Những năm trước đây, vì nhiều lý do, trong đó có lý do nhận thức còn hạn chế, không ít ngư dân thường sử dụng thuốc nổ, hóa chất, xung điện để đánh bắt hải sản trên biển. Tất cả các loài thủy hải sản sau khi bị những tác nhân trên tác động sẽ bị chết và cả trứng, ấu trùng sinh sản cũng bị hủy diệt. Do vậy, nguồn lợi thủy hải sản tại nhiều khu vực ven biển đã giảm đáng kể, môi trường nước bị ô nhiễm, khiến hoạt động đánh bắt gần bờ của bà con ngư dân vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Với những ngư dân chủ yếu đánh bắt bằng thuyền nan, hầu hết không đủ sống, phải ra khu vực biển xa hơn, nhưng thuyền nhỏ nên rất nguy hiểm. Mặt khác, việc đánh bắt theo kiểu tận diệt không chỉ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản mà còn gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người đánh bắt.
Trước tình hình trên, BĐBP Phú Yên đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân cam kết xây dựng ngư trường an toàn và khai thác hải sản bền vững. Đồn Biên phòng Xuân Thịnh được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chọn làm điểm, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể các xã ven biển trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân. Theo đó, cán bộ chiến sĩ của đơn vị thường xuyên bám địa bàn, đến từng gia đình gặp gỡ ngư dân để tuyên truyền, phân tích những tác hại của các hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt và những hệ lụy của nó cả trước mắt lẫn lâu dài; vận động ngư dân cam kết không sử dụng chất nổ, hóa chất, xung điện hay phương tiện cấm để khai thác hải sản và không tranh chấp ngư trường. Đồng thời thông qua đó, tuyên truyền giúp bà con ngư dân hiểu rõ hơn các thủ tục pháp lý khi đánh bắt trên biển, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển nội địa và không xâm phạm vùng biển nước khác.
Nhận thức được tác hại của việc khai thác, đánh bắt hải sản bằng chất nổ, hóa chất, xung điện, nhiều hộ ngư dân đã ký cam kết và “nói không” với phương pháp đánh bắt tận diệt này. Khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, bà con kịp thời thông tin, trình báo cho lực lượng BĐBP để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Từ kết quả đạt được, mô hình này đã được nhân rộng trên toàn tỉnh. Đến nay, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đoàn kết, tương trợ giúp nhau trong đánh bắt cũng như việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc và không xâm phạm chủ quyền vùng biển nước bạn đã được hầu hết bà con ngư dân trong tỉnh tuân thủ nghiêm túc. Không chỉ “nói không” với mua bán, sử dụng chất nổ, chất độc trong khai thác hải sản; đã có 229 gia đình, dòng họ với hơn 4.000 người đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển và an ninh trật tự thôn, xóm ven biển; 1.100 chủ phương tiện, thuyền trưởng ký cam kết bảo đảm an ninh, an toàn đường ống dẫn khí và chấp hành các quy định về hoạt động hàng hải, khai thác, đánh bắt hải sản và tài nguyên trên biển. Đặc biệt, thông qua hoạt động đánh bắt, ngư dân đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị, giúp BĐBP và các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
LẠC VIỆT