Ngoài các di tích lịch sử cấp quốc gia, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên (khóa XV) về việc xây dựng bia chiến công (BCC) tôn vinh 28 chiến công, trận đánh tiêu biểu của quân dân Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến; từ năm 2010 đến nay, Bộ CHQS tỉnh triển khai, xây dựng 16 BCC, công trình lịch sử. Đó là, BCC Núi Hiềm (xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa); Tượng đài Chiến thắng Núi Sầm (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa); BCC Cù Mông (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu); BCC Suối Cối (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân); BCC Củng Sơn (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa); Nhà bia tưởng niệm trận chiến đấu chống càn Hòa Tân (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa); BCC Núi Miếu (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa); BCC Núi Một (thị trấn Củng Sơn); BCC Cầu Cháy (xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa); BCC Cây Đu - Đá Chẹt (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân); BCC Phong Niên - Hòn Đồn (xã An Định, huyện Tuy An); BCC Sông Ba - Trường Lạc (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa); BCC Đồi Ông Trợ (xã An Định, huyện Tuy An); BCC Đèo Cả (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa); BCC Tuy Bình (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh); BCC Chóp Chài (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa).
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai kết thúc, quân và dân ta giành thắng lợi hoàn toàn, song những bài học về trí tuệ, sự đoàn kết và lòng quả cảm của quân và dân ta trong những năm tháng nếm mật nằm gai, trường kỳ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, những công trình lịch sử hợp “ý Đảng, lòng dân” này, không chỉ là nơi ghi nhớ những trận đánh tiêu biểu, vinh danh chiến công của LLVT Liên khu 5, bộ đội địa phương, dân quân, du kích Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà còn thể hiện tấm lòng tri ân đối với thế hệ đi trước đã anh dũng ngã xuống trên quê hương Phú Yên vì độc lập tự do, thống nhất đất nước, như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do...”. Đây cũng là những “địa chỉ đỏ” thu hút khách du lịch; là nơi “về nguồn”, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng 12 BCC còn lại và bàn giao cho địa phương quản lý. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để những công trình kiến trúc lịch sử nói trên cũng như những công trình sắp xây dựng phát huy được ý nghĩa đích thực của nó. Bởi thực tế cho thấy, mặc dù nhận thức của các ngành, các cấp và trách nhiệm của toàn xã hội đối với các di tích lịch sử văn hóa đã được nâng lên so với trước đây, nhưng chưa sâu sắc, toàn diện và cũng chưa được cụ thể hóa bằng các biện pháp, kế hoạch, chương trình cụ thể. Vì vậy, để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”,“nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, mỗi công trình sau khi bàn giao cho địa phương quản lý phải được bảo vệ, chăm sóc và có kế hoạch tu bổ thường xuyên, không để bị xâm hại, xuống cấp, bảo đảm tồn tại lâu dài và phát huy được giá trị của nó.
LẠC VIỆT