Gần dân, sát dân, luôn chăm lo đảm bảo an toàn trên từng chuyến biển cho ngư dân là việc làm thường xuyên của cán bộ chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng (KSBP) Đà Rằng, Đồn Biên phòng Tuy Hòa, BĐBP Phú Yên.
Từ lâu đã thành nề nếp, hay nói đúng hơn là chế độ công tác, cứ 8 giờ sáng mỗi ngày, cán bộ chiến sĩ Trạm KSBP Đà Rằng lại thay phiên nhau liên lạc với ngư dân qua hệ thống thông tin liên lạc (TTLL) đường dài. Đó là những ngày trời yên, biển lặng. Còn khi thời tiết xấu hay có sự cố trên biển thì công việc này của các anh không kể ngày đêm.
Nắm bắt, trao đổi thông tin kịp thời
Trung úy Nguyễn Văn Huân, Trưởng Trạm KSBP Đà Rằng cho biết: Ngoài việc nắm tình hình trên biển; tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động khai thác hải sản; kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới; hướng dẫn ngư dân khắc phục sự cố, tham gia tìm kiếm cứu nạn… máy bộ đàm của Trạm KSBP Đà Rằng còn là nơi để ngư dân hoạt động trên biển kết nối với người thân của mình trong đất liền và ngược lại.
Trước đây, không có máy bộ đàm đường dài, những thông tin từ biển về bờ của ngư dân phường 6 và Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) thường phải mất nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Cũng vì vậy mà những chuyến biển đánh bắt xa bờ của ngư dân là những ngày dài thấp thỏm lo âu đối với người nhà của họ.
Ông Trần Văn Đi, chủ tàu cá PY 96262TS với hơn 40 năm trong nghề khai thác hải sản, trong đó có hơn 10 năm câu cá ngừ đại dương, cho biết ông và người thân trong gia đình đã trải qua nhiều buồn vui trong từng chuyến biển. Chỉ khi ở tuổi 60 ông mới chịu ở nhà, nhưng luôn dõi theo con trai mình điều hành chuyến biển thông qua máy bộ đàm ở Trạm KSBP Đà Rằng.
“Trước đây, mỗi khi muốn nắm tình hình con cháu hoạt động trên biển phải thông qua các tàu cá kết thúc chuyến biển trở về và phải mất nhiều ngày tàu cá mới thông tin về được với gia đình. Sau này có Trạm Thông tin duyên hải Miền Trung nhưng việc liên lạc từ biển về bờ và ngược lại cũng rất khó khăn. Chỉ từ khi Trạm KSBP Đà Rằng lắp đặt máy bộ đàm và các tàu cá trang bị hệ thống TTLL, việc kết nối biển - bờ mới được liên tục, thường xuyên”, ông Trần Văn Đi cho hay.
Thực hiện dự án Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông tin vô tuyến điện trong BĐBP, từ năm 2011, Trạm KSBP Đà Rằng được trang bị máy bộ đàm đường dài, công suất 125W, việc TTLL giữa đồn với trạm và giữa trạm với ngư dân được thuận lợi. Mọi thông tin trên biển cung cấp về được cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Đà Rằng ghi chép lại cẩn thận. Những tình huống đơn giản thì các anh hướng dẫn cho bà con tự khắc phục; những tình huống cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp các anh kịp thời báo lên cấp trên xử lý.
Cứu hộ, cứu nạn từ xa
Cũng bằng hệ thống TTLL đường dài, năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, Trạm KSBP Đà Rằng đã cứu hộ, cứu nạn từ xa bằng cách mời thợ máy, bác sĩ quân y hướng dẫn khắc phục sự cố kỹ thuật cho 38 trường hợp tàu đánh cá hư hỏng, bị tàu lạ uy hiếp, sơ cứu vết thương cho 6 trường hợp tai nạn, bị bệnh, trong đó có 2 người nước ngoài.
Đồng thời thông báo cho hàng ngàn lượt tàu cá biết về tình hình thời tiết trên biển; cứu hộ, cứu nạn 170 tàu cá. Trung úy Phạm Văn Huân kể, trưa 6/1 vừa qua, trong lúc tàu cá PY 92042TS do ông Lương Công Hay (40 tuổi, ở khu phố 4, phường Phú Đông) làm thuyền trưởng đang câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa thì người đồng hương là Lê Tấn Phát lên cơn đau bụng dữ dội.
Nhận được thông tin từ thuyền trưởng qua máy Incom, anh đã mời bác sĩ quân y đến Trạm KSBP Đà Rằng đàm thoại, chẩn đoán viêm ruột thừa cấp nên hướng dẫn đưa bệnh nhân vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa) để các bác sĩ quân y phẫu thuật kịp thời.
Ông Lê Thế Trung, Trưởng lạch Đông Tác tâm đắc: “Nhờ có máy TTLL đường dài này mà những thông tin của bà con hoạt động trên biển được truyền về gia đình thuận lợi. Phát hiện tàu lạ, tàu nước ngoài xâm nhập trái phép vùng biển của nước ta hay có chuyện gì xảy ra bà con cũng kịp thời thông báo về trạm. Khi xảy ra sự cố hỏng máy, mang va, chìm tàu trên biển, anh em ở trạm cũng hỗ trợ, giúp đỡ bà con rất nhiều”.
Trạm KSBP Đà Rằng quản lý 398 tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ, với hơn 3.000 lao động. Ngoài thực hiện chức năng quản lý, đăng ký, kiểm chứng người, phương tiện ra vào địa bàn, cán bộ chiến sĩ của trạm còn thường xuyên xuống địa bàn tuyên truyền, vận động bà con ngư dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thăm hỏi, động viên bà con nhân dân, nhất là các gia đình có người bị nạn; giúp đỡ người dân gia cố nhà cửa phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả triều cường.
Khi xảy ra va chạm trên biển, người này người kia mâu thuẫn với nhau, các anh lại đứng ra hòa giải, làm cầu nối để bà con ngư dân xóa bỏ hiềm khích, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau chăm lo làm ăn phát triển kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo của Tổ quốc.
HỒNG CHIÊN - VĂN LANG