số trên dưới 500 người. Tiếp đó, Trung đoàn 80 được thành lập. Đây là bước phát triển mới về tổ chức và trình độ chiến đấu của bộ đội ta, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc chiến tranh giải phóng ngày càng phát triển. Cũng trong thời gian này, Chi đội 4 Vi Dân - Sông Cầu giải thể và chuyển toàn bộ LLVT sang chuẩn bị thành lập Trung đoàn 83. Tỉnh đội dân quân được thành lập do đồng chí Huỳnh Văn Lịnh, Chánh văn phòng Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh làm tỉnh đội trưởng, đồng chí Trần Suyền, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh làm chính trị viên.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị bộ đội tập trung của Phú Yên phối hợp chặt chẽ với chủ lực của Liên khu 5 và dân quân du kích liên tục đánh địch, đánh bại mọi âm mưu đánh chiếm vùng tự do hòng “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp. Trong đó, chiến thắng Sông Ba - Trường Lạc (1949) là trận vận động chiến đầu tiên giành thắng lợi lớn trên chiến trường Phú Yên; và mốc son chói lọi của LLVT tỉnh nhà là đánh bại trận càn Át-lăng trong đông xuân 1953-1954 của thực dân Pháp, “chia lửa” với chiến trường Điện Biên, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Không chỉ kiên cường chiến đấu, đánh bại mọi cuộc hành quân càn quét của địch, bảo vệ vùng tự do, các LLVT Phú Yên cùng Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh còn đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo đời sống, hết lòng hết sức đóng góp sức người sức của cho sự nghiệp kháng chiến của dân tộc mà trực tiếp là cho sự nghiệp kháng chiến của quân dân Liên khu 5.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và quân dân Phú Yên bước vào một thời kỳ lịch sử mới. Từ một tỉnh tự do, có bộ máy chính quyền cách mạng rộng khắp, giàu kinh nghiệm chiến đấu, theo quy định của Hiệp định Genève, Phú Yên trở thành một tỉnh tạm thời nằm dưới sự kiểm soát của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
(còn nữa)