Năm 2004, trước thực trạng bà con ngư dân có thói quen làm ăn riêng lẻ không hiệu quả, hoạt động đơn độc trên biển dễ bị tàu thuyền có công suất lớn của nước ngoài uy hiếp, BĐBP Phú Yên có sáng kiến thành lập các tổ Tàu thuyền an toàn (TTAT). Mục đích của việc thành lập tổ TTAT là gắn kết những người cùng ngành nghề, cùng địa bàn lại với nhau, nhất là những người hoạt động đánh bắt xa bờ, nhằm hỗ trợ nhau trong khai thác, đánh bắt hải sản cũng như khi gặp bất trắc, rủi ro trên biển, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc. Sau một thời gian vận động với sự phối hợp giữa BĐBP và Hội Nông dân, tổ TTAT đầu tiên được thành lập tại làng biển An Hòa (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu). Tiếp đó, tại các làng biển ở Đông Hòa, Tuy An, TP Tuy Hòa các tổ TTAT khác cũng lần lượt ra đời và hoạt động mang lại hiệu quả rõ rệt. Không chỉ đánh bắt đạt sản lượng cao hơn những tàu thuyền hoạt động riêng lẻ mà khi gặp sự cố, các thành viên trong tổ TTAT kịp thời ứng cứu với nhau, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Chính vì vậy, những người trước đây còn chần chừ chưa muốn tham gia tổ TTAT đã tự giác đăng ký tham gia. Đến nay, đã có 1.020 chủ phương tiện với hơn 10.000 ngư dân tham gia vào 113 tổ TTAT ở 27 xã, phường, thị trấn ven biển của tỉnh.
Năm 2014, để thực hiện Nghị định 67/CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Sở NN-PTNT Phú Yên đã thành lập các tổ Đoàn kết sản xuất trên biển. Đồng thời hưởng ứng phong trào “Hướng về biên giới, biển đảo Tổ quốc”, LĐLĐ tỉnh cũng đã thành lập các Nghiệp đoàn Nghề cá cùng với mô hình “Tổ Gắn kết tàu thuyền an toàn”. Đây là tổ chức đại diện cho ngư dân và có tiếng nói thuyết phục, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của ngư dân, góp phần tăng hiệu quả đánh bắt của tàu thuyền đánh bắt xa bờ.
Như vậy, trên địa bàn tuyến biển của tỉnh ta hiện tồn tại cùng một lúc ba mô hình: “Tổ TTAT”, “Tổ Đoàn kết sản xuất trên biển” và “Tổ Gắn kết tàu thuyền an toàn”. Điều này cũng có nghĩa là mỗi chủ phương tiện, mỗi ngư dân cùng lúc tham gia cả ba tổ. Tuy một mà ba, tuy ba mà một, bởi cả ba mô hình này đều có một mục đích chung. Đó là, nhằm tập hợp ngư dân vào một tổ chức tạo khối đoàn kết, gắn bó trong làm ăn, khai thác thủy sản trên biển; có sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước trong việc tuyên truyền ngư dân nắm bắt Luật Biển, giúp ngư dân hiểu rõ hơn về biên giới trên biển và tình hình biển đảo của Việt Nam. Đồng thời qua đó giúp Nhà nước (cơ quan chức năng) quản lý và nắm bắt tình hình hoạt động làm ăn của ngư dân trên biển để có những chính sách hỗ trợ khuyến khích ngư dân năng động, sáng tạo, tự tin vươn khơi bám biển. Tóm lại, dù là thành viên của tổ nào, mỗi ngư dân đều có nhiệm vụ chính là: hỗ trợ nhau, cùng khai thác, đánh bắt hải sản trên biển kết hợp với tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các lực lượng và toàn thể nhân dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tập trung của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo và an ninh trật tự khu vực biên giới biển của tỉnh; thiết nghĩ cần hợp nhất ba mô hình trên làm một, thống nhất chung một tên gọi. Đây cũng là thực hiện theo Chỉ thị 01/TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”
LẠC VIỆT