Ngày 9/1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị 01/TTg), đã tạo ra cơ sở pháp lý và chính sách cho các cấp, ngành, lực lượng và địa phương triển khai thực hiện hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên tuyến biên giới biển, đảo.
Phú Yên có chiều dài bờ biển gần 190km, đường biên giới quốc gia trên biển dài 92km, diện tích vùng nội thủy, lãnh hải hơn 3.144km2. 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển có 27 xã, phường, thị trấn có bờ biển với 77.779 hộ, 285.815 nhân khẩu. Toàn tỉnh hiện có 6.142 phương tiện với trên 29.000 lao động hành nghề đánh bắt hải sản, trong đó phương tiện có công suất lớn (trên 90CV) là 1.085 chiếc, với 950 phương tiện hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Địa hình tự nhiên ven biển có nhiều đầm vịnh, cửa sông, cửa lạch, bãi ngang, giao thông một số nơi còn khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão.
XÂY DỰNG PHONG TRÀO RỘNG KHẮP VÀ HIỆU QUẢ
Thực hiện Chỉ thị 33 ngày 30/1/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 76 ngày 3/2/2004 của UBND tỉnh về tổ chức xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển và an ninh trật tự thôn, khu phố khu vực ven biển, đến nay phong trào này đã được xây dựng và phát triển rộng khắp trên toàn khu vực biên giới biển của tỉnh với 76 thôn, khu phố và 257 dòng họ tham gia. Toàn địa bàn cũng đã xây dựng 113 tổ tàu thuyền an toàn, với 1.026 phương tiện và gần 10.000 ngư dân tham gia, hoạt động mang lại hiệu quả.
Qua 11 năm triển khai thực hiện, phong trào “Quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển và an ninh trật tự thôn, khu phố khu vực ven biển” đã đem lại kết quả thiết thực, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Trong quá trình tổ chức hoạt động phong trào, BĐBP đã thiết lập được mạng lưới thông tin liên lạc giữa đồn, trạm biên phòng với các phương tiện ngư dân đánh bắt trên biển, từ đó chủ động hướng dẫn, tổ chức cho ngư dân xử lý các tình huống, hỗ trợ nhau khắc phục các sự cố, rủi ro, tai nạn, phát huy hiệu quả “lực lượng tại chỗ” giải quyết tốt các tình huống xảy ra trên biển. Bà con ngư dân đã cung cấp hàng ngàn nguồn tin có giá trị, giúp BĐBP phát hiện, đấu tranh xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn tuyến biển của tỉnh; cứu nạn thành công hàng trăm trường hợp phương tiện, ngư dân trong tỉnh, trong nước và người nước ngoài bị nạn trên biển; kịp thời phát hiện, xua đuổi nhiều trường hợp tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.... Cũng qua phong trào này đã xuất hiện những mô hình tổ, nhóm ngư dân đoàn kết trên biển; sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau làm ăn, đánh bắt, cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền khi gặp sự cố, thiên tai trên biển; thường xuyên thông tin cho nhau tình hình ngư trường, luồng cá; hỗ rợ vốn để cùng nhau đẩy mạnh sản xuất, làm ăn hiệu quả.
ĐƯA PHONG TRÀO PHÁT TRIỂN LÊN TẦM CAO MỚI
Sau khi Chỉ thị 01/TTg ra đời, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, đảo của tỉnh, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 147/KH-UBND thực hiện Chỉ thị 01/TTg. Đồng thời, BĐBP tỉnh cũng đã chủ động phát huy vai trò là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 01/TTg. Nổi bật là công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân, giúp ngư dân an tâm, vươn khơi bám biển; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới vùng biển, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tài nguyên môi trường biển... Theo đó, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” trên địa bàn tỉnh được cụ thể hóa thành phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vùng biển, đảo và an ninh trật tự khu vực biên giới biển”. Việc đăng ký tham gia phong trào này của các tập thể, hộ gia đình, cá nhân dựa trên cơ sở tự nguyện, dân chủ, công khai, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chế độ, chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với tập thể, hộ gia đình, cá nhân tham gia phong trào như: hỗ trợ về thiết bị, thông tin, tài liệu; hỗ trợ về điều kiện sản xuất, sinh hoạt… Cụ thể như, được ưu tiên trong xem xét giao đất, giao rừng phòng hộ ven biển, giao mặt nước nuôi trồng thủy, hải sản và cung cấp dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; ưu tiên xem xét tham gia các dự án xóa đói giảm nghèo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư; ưu tiên, tạo điều kiện xét cấp vốn, nhất là những hộ gia đình ngư dân đánh bắt xa bờ. Hàng năm, các đồn biên phòng phối hợp với UBND cấp xã tham mưu, đề xuất UBND cấp huyện ra quyết định công nhận và khen thưởng những tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong tham gia phong trào vào dịp Ngày Biên phòng toàn dân (3/3).
Có thể khẳng định, Chỉ thị 01/TTg là bước phát triển mới, hoàn thiện và cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với các vấn đề có tính chiến lược về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đây thực sự là động lực, chỗ dựa tin cậy cho nhân dân các vùng biển nói chung, ngư dân Phú Yên nói riêng quyết tâm bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, để phong trào được duy trì, phát triển lên tầm cao mới, đem lại hiệu quả cao, cần thực hiện đúng cơ chế: Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, BĐBP làm nòng cốt tham mưu, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, cùng các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể thực hiện. Trong đó, phải kết hợp chặt chẽ và gắn việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biển; gắn trách nhiệm với quyền lợi, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân.
Đại tá NGUYỄN NGỌC MINH
Tỉnh ủy viên, Chính ủy BĐBP tỉnh