Trong các trận đánh với quân Mỹ, mỗi lần thấy hỏa điểm ta xuất hiện là bọn lính Mỹ điên cuồng tập trung pháo, gọi máy bay và dùng tất cả các loại hỏa khí bắn vào. Có trận, ta pháo kích 1 quả, chúng bắn trả hơn 1.000 quả. Vốn là “con nhà nghèo”, lính ta thường bảo nhau: “Thà mình bị thương vong chứ quyết không để cho súng bị mất hay hư hỏng”. Vì thế số anh em giữ hỏa lực thường bị thương vong nhiều.
Khác với nhiều đơn vị khác, anh em trong Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 (Tây Nguyên) cứ tranh nhau giữ thượng liên. Có đồng chí không được giữ thì nằm khóc rưng rức. Thật lạ, thượng liên phát hỏa hay bị lộ rất nguy hiểm, tại sao các đồng chí lại cứ tranh nhau giữ thượng liên? Hỏi các chiến sĩ thì họ trả lời: “Vì đó là thượng liên thần!”.
"Khẩu thượng liên thần” - một biểu hiện của “mê tín dị đoan” chăng? Tại sao Ban Chính trị Trung đoàn hay Tiểu đoàn không phê phán? Mãi sau mới vỡ lẽ: Khẩu thượng liên này bắn rất chính xác, đã từng lập nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt trận đánh ngày 15/11/1965, đơn vị hành quân qua đồi trống, bị máy bay địch phát hiện và oanh tạc. Anh em đã dùng khẩu thượng liên đánh trả quyết liệt, bắn rơi một chiếc AD-6. Do đánh máy bay giữa bãi trống nên trong trận này Đại đội 1 của Tiểu đoàn 7 xuất hiện một tấm gương mà anh em quen gọi “Bế Văn Đàn của Tây Nguyên”. Chả là thấy đồng chí Luận loay hoay mãi không có nơi nào làm giá súng, chiến sĩ nuôi quân Bùi Văn Tài liền xung phong lao vào làm giá súng. Nòng súng nóng bỏng, túi đạn văng ra, ống liều làm cháy sém quần áo. Anh em ai cũng lo cho Tài, nhưng anh vẫn nghiến răng, ghì chặt chân súng, miệng không ngớt gào to: “Bắn, bắn mạnh vào!”. Thì ra hai tai đã bị điếc, sợ người khác không nghe được, Tài mới gào to như vậy. Sau trận này, Tài được biên chế vào khẩu đội thượng liên. Trận đánh địch tại Chư Păh (Gia Lai, 5/1966), Tài đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp III và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa. Tiếp đến mấy trận sau (đường 21, Ba Bỉ, Làng Le, Ta Mơ, Đức Cơ, Chư Prông…) Tài luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trận Đức Vinh (3/7/1966), Tài được biên chế vào tiểu đội mũi nhọn, giữ trung liên. Mũi của Tài đánh nhau với một đại đội Mỹ có xe tăng yểm trợ. Hai lần bị thương nhưng Tài không chịu rút. Gặp một tốp địch đang lợi dụng cây gỗ nằm ngang, bắn mạnh vào đội hình ta. Nằm bắn thì bị vướng, Tài đã đứng thẳng lên, bắn một điểm xạ dài, diệt được 6 tên Mỹ, nhưng anh đã hy sinh vì một viên đạn garăng. Từ đó, khẩu thượng liên càng trở nên thiêng liêng. Ai cũng muốn được dùng nó để lập công và trả thù cho đồng đội.
LÊ SĨ