Là một mặt công tác quan trọng được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ Bộ Tư lệnh BĐBP đến các đơn vị đồn, hải đội biên phòng, công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật (HC-KT) trong thời gian qua luôn được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chú trọng đúng mức, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.
“Ba khâu đột phá”, “bốn tốt”
Đại tá Phạm Huy Dực, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, Phòng Hậu cần và Phòng Kỹ thuật BĐBP tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác”, Cuộc vận động 50… và đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của phong trào thi đua được cụ thể hóa, phù hợp với công tác HC-KT của BĐBP tỉnh theo từng đơn vị và địa bàn, trọng tâm là hướng vào thực hiện “ba khâu đột phá”.
Một là, giữ ổn định đời sống bộ đội và cải thiện rõ rệt điều kiện ăn, mặc, ở; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; bảo đảm tốt vệ sinh môi trường. Hai là, thực hành tiết kiệm; chống tham ô lãng phí, chấp hành nghiêm chế độ, nguyên tắc công tác hậu cần. Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, duy trì nền nếp chính quy công tác hậu cần; bảo đảm tốt an toàn giao thông.
Đồng thời gắn với thực hiện “bốn tốt”: Tinh thần phục vụ tốt; tăng gia sản xuất, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội tốt; chống lãng phí và thực hành tiết kiệm tốt; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng các mô hình hậu cần tốt.
“Thông qua các phong trào thi đua, ý thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên HC-KT được nâng lên; chế độ công tác HC-KT từ cơ quan Bộ Chỉ huy đến các đồn, hải đội đi vào nền nếp, chính quy”, đại tá Phạm Huy Dực khẳng định.
Cũng chính nhờ làm tốt công tác HC-KT nên mặc dù đứng chân ở khu vực biên giới biển, đất cát, nắng gió, sương muối, nhưng đơn vị biên phòng nào cũng đảm bảo đủ rau xanh quanh năm, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ phong phú, đưa thêm vào bữa ăn hằng ngày của bộ đội vượt định mức trên giao.
Tiêu biểu như các mô hình: nuôi heo rừng lai ở Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Rô; mô hình chế biến nước mắm ở Đồn Biên phòng Xuân Đài, Đồn Biên phòng An Hải… Đặc biệt, nhiều phương tiện đã được trang bị trên dưới 30 năm nhưng vẫn còn hoạt động tốt.
Không để bị động, bất ngờ
Một trong những hoạt động nổi bật trong công tác HC-KT trong năm 2023 của BĐBP tỉnh là bảo đảm phục vụ hiệu quả, an toàn, thành công diễn tập Diễn tập Chỉ huy - Tham mưu 1 bên 2 cấp trên bản đồ, có một phần thực binh.
Cùng với đảm bảo HC-KT cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, đứng chân trên địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, BĐBP tỉnh luôn chủ động về lực lượng, phương tiện, vật chất theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng cơ động và bảo đảm kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Thiếu tá Huỳnh Ngọc Duy, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Hằng năm, Phòng Hậu cần chủ động tham mưu Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị gối đầu vật chất, có phương án bảo đảm sinh hoạt cho các tình huống thiên tai, bão lũ không để bị động bất ngờ.
Trong đó, BĐBP tỉnh chủ yếu dự trữ nhiên liệu, thuốc quân y, dụng cụ cấp dưỡng đủ sử dụng trong 7 ngày. Đối với các đơn vị trực thuộc (đồn, hải đội), ngoài dự trữ lương thực sẵn sàng chiến đấu theo quy định, còn bảo đảm thường xuyên gối đầu từ 15- 20 ngày ăn.
Vào thời gian trọng điểm và các đơn vị có địa hình dễ chia cắt như các đồn Xuân Hòa, Xuân Đài, Cảng cửa khẩu Vũng Rô còn dự trữ thêm một số lương thực thực phẩm như mì ăn liền, mắm, dầu ăn, cá khô, thịt hộp, lương khô, bí đỏ, bắp cải… Riêng dự trữ chất đốt thường xuyên đảm bảo 1 tháng trở lên.
Trung tá Đặng Long Giang, Chủ nhiệm Kỹ thuật BĐBP tỉnh cũng cho hay: Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết trên địa bàn, cùng với đảm bảo các phương tiện (ô tô, tàu thuyền, ca nô) luôn trong tình trạng hoạt động tốt, sẵn sàng cơ động khi có lệnh, Phòng Kỹ thuật cũng đã tham mưu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng các phương án ứng phó phù hợp sát thực tế khi xảy ra tình huống; triển khai đồng bộ các biện pháp cụ thể, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dự báo, cứu hộ, cứu nạn.
Ngoài hệ thống liên lạc bằng thiết bị ICOM hoạt động 24/24, các trạm kiểm soát biên phòng còn kết nối thông tin với bà con ngư dân qua hệ thống điện thoại thông minh. Mỗi khi các chủ phương tiện đến làm thủ tục xuất bến đều được nhân viên hướng dẫn cụ thể, để họ cung cấp các thông tin có liên quan khi hoạt động trên biển cho BĐBP và các lực lượng chức năng, nhằm triển khai ứng cứu kịp thời khi gặp sự cố, hạn chế những tổn thất cho ngư dân khi hành nghề trên biển.
Là đơn vị sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có lệnh, cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là rèn luyện thể lực, huấn luyện chuyên sâu, thành thục các động tác kỹ chiến thuật để đảm bảo thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống.
Đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm - cứu hộ cứu nạn trên biển, chủ động phối hợp với các lực lượng trong luyện tập và sẵn sàng lực lượng cơ động khi có tình huống xảy ra, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của bà con ngư dân trên địa bàn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết: Các trang thiết bị chuyên dụng được giao quản lý luôn được đơn vị bảo trì, bảo dưỡng đảm bảo vận hành tốt khi xảy ra tình huống và khi có lệnh.
Các phương án ứng phó với thiên tai, bão lũ, tìm kiếm - cứu hộ cứu nạn được quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ sát theo từng tình huống, nhất là rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ khả năng sử dụng thành thạo các trang thiết bị, làm chủ về kỹ thuật và khả năng tác nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi xảy ra thiên tai, bão lũ, đơn vị sẵn sàng cơ động, huy động phương tiện, bộ đội tham gia di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.
LẠC VIỆT