Thời gian gần đây, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp theo hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng, gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tâm sinh lý cho các nạn nhân.
Ban Phụ nữ Công an tỉnh tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh. Ảnh: NHƯ LAN |
Vấn đề này đặt ra nhiều bài toán cho các lực lượng chức năng và vai trò của gia đình trong việc bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước.
Thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình
Thống kê cho thấy, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ, 36 đối tượng trực tiếp xâm hại 37 em, tăng hơn 38% so với năm trước. Quý I/2024, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ với 13 đối tượng xâm hại trẻ em, tăng 5 đối tượng so với cùng kỳ. Nổi lên là tình trạng đối tượng và bị hại quen biết nhau, sau đó nảy sinh quan hệ tình cảm yêu đương rồi quan hệ tình dục.
Đáng chú ý là vụ án hiếp dâm xảy ra ngày 28/9/2023 tại thôn Tân Bình, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa. Bốn đối tượng đã dùng vũ lực và sử dụng thủ đoạn khác đe dọa, uy hiếp tinh thần, sau đó nhiều lần thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi.
Thượng tá Nguyễn Đức Văn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Trong các vụ án trên, có đối tượng là hàng xóm, có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, sử dụng lợi ích vật chất (cho trái cây, trà sữa...) để dụ dỗ, tiếp cận nạn nhân; có đối tượng dùng vũ lực, thủ đoạn khác đe dọa; có đối tượng và nạn nhân quen biết nhau qua mạng xã hội Facebook rồi tự nguyện quan hệ tình dục.
Đáng chú ý, nạn nhân trong các vụ việc đều không nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ từ phía gia đình. Một số trường hợp cha mẹ ly hôn, hiện đang sống cùng mẹ và cha dượng; mẹ bỏ đi, cha làm thuê hoặc trường hợp cha mẹ làm thuê cả ngày, nạn nhân ở nhà một mình...
Tăng cường tuyên truyền kỹ năng phòng chống xâm hại
Để góp phần ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, từ năm 2023 đến nay, lực lượng Công an Phú Yên đã điều tra làm rõ, xử lý hình sự 26 vụ, 31 đối tượng; xử lý hành chính 4 vụ, 8 đối tượng. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đào tạo các kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng tự bảo vệ khỏi bị xâm hại tình dục và bạo lực, kỹ năng tham gia các hoạt động xã hội ở cộng đồng...
Trung tá Lê Thị Ái Ngọc, Trưởng ban Phụ nữ Công an tỉnh cho biết: “Chung tay cùng xã hội bảo vệ trẻ em, trong năm qua, Ban Phụ nữ Công an tỉnh đã tổ chức 10 buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống xâm hại, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống bạo lực học đường cho gần 5.000 học sinh và trẻ em, đặc biệt là học sinh, trẻ em các vùng nông thôn, miền núi. Công tác tuyên truyền được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng, như tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, phiên tòa giả định, tọa đàm, sân khấu hóa, hỏi đáp nhanh... Trong các chương trình, các em còn được xem những video clip có liên quan đến nguyên tắc tự bảo vệ mình, phòng chống xâm hại”.
Mỗi vụ án xâm hại tình dục trẻ em, ngoài việc gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự còn để lại rất nhiều hệ lụy đau lòng cho bản thân và gia đình các em. Khi bị xâm hại, trẻ bị tổn thương tâm lý, mặc cảm, mất niềm tin vào những người xung quanh, lo lắng, sợ hãi, nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng. Những trường hợp phát hiện chậm, trẻ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, cần phải trị liệu nhưng ở tỉnh ta chưa có cơ quan, tổ chức nào chuyên về việc phục hồi tâm lý cho trẻ.
Trước thực trạng xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng, cùng với sự chung tay vào cuộc của các lực lượng chức năng, vai trò của cha mẹ là đặc biệt quan trọng trong việc quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ con mình trước vấn nạn này. |
ĐOÀN THY